Trung Quốc đang đẩy mạnh tiến độ xây dựng siêu chòm sao vệ tinh thứ hai với 12.000 vệ tinh, đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng và cạnh tranh với các chòm sao vệ tinh Starlink của SpaceX.
Dự án mang tên G60 Starlink, được chính quyền thành phố Thượng Hải hỗ trợ ngân sách, sẽ triển khai khoảng hơn 12.000 vệ tinh trên quỹ đạo Trái Đất thấp.
Siêu chòm sao vệ tinh G60 Starlink với 12000 vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất thấp. Ảnh Shutterstock/Nasa
Theo bản tin đăng trên trang Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), quy mô tiềm năng của dư án G60 Starlink tương tự như siêu chòm sao vệ tinh Guo Wang, hay Mạng lưới Quốc gia (National Network), một chòm sao có khoảng 13.000 vệ tinh, thường được coi là câu trả lời của Trung Quốc đối với hệ thống Starlink của nhà tỷ phú Elon Musk. Hiện dự án này đang do công ty quốc doanh Guo Wang phát triển.
Tháng 9/2023, một phái đoàn do Cheng Xiangmin, bí thư quận ủy quận Song Giang thuộc thành phố Thượng Hải dẫn đầu đã có chuyến viếng thăm và kiểm tra một trung tâm công nghệ cao mới phía tây Thượng Hải. Đây là nhà máy dành riêng cho kế hoạch sản xuất hàng loạt vệ tinh G60, theo bản tin được đăng trên trang thông tin điện tử chính thức của quận.
Bản tin của trang web quận Songjiang cho biết, đoàn công tác có cuộc gặp đại diện các đối tác công nghiệp của dự án, trong đó có công ty đầu tư Thượng Hải Alliance và công ty Công nghệ Vệ tinh Vũ trụ Thượng Hải (Shanghai Spacecom Satellite Technology) để nghe báo cáo về tiến độ xây dựng dự án.
Đại diện của Công ty Đầu tư Thượng Hải Alliance cho biết: “Đặc biệt chú ý đến mục tiêu và tiến độ xây dựng của dự án G60 Starlink, chúng tôi đã nỗ lực thúc đẩy giải ngân các gói đầu tư và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực mạng lưới Internet vệ tinh.”
Theo bản tin trên trang web của quận, tất cả các bên tham gia dự án đều thồng thuận hợp tác chặt chẽ, liên kết phối hợp để giải quyết nhanh chóng những vấn đề then chốt như nguồn vốn và công nghệ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Tháng 7, ông Cheng trong một cuộc họp báo phát biểu, các vệ tinh thử nghiệm ban đầu đã được phóng và kết nối trong không gian để hình thành mạng lưới Internet cục bộ. Trong giai đoạn đầu của dự án, công ty Công nghệ Vũ trụ Thượng Hải sẽ phóng 1.300 vệ tinh, được đưa vào quỹ đạo Trái Đất thấp.
Dự án này là một phần của sáng kiến Hành lang Đổi mới Khoa học và Công nghệ G60 do chính quyền quận Song Giang đề xuất năm 2016, đặt mục tiêu triển khai những doanh nghiệp đổi mới công nghệ và các ngành sản xuất sản phẩm công nghệ tiên tiến dọc theo đường cao tốc G60, kết nối Thượng Hải và thành phố Côn Minh phía tây nam dài hơn 2.360 km.
Những thông tin chi tiết kỹ thuật, phương pháp và tiến trình thực hiện dự án G60 Starlink không được thông báo trên truyền thông đại chúng. Trung Quốc hiện đang thiếu một loại tên lửa vận tải công suất lớn, tái sử dụng như Falcon 9 của SpaceX, để có thể đưa một số lượng lớn vệ tinh viễn thông lên quỹ đạo với thời gian ngắn và chi phí thấp.
Theo các nhà quan sát, sự thống trị của SpaceX trong lĩnh vực dịch vụ internet trên không gian chủ yếu dựa vào ưu thế kỹ thuật tên lửa. SpaceX hiện đang là công ty duy nhất trên thế giới có thể phóng một số lượng lơn vệ tinh với độ tin cậy cao và quy mô lớn cần thiết để xây dựng một hệ thống siêu vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất thấp.
Kể từ năm 2018, SpaceX đã thực hiện 109 sứ mệnh phóng, đưa hơn 4.800 vệ tinh Starlink vào quỹ đạo Trái Đất thấp. Trong tháng 9, công ty tuyên bố có 2 triệu khách hàng, từ hơn 60 quốc gia sử dụng dịch vụ băng thông rộng Internet trên không gian.
Các đối thủ cạnh tranh của Starlink là công ty OneWeb, nhà cung cấp dịch vụ internet vệ tinh lớn thứ hai thế giới với hơn 600 vệ tinh trên quỹ đạo và Project Kuiper của công ty Blue Origin, dự án chòm sao IRIS² của Liên minh Châu Âu./.