Các nhà khoa học Trung Quốc lên kế hoạch sử dụng tàu thăm dò Hằng Nga 8 để khám phá tính khả thi ứng dụng công nghệ in 3D, xây dựng những tòa nhà để con người có thể cư trú trên Mặt Trăng.
Trong sứ mệnh Mặt trăng năm 2020 của Trung Quốc, thiết bị Hằng Nga 5, đặt theo tên của nữ thần Mặt trăng trong thần thoại, tàu thăm dò không có người lái đã mang về Trái đất những mẫu đất Mặt trăng đầu tiên. Trung Quốc, lần đầu tiên hạ cánh xuống bề mặt của Mặt trăng năm 2013, có kế hoạch đưa các phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2030.
Tàu đổ bộ của tàu thăm dò Hằng Nga 4. Ảnh Tân Hoa Xã/Cục Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc.
Theo giám đốc cơ quan hoạch định các chương trình Mặt Trăng của Trung Quốc, các nhà khoa học đã lên kế hoạch sử dụng sứ mệnh Hằng Nga 8 để khám phá tính khả thi ứng dụng công nghệ in 3D, xây dựng những tòa nhà để con người có thể cư trú trên Mặt Trăng.
Wu Weiren, học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, nhà khoa học hàng đầu, lãnh đạo Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia cho biết, tàu thăm dò robot Hằng Nga 8, phương tiện do thám thứ 3 trong chương trình khám phá vệ tinh Trái Đất tiếp theo của quốc gia, sẽ được thiết lập để hạ cánh xuống phần Nam Cực của Mặt Trăng.
Thiết bị robot Hằng Nga 8 có sứ mệnh tiến hành điều tra nghiên cứu về môi trường và thành phần khoáng chất tại địa điểm hạ cánh, đồng thời thử nghiệm một số công nghệ tiên tiến như in 3D, có thể được thực hiện trên bề mặt Mặt Trăng bằng nguyên vật liệu tại chỗ trong tương lai hay không?
"Nếu chúng ta muốn sống và làm việc trên Mặt Trăng trong một thời gian dài, chúng ta cần thiết lập các trạm công tác, sử dụng vật liệu của chính bề mặt Mặt Trăng", ông Wu nói trong một cuộc phỏng vấn với báo giới gần đây, trước Ngày Vũ trụ của Trung Quốc - ngày 24/3. Ông giải thích thêm:
"Đất Mặt Trăng sẽ là nguyên liệu thô, được in thành các khối xây dựng. Các giáo sư tại một số trường đại học trong nước như Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải và Đại học Giao thông Tây An ở tỉnh Thiểm Tây đã bắt đầu nghiên cứu ứng dụng có thể thực hiện bằng công nghệ in 3D trên mặt trăng."
Nhà hoạch định kế hoạch chính cho chương trình Mặt Trăng của Trung Quốc tuyên bố, Cơ quan Quản lý Vũ trụ Trung Quốc có một lộ trình lớn cho những chương trình thăm dò và phát triển trên thiên thể vệ tinh của Trái Đất những năm tới.
Ông Wu cho biết, bước tiếp theo trong chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc, tàu thăm dò thám hiểm Hằng Nga 6 sẽ hạ cánh xuống phần xa hơn so với Trái Đất của Mặt Trăng để thu thập các mẫu đất đá. Hằng Nga 5 đã lấy mẫu từ phía gần của Mặt Trăng. "Nếu Hằng Nga 6 thành công, đây sẽ là lần đầu tiên chúng tôi lấy được các mẫu từ phía xa của Mặt Trăng", Wu nói.
Tàu vũ trụ thám hiểm Hằng Nga 6 bao gồm 4 thành phần – tàu vũ trụ trên quỹ đạo Mặt Trăng, mô-đun đổ bộ, thiết bị phóng lên và mô-đun quay lại tàu vũ trụ. Tàu thám hiểm Hằng Nga 6 được lên kế hoạch phóng vào năm 2025.
Lực hút của Trái Đất tạo lên ma sát thủy triều làm chậm quá trình quay của Mặt Trăng. Theo thời gian, một phía của Mặt Trăng bị thủy triều khóa lại, mãi mãi hướng về địa cầu, đó là phía gần của Mặt Trăng.
Mặt bên kia, hoặc phía xa Mặt Trăng đã được nhiều tàu vũ trụ chụp ảnh trong nhiều thời gian khác nhau, bắt đầu từ tàu thăm dò của Liên Xô năm 1959, nhưng không có tàu thám hiểm nào hạ cánh xuống bề mặt phía xa cho đến tháng 1/2019 khi tàu vũ trụ sứ mệnh Hằng Nga 4 của Trung Quốc hạ cánh xuống miệng núi lửa Von Karman.
Tàu đổ bộ và xe tự hành của Hằng Nga 4 đã hoạt động trên Mặt Trăng hơn 4 năm và tiếp tục cho phép các nhà khoa học quan sát kỹ lưỡng và tiến hành những cuộc khảo sát bề mặt của Mặt Trăng ở phía xa.
Sau sứ mệnh Hằng Nga 6, tàu thăm dò robot Hằng Nga 7 sẽ được gửi đến Nam Cực của Mặt Trăng để thực hiện "những cuộc điều tra nghiên cứu với độ chính xác cao", ông Wu nói.
Nhà khoa học vũ trụ giải thích: "Sứ mệnh Hằng Nga 7 nhằm tìm kiếm dấu vết của nước ở Nam Cực, điều tra môi trường và thời tiết tại vị trí này, đồng thời khảo sát địa hình. Tàu thăm dò sẽ mang theo một “máy bay không người lái” có nhiệm vụ bay vào các hố trên bề mặt mặt trăng để tìm băng."
"Hằng Nga 7 cũng sẽ có nhiệm vụ phát hiện những nguồn tài nguyên thiên nhiên bên dưới bề mặt Nam Cực của Mặt Trăng. Các nhà khoa học hoạch định sứ mệnh đang nghiên cứu đánh giá, liệu có thể sử dụng tàu thăm dò để khoan sâu vào bề mặt và nghiên cứu những cấu trúc dưới lòng đất, thành phần của các lớp đất hay không", ông nói.
Trong tương lai gần, các nhà khoa học sẽ sử dụng các thành phần của 3 sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng sắp tới như tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ, xe tự hành và cảm biến để xây dựng nguyên mẫu một tiền đồn khoa học được robot hóa, hoạt động như một nền tảng cho sự hợp tác quốc tế trong chương trình khám phá mặt trăng, Wu Weiren tuyên bố.