Các công ty hàng đầu của ngành công nghiệp Nhật Bản: Toyota , Nissan, Honda, Subaru, Panasonic và 7 hãng khác cùng ký kết một thỏa thuận hợp tác phát triển Hệ thống trên chip (SoC) tiên tiến cho xe điện.
Đầu tháng 12/2023, 12 công ty hàng đầu ngành công nghiệp Nhật Bản, các nhà sản xuất ô tô, linh kiện điện tử và linh kiện bán dẫn dẫn đầu là Toyota đã ký kết một thỏa thuận thành lập liên doanh “Nghiên cứu SoC tiên tiến cho ô tô” ( ASRA).
Một mẫu xe điện ý tưởng của Toyota. Ảnh Toyota
SoC - Hệ thống trên chip là một mạch tích hợp tích hợp hầu hết hoặc tất cả những thành phần của một hệ thống điện tử khác. Những thành phần này bao gồm bộ xử lý trung tâm (CPU) trên chip, giao diện bộ nhớ, thiết bị và giao diện đầu vào/đầu ra cũng như giao diện lưu trữ thứ cấp cùng các thành phần khác như modem vô tuyến và bộ xử lý đồ họa (GPU), tất cả được thiết kế trên một chất nền đơn hoặc vi mạch.
Nhóm ASRA được thành lập để nghiên cứu và phát triển Hệ thống bán dẫn trên chip Hiệu suất cao (SoC) cho các phương tiện giao thông. Nhóm ASRA có mục đích tập hợp kiến thức, trí tuệ, tài năng và kinh nghiệm sâu rộng trong ngành xe ô tô để phát triển SoC trên xe điện vào năm 2028.
Từ năm 2030, nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu triển khai SoC vào các phương tiện sản xuất hàng loạt. Với ít nhất 1.000 linh kiện bán dẫn các loại, được sử dụng trong mỗi chiếc ô tô hiện nay, công nghệ SoC có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tương lai của ngành giao thông vận tải.
Trong kỷ nguyên mới của xe điện kết nối kỹ thuật số, phần mềm là chìa khóa quyết định sự phát triển. Công nghệ SoC là nền tảng phần cứng hỗ trợ cho nhiều chức năng của xe điện thông minh như hệ thống thông tin giải trí kết nối và tự động hóa điều khiển phương tiện.
ASRA đặt mục tiêu phát triển SoC với công nghệ chiplet với nhiều loại linh kiện bán dẫn khác nhau. Chiplet là hệ thống những chip nhỏ được sử dụng để tạo thành một con chip lớn hơn. Công nghệ Chiplet giúp chế tạo các sản phẩm có hiệu suất và tính ổn định cao hơn. Tăng cường hệ thống xử lý vi mạch, tăng tốc độ tính toán và đáp ứng được nhu cầu ngày càng phát triển của thị trường.
Đồng thời, công nghệ Chiplets giảm thiểu rủi ro và chi phí sản xuất vi mạch, đồng thời tối ưu hóa quá trình sản xuất. Tăng cường tính tương thích và tùy chỉnh với các thành phần khác trong hệ thống
Công nghệ chiplet cho phép thiết kế vi mạch linh hoạt hơn, cung cấp sản phẩm đa dạng, giảm thời gian và chi phí phát triển đồng thời mang lại hiệu suất cao hơn.
Sơ đồ ứng dụng SoC vào xe điện của nhóm nghiên cứu Toyota. Ảnh: ASRA
Nhóm nghiên cứu ASRA sẽ hợp tác với ngành công nghiệp, chính phủ và các đối tác trong và ngoài nước khác để nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Các thành viên của nhóm ASRA bao gồm: Các hãng sản xuất ô tô : Toyota, Honda, Mazda, Nissan và Subaru. Nhà sản xuất linh kiện điện từ : Denso và Panasonic. Các doanh nghiệp bán dẫn: Công ty Thiết kế Cadence Nhật Bản, Công ty Công nghệ Mirise, Tập đoàn Điện tử Renesas Electronics, Công ty Hệ thống trên chip Socionext, Công ty Synopsys Japan thuộc tập đoàn Nippon.
Thành viên cấp cao của Toyota Motor, nghiên cứu viên cao cấp Keiji Yamoto là chủ tịch của nhóm nghiên cứu ASRA. Nobuaki Kawahara, cố vấn cấp cao của công ty điện tử Denso sẽ giữ vị trí giám đốc điều hành.
Các mẫu ý tưởng xe điện của Toyota/ Ảnh: Toyota
Nhật Bản đang tụt lại phía sau trong quá trình chạy đua chuyển đổi sang xe điện của ngành công nghiệp giao thông vận tải. Năm 2023, Trung Quốc đã vượt qua quốc gia này với tư cách là nước xuất khẩu ô tô số một thế giới, do nhu cầu xe điện tăng cao tại Trung Quốc và thị trường Mỹ và châu Âu.
Trung Quốc giành được lợi thế trên thị trường toàn cầu với những xe điện thông minh, đa chức năng và giá rẻ như BYD Dolphin, đồng thời chiếm lĩnh thị trường từ các nhà sản xuất ô tô từng thống trị khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc. Doanh số của Toyota tại Trung Quốc giảm 2% tính đến tháng 11/2023, các thị trường khác như Thái Lan giảm sâu đến 6,5%, thậm chí giảm nhiều hơn.
Trịnh Thái Bằng
Nguồn: VietTimes