Trong một công trình nghiên cứu toàn diện nhất về bệnh nhi COVID-19, các nhà khoa học Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (MGH) và Bệnh viện Đa khoa Đại chúng cho Trẻ em (MGHfC) tuyên bố, trẻ em đóng vai trò lớn hơn lây lan COVID-19 trong cộng đồng.
Các nhà khoa học cho biết, khi tiến hành nghiên cứu 192 trẻ từ 0-22 tuổi trong vùng dịch, 49 trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, 18 trẻ mắc bệnh liên quan đến COVID-19 khởi phát muộn. Trẻ em bị nhiễm bệnh có mức độ vi rút trong đường thở cao hơn đáng kể so với người lớn nhập viện trong Phòng chăm sóc tích cực ICU điều trị COVID-19.
Lael Yonker, Bác sĩ y khoa, Giám đốc Trung tâm xơ nang MGH, tác giả chính của nghiên cứu SARS-CoV-2: “Biểu hiện lâm sàng, khả năng lây nhiễm và các phản ứng miễn dịch” được đăng trên Tạp chí Nhi khoa, cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên về mức độ cao của vi rút, tìm thấy ở trẻ em mọi lứa tuổi, đặc biệt trong hai ngày đầu tiên nhiễm bệnh. Tôi không ngờ tải lượng vi rút lại cao như vậy”.
Tại bệnh viện với tất cả các biện pháp phòng ngừa điều trị cho người lớn bị bệnh nặng, nhưng tải lượng vi rút của những bệnh nhân nhập viện này thấp hơn đáng kể so với với tải lượng vi rút SARS-CoV-2 trong một 'đứa trẻ khỏe mạnh' đang sinh hoạt bình thường.
Khả năng lây truyền hoặc nguy cơ lây nhiễm càng lớn khi tải lượng vi rút cao trong cơ thể. Ngay cả khi trẻ em có các triệu chứng điển hình của COVID-19, như sốt, sổ mũi và ho, những dấu hiệu này thường trùng lặp với các bệnh thông thường ở trẻ em như cúm và cảm lạnh. Yonker nhận xét, điều này làm nhầm lẫn chẩn đoán chính xác về COVID-19 bắt nguồn từ virus SARS-CoV-2.
Cùng với tải lượng vi rút, các nhà khoa học cũng nhận thấy sự liên quan giữa phản ứng kháng thể và thụ thể virus ở trẻ khỏe mạnh, trẻ bị nhiễm SARS-CoV-2 cấp tính với một số lượng nhỏ hơn mắc Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (MIS-C).
Theo Yonker, những phát hiện từ gạc mũi họng và mẫu máu từ Kho lưu trữ sinh học MGHfC Nhi khoa COVID-19 có ý nghĩa rất quan trọng với việc mở cửa trở lại các trường học, nhà trẻ và các địa điểm khác có mật độ trẻ em cao và có sự tương tác chặt chẽ với giáo viên và nhân viên.
Alessio Fasano, Bác sĩ Y Khoa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sinh học và Miễn dịch Mucosal tại MGH, đồng thời là tác giả cao cấp của bản báo cáo khoa học cho biết: “Trẻ em không miễn dịch với bệnh nhiễm trùng này và những triệu chứng phát hiện được không tương đồng với việc tiếp xúc và bị nhiễm trùng. Trong đợt đại dịch COVID-19, chúng tôi chủ yếu sàng lọc những đối tượng có triệu chứng nhiễm bệnh nên đưa ra kết luận sai lầm rằng đại đa số những người bị nhiễm là người lớn. Nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em không được bảo vệ chống lại vi-rút SARS-CoV-2. Chúng ta đã không coi trẻ em là người có khả năng lây lan loại virus này ”.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, dù trẻ em mắc COVID-19 không có khả năng bị bệnh nặng như người lớn, như học sinh mang mầm bệnh không có triệu chứng hoặc mang mầm bệnh ít triệu chứng khi đi học sẽ gây lây nhiễm và mang vi rút về nhà cho người thân.
