Các nhà khoa học của Đại học Chicago Mỹ phát minh ra phương pháp tạo ra một loại vật liệu có thể được chế tạo như nhựa, nhưng dẫn điện tương tự như kim loại.
Công trình nghiên cứu của nhóm nhà khoa học đã tìm ra phương
pháp tạo ra một loại vật liệu mà cấu trúc là các mảnh phân tử lộn xộn và rối loạn,
nhưng vẫn có thể dẫn điện rất tốt. Kết quả nghiên cứu được đăng trong một báo
cáo khoa học, xuất bản ngày 26/10 trên tạp chí Nature.
Mô phỏng mạng tinh thể. Ảnh minh họa bởi Frank Wegloski/ ScieTech Daily.
Phát hiện này đi ngược lại tất cả các quy tắc về độ dẫn điện,
đối với một nhà khoa học, điều này tương tự như việc một chiếc ô tô đang lái
trên mặt nước mà vẫn đi được 70 dặm/giờ. Nhưng phát hiện cũng có thể chứng minh
là cực kỳ hữu ích. Thông thường, trên hành trình phát minh một vấn đề mang tính
cách mạng, quá trình đầu tiên bắt đầu bằng việc khám phá ra một vật liệu hoàn
toàn mới.
John Anderson, PGS hóa học tại Đại học Chicago, tác giả cao
cấp của công trình nghiên cứu nói: “Về nguyên tắc, phát hiện này mở ra khả năng
thiết kế một loại vật liệu hoàn toàn