Ngày nay, Mặt trời là một nguồn cung cấp trọng lực và năng lượng thiết yếu cho Trái đất. Nhưng sẽ đến một ngày nào đó, Mặt trời sẽ khiến cho Trái đất diệt vong. Khi ngôi sao trung tâm của Hệ Mặt trời già đi, vòng đời của nó cuối cùng sẽ nuốt chửng hành tinh xanh của chúng ta, theo Live Science.
Vậy mất bao lâu thời gian nữa Trái đất của
chúng ta sẽ bị Mặt trời nuốt chửng? Theo các nhà khoa học công bố mới đây: khoảng
vài tỉ năm nữa tính từ hiện tại. Nhưng từ trước thời điểm đó, sự sống trên Trái
đất đã kết thúc rồi.
Trái đất sẽ trở thành một nơi không thể
sinh sống đối với hầu hết các tổ chức sống trong khoảng 1,3 tỉ năm nữa, do sự
phát triển tự nhiên của Mặt trời, theo các chuyên gia khoa học. Và loài người,
cùng với vô số các chủng loài khác, sẽ đi theo con đường tuyệt chủng chỉ trong
vòng vài thế kỷ tới nếu như tốc độ biến đổi khí hậu như hiện nay không giảm đi.
Trái đất bao nhiêu tuổi?
Hành tinh của chúng ta hình thành từ một
đám mây khí và bụi khổng lồ trong không gian, được gọi là tinh vân, khoảng 4,6
tỉ năm trước. Lục địa đầu tiên có thể đã hình thành trên bề mặt của nó sớm nhất
là 4,4 tỉ năm trước.
Bầu khí quyển của Trái đất sơ khai không chứa
oxy nên sẽ rất độc hại đối với con người nếu như có mặt vào thời điểm đó. Nó rất
khác so với bầu khí quyển Trái đất ngày nay, nơi có khoảng 21% oxy. Nhiều dạng
sống, bao gồm cả con người, cần oxy để sống.
Lượng oxy đó đến từ đâu? Các nhà khoa học
tin rằng lượng oxy trong khí quyển bắt đầu tăng lên khoảng 2,4 tỉ năm trước
trong một sự thay đổi mà họ gọi là Sự kiện oxy hóa lớn.
Các vi sinh vật nhỏ bé đã tồn tại trên bề mặt
Trái đất được một thời gian. Một số trong số chúng đã phát triển khả năng tạo
ra năng lượng từ ánh sáng mặt trời, giống như một số loài thực vật ngày nay.
Khi làm điều đó, chúng giải phóng oxy. Lượng oxy này tích tụ trong bầu khí quyển
và tạo điều kiện cho các dạng sống phức tạp hơn phát triển.
Quá trình này mất một thời gian dài. Những
động vật đầu tiên có thể là bọt biển xuất hiện khoảng 660 triệu năm trước. Tùy
thuộc vào cách chúng ta định nghĩa con người, con người xuất hiện ở châu Phi
trong khoảng 200.000 năm đến 2 triệu năm trước và lan rộng khắp hành tinh kể từ
đó.
Cái chết của Mặt trời
Kết cục diệt vong của hành tinh mà chúng ta
đang sống có liên kết chặt chẽ tới sự phát triển của Mặt trời.
“Trái đất có khoảng 4,5 tỉ năm nữa trước
khi Mặt trời biến thành một sao khổng lồ màu đỏ và sau đó nuốt chửng Trái đất”,
Ravi Kopparapu, nhà khoa học hành tinh đến từ Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard của
NASA, cho hay. Sao khổng lồ đỏ nằm ở những giai đoạn cuối cùng của sự tiến hóa,
khi mà ngôi sao này cạn hết khí hydro để cung cấp cho phản ứng nhiệt hạch và bắt
đầu chết đi, theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Một khi phản ứng nhiệt hạch kết thúc, lực hấp
dẫn sẽ phát huy. Lõi helium của Mặt trời sẽ bắt đầu bị nén lại dưới trọng lực,
từ đó làm tăng nhiệt độ. Sự gia tăng nhiệt độ đột ngột sẽ khiến lớp plasma bên
ngoài Mặt trời mở rộng ra đáng kể. “Mặt trời sẽ phồng to lên ít nhất là ít nhất
đến kích thước của quỹ đạo Trái đất”, Kopparapu cho hay.