Đây là mối quan tâm đặc biệt đối với các gia đình thuộc một số nhóm kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề hơn trong đại dịch và các gia đình nhiều thế hệ có người già dễ bị tổn thương trong cùng một hộ gia đình. Trong nghiên cứu của MGHfC, 51% trẻ em bị nhiễm SARS-CoV-2 cấp tính đến từ các cộng đồng có thu nhập thấp, nhưng chỉ có 2% từ cộng đồng có thu nhập cao.
Trong một phát hiện đột phá khác từ nghiên cứu, các nhà khoa học bác bỏ giả thuyết hiện tại: do trẻ em có số lượng thụ thể virus đối với SARS-CoV2 thấp hơn, khiến chúng ít có khả năng nhiễm trùng hoặc bệnh nặng hơn. Dữ liệu từ nhóm nghiên cứu cho thấy mặc dù trẻ nhỏ có số lượng thụ thể vi rút thấp hơn trẻ lớn tuổi hơn và người lớn, nhưng thực tế này không tương quan với tải lượng vi rút bị nhiễm.
Nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, trẻ em có thể mang tải lượng vi rút cao, có nghĩa là dễ lây lan hơn sau khi nhiễm COVID-19 dù có phát triển thành bệnh nặng hay không.
Các nhà khoa học cũng phát hiện được, phản ứng miễn dịch khi lây nhiễm COVID-19 sẽ dẫn đến MIS-C, loại bệnh nhiễm trùng đa cơ quan, toàn thân, có thể phát triển ở trẻ em cùng với COVID-19 vài tuần sau khi lây nhiễm. Các biến chứng do tăng tốc phản ứng miễn dịch, có thể thấy được trong MIS-C là những vấn đề nghiêm trọng như sốc và suy tim cấp tính.
Fasano, đồng thời là giáo sư Nhi khoa tại Trường Y Harvard (HMS) cho biết: “Đây là một biến chứng nghiêm trọng do phản ứng miễn dịch với nhiễm COVID-19 và số lượng bệnh nhân này đang tăng lên.
Fasano cho biết thêm: “Cũng như những biến chứng toàn thân nghiêm trọng ở người lớn, phản ứng miễn dịch sau khi nhiễm COVID-19 sẽ tác động trực tiếp lên tim là cơ quan đầu tiên ở trẻ em”.
Theo các nhà nghiên cứu, hiểu biết kỹ lưỡng MIS-C và những phản ứng miễn dịch sau khi lây nhiễm từ bệnh nhi COVID-19 là rất quan trọng để phát triển các bước tiếp theo trong phác đồ điều trị và phòng ngừa. Yonker nhấn mạnh rằng, sự rối loạn chức năng miễn dịch trong MIS-C là vấn đề cần phải thận trọng khi phát triển các loại vắc xin chống SARS-CoV2.
Là bác sĩ nhi khoa của MGHfC, Yonker và Fasano thường xuyên phải trả lời những câu hỏi từ các bậc cha mẹ về việc đưa con trẻ trở lại trường học và nhà trẻ một cách an toàn. Quan trọng nhất là các bước mà trường học thực hiện “để giữ an toàn cho trẻ em, giáo viên và nhân viên”.
Đề xuất từ công trình nghiên cứu của 30 đồng tác giả từ MGHfC, MGH, HMS, Viện Công nghệ Massachusetts, Bệnh viện Brigham and Women’s và Harvard T.H. Chan School of Public Health là không dựa vào nhiệt độ cơ thể hoặc theo dõi triệu chứng để xác định nhiễm SARS-CoV-2 trong môi trường giáo dục.
Các nhà khoa học nhấn mạnh cần phải thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng là cách ly xã hội, sử dụng khẩu trang chung, quy trình rửa tay và kết hợp giữa học tập từ xa và trực tiếp. Việc sàng lọc định kỳ và liên tục cho tất cả học sinh về nhiễm SARS-CoV-2, thông báo kết quả kịp thời là một phần bắt buộc của chính sách trở lại trường học an toàn. Các nhà khoa học kết luận: “Nếu các trường học được mở lại hoàn toàn mà không có những biện pháp phòng ngừa cần và đủ, trẻ em sẽ là nguồn lây nhiễm lớn trong đại dịch COVID-19.