Thiên Tân, một trong những cảng lớn nhất thế giới của Trung Quốc đang nỗ lực tự động hóa hoàn toàn dịch vụ của bến cảng nhằm giải quyết sự gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt nhân lực do đại dịch Covid-19 gây ra.
Ông Yang Jiemin, phó chủ tịch công ty mẹ Tianjin Port Group
cho biết, cảng Thiên Tân phía bắc Trung Quốc đang có kế hoạch phát triển một
“song sinh kỹ thuật số” trong vòng 3 đến 5 năm. Theo ông, “Tất cả các cảng trên
toàn cầu nên hướng tới giải pháp kỹ thuật số thông minh, thân thiện với môi trường
và hiệu quả hơn.”
Ông cho biết, cảng Thiên Tân đang hợp tác với tập đoàn
Huawei Technologies và những công ty công nghệ khác giải quyết những thách thức
mà lĩnh vực cảng phải đối mặt, phát triển các giải pháp công nghệ khiến cho chuỗi
cung ứng trở nên linh hoạt và bền vững hơn. Huawei đang hỗ trợ sáng kiến đó bằng
kinh nghiệm và năng lực chuyên môn của doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ
truyền thông, trí tuệ nhân tạo (AI) và lái xe tự động.
Theo Huawei, công ty sẽ lắp đặt các phần mềm và cảm biến
trên các phương tiện tự lái, cung cấp công nghệ không dây để điều hướng các
phương tiện vận chuyển trên đường và hợp tác với những công ty viễn thông cung
cấp các kết nối mạng nhanh với độ tin cậy cao.
Sự gián đoạn do đại dịch Covid-19 và tình trạng bất ổn về
nguồn nhân lực dẫn đến tình trạng tắc nghẽn tại hầu hết các cảng trên khắp thế
giới năm 2022, khiến giá vận chuyển tăng vọt.
Hiện Trung Quốc đang vật lộn với sự thay đổi chính sách zero-Covid,
gây ra làn sóng lây nhiễm lan rộng và số lượng tử vong gia tăng.
Trung Quốc đưa ra các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện chuyển đổi số và tự động hóa cảng biển
Những robot đã bắt đầu hoạt động, nhận và trả container trên
một bến cảng thông minh do Huawei đồng xây dựng, bắt đầu hoạt động vào năm 2021
và chỉ cần 25% lực lượng lao động vận hành các bến tàu lân cận. Bến cảng hoàn
toàn được tự động hóa.
Ông York Yuekun, giám đốc công nghệ phụ trách kỹ thuật đường
bộ, đường thủy và cảng thông minh của Huawei cho biết, cảng Thiên Tân là một
trong những cảng có lượng container lớn nhất thế giới đã phải vật lộn để tìm
nguồn và cố gắng giữ các tài xế xe tải để bốc dỡ và chuyên chở container tại
các bến của cảng.
Cảng Thiên Tân cũng cung cấp dịch vụ vận tải biển cho quặng,
than, dầu, ô tô và rất nhiều loại hàng hóa khác. Đây là một cảng nổi tiếng cho
các chuyến vận tải thương mại biển ở miền bắc Trung Quốc, đồng thời là trung
tâm cho thuê máy bay và tàu thủy.
Theo báo cáo thống kê mới nhất của chính phủ Trung Quốc, sản
lượng container của cảng Thiên Tân đã vượt quá con số 21 triệu đơn vị container
20 feet vào năm 2022.
Theo McKinsey & Co, Trung Quốc đã đưa ra những chính
sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển những cảng thông minh kể từ năm
2017. Những công ty lớn như cảng Thượng Hải và Thanh Đảo đã triển khai các bến tự
động đầu tiên sau khi có những chính sách này.
Đối với Huawei, quan hệ đối tác tại cảng Thiên Tân cho thấy doanh
nghiệp đang tận dụng năng lực, phát triển các ngành kinh doanh mới sau khi những
lệnh trừng phạt và hạn chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ cắt đứt hoạt động kinh
doanh điện thoại thông minh, ngăn chặn bán các thiết bị viễn thông tiên tiến trên
các thị trường phát triển.
Tập đoàn công nghệ mạo
hiểm tiến vào lĩnh vực tự động hóa, phát triển các giải pháp thông minh nhằm tạo
điều kiện chuyển đổi số các doanh nghiệp truyền thống như cảng và mỏ, sử dụng
công nghệ trí tuệ nhân tạo và 5G phát triển trong nước, kết hợp với với Hệ thống
định vị vệ tinh BeiDou, GPS phiên bản Trung Quốc nhằm giải quyết những vấn đề
then chốt hiện nay như tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, chi phí sản xuất
cao và an toàn lao động.