Tua bin điện gió đóng gói phẳng do Douglas Macartney thiết kế vào năm 2018 đã được một nhóm kỹ sư từ Đại học Glasgow Caledonian (GCU) phát triển thành nguyên mẫu sản xuất điện tích hợp gió – mặt trời khả thi.
Tuabin điện gió, do Douglas Macartney, một học sinh 15 tuổi
người Scotland thiết kế, trong tương lại sẽ được sử dụng để giúp cung cấp điện
cho các cộng đồng dân cư ở Kenya.
Mục tiêu của công nghệ là tăng cường khả năng tiếp cận điện năng
bằng giải pháp làm cho trạm nguồn có giá cả phù hợp, độ tin cậy cao và ít
carbon. Nguyên mẫu có thể được lắp ráp mà không cần bất kỳ khóa đào tạo chuyên
môn nào và dự kiến sẽ được sử dụng để hỗ trợ các khu vực phục hồi sau thảm họa
thiên nhiên và ở các khu định cư nông thôn hẻo lánh, cách xa kết nối mạng lưới
điện quốc gia.
Thiết bị này lần đầu tiên được giới thiệu tại Diễn đàn
COP26, sau khi ý tưởng thiết kế được lựa chọn cẩn thận từ 11.000 đề xuất trong
một cuộc thi quốc gia do tổ chức phi lợi nhuận Primary Engineer thực hiện năm
2019. Một năm sau, nhóm trường đại học, hậu thuẫn dự án đang làm việc với các đối
tác khác để mang tuabin điện gió đến Kenya.
Dự án này là một trong 64 dự án chia sẻ khoản tài trợ 26 triệu
bảng Anh từ chương trình Chất xúc tác năng lượng đổi mới của Chính phủ Anh.
Tác giả của công trình, Douglas Macartney, hiện 19 tuổi và
đang học toán tại Đại học Cambridge, thiết kế tua-bin khi còn là học sinh tại
Trường Trung học Hoàng gia Edinburgh. Anh cho biết, ý tưởng ban đầu xuất phát từ
một thiết kế nhà trú ẩn tạm thời dành cho người tị nạn đóng gói phẳng do doanh
nghiệp nội thất khổng lồ Thụy Điển Ikea chế tạo.
“Ikea đã chế tạo một ngôi nhà trú ẩn dành cho người tị nạn
và tôi khá thích sự đơn giản của cấu trúc. Tôi đã nghĩ đến việc làm điều tương
tự nhưng với thứ gì đó sẽ cung cấp năng lượng, sử dụng trong trại tị nạn,” anh
nói: “Làm việc với nhóm tại GCU rất tốt. Thật tuyệt vời khi thấy ý tưởng trên
giấy đã được biến thành một nguyên mẫu hoạt động thế nào. Sản phẩm được phát
triển vượt xa những gì tôi nghĩ là có thể khi thiết kế.”
Scott McCulloch, Adam Friend, Jamie Whitehead và Rebekah
Edgar với tua-bin gió đóng gói phẳng do học sinh 15 tuổi người Scotland phát
minh, sẽ được sử dụng để giúp cung cấp điện cho các cộng đồng ở Kenya. Ảnh
Peter Devlin/Đại học Glasgow Caledonian
GCU sẽ hợp tác với DeCourcy Alexander, công ty tư vấn đổi mới
bền vững tại Luân Đôn và E-Safiri Charging Limited, một công ty của Kenya, tập
trung vào nghiên cứu những giải pháp đổi mới để cung cấp khả năng tiếp cận năng
lượng bền vững.
Khoản tài trợ của chính phủ Anh sẽ cho phép 3 đối tác liên kết
giới nghiên cứu Anh và ngành công nghiệp nông thôn quy mô nhỏ ở Kenya thực hiện
một dự án, bao gồm hoàn thiện thiết kế tuabin điện gió, sản xuất và triển khai ở
Kenya, giúp thúc đẩy tăng trưởng nền kinh
tế bền vững và phát triển giáo dục, làm thay đổi cuộc sống người dân bản địa.
Andrew Cowell, giảng viên cao cấp tại GCU và nhà điều nghiên
chính của dự án cho biết:
“Tua bin gió được thiết kế để tạo đủ điện để cung cấp năng
lượng cho đèn và hai ổ cắm USB trong khu cứu trợ thiên tai hoặc trại tị nạn. Bổ
sung các tấm pin mặt trời được lấy cảm hứng một phần từ ý tưởng ban đầu của
Douglas và một phần từ phản hồi của đối tác đấu thầu Nghiên cứu Đổi mới của Anh.
Tất cả những tính toán cho thấy ý tưởng thiết kế này là khả thi.”
Hệ thống điện tái tạo kết hợp tuabin gió và bảng điện mặt trời
đóng gói phẳng của công nghệ này khả thi để triển khai ở các vùng nông thôn, giảm
chi phí lắp đặt, vận chuyển và có chi phí năng lượng thấp hơn nhiều do hoạt động
hoàn toàn độc lập và không kết nối lưới điện.
Mục tiêu tiếp theo của nhóm là đào tạo cộng đồng địa phương
lắp ráp và sử dụng thiết bị, sau đó là sản xuất sản phẩm tại địa phương.
Dự án sẽ mang tên
Angaza Châu Phi – Angaza là từ tiếng Swahili có nghĩa là “cung cấp ánh sáng,
soi sáng, tỏa sáng”. Dự án dự kiến bắt đầu được tiến hành vào ngày 1/3/2023
và sẽ chạy trong 12 tháng, bao gồm các thử nghiệm thực địa tại các địa điểm phù
hợp ở Scotland và Kenya.