Số phận của Trái đất
Tuy nhiên, Trái đất sẽ không thể tồn tại đến
4,5 tỉ năm để chứng kiến sự kiện đó xảy ra, và chắc chắn đó sẽ không phải Trái
đất mà chúng ta từng biết.
Kopparapu cho hay: “Các bạn sẽ không phải
chờ cho đến khi các lớp bên ngoài của Mặt trời chạm tới Trái đất”. Điều này là
bởi Trái đất sẽ trải qua tình trạng nóng cực đoan từ lâu trước khi Mặt trời
hoàn thành quá trình chuyển đổi sang một sao khổng lồ đỏ. Do quá trình chết đi
của Mặt trời làm tăng nhiệt độ, “Các đại dương sẽ bốc hơi, sau đó bầu khí quyển
sẽ biến mất và rồi các lực thủy triều do trọng lực của Mặt trời sẽ xé rách Trái
đất”.
Ở thời điểm khoảng 1,3 tỉ năm tính từ hiện
tại, “nhân loại sẽ không thể sống sót trên Trái đất, xét về mặt tự nhiên” do
tình trạng nóng và ẩm kéo dài. Vào thời điểm khoảng 2 tỉ năm sau, các đại dương
trên Trái đất có thể sẽ bốc hơi khi mức độ sáng của Mặt trời lớn hơn gần 20% so
với thời điển hiện tại, theo ông Kpparapu.
Nhưng một số dạng sống có thể tồn tại đến
thời điểm này – ví dụ như một số loại vi khuẩn đã quen sống gần các mạch thủy
nhiệt dưới đáy đại dương – chứ không phải là con người.
“Con người – và tất cả các dạng sống phức tạp
– đều cần có điều kiện nhất định mới có thể sống”, Rodolfo Garcia, nghiên cứu
sinh thiên văn học và sinh vật học vũ trụ tại ĐH Washington, cho hay. Ví dụ, ở
người, một cơn sốt khiến thân nhiệt tăng chỉ khoảng 3,3 độ C là đã có thể đe dọa
tới tính mạng.
Nhiệt độ cầu ướt – sự kết hợp giữa nhiệt độ,
độ ẩm, sức gió, góc mặt trời và độ che phủ của mây- trong đó cơ thể con người
không còn đủ khả năng để làm mát bằng cách đổ mồ hôi nữa, có khả năng sắp đến gần,
có lẽ chỉ cách nền nhiệt độ hiện tại khoảng vài độ C, Kopparapu cho hay.
Ngưỡng nhiệt độ cầu ướt đối với nhân loại ban
đầu được dự đoán là ở 35 độ C, nhưng nghiên cứu mới hơn cho thấy nhiệt độ cầu ướt
chỉ khoảng 30 độ C là đã có thể gây chết người.
Một số nơi trên Trái đất vốn đã đạt đến nhiệt
độ cầu ướt vượt 32 độ C trong nhiều thời điểm, và các mô hình khí hậu dự đoán rằng
ngưỡng 35 độ C sẽ xảy ra thường xuyên ở những khu vực như Trung Đông vào cuối
thế kỷ này. Ở nhiệt độ đó, các loài động vật có khả năng đổ mồ hôi về cơ bản sẽ
bị thiêu đốt bởi cái nóng, Kopparapu cho hay.
Nhìn chung, các loại khí gây hiệu ứng nhà
kinh sẽ đe dọa tới sự sống và xã hội loài người trên Trái đất từ rất lâu trước
khi Mặt trời chết đi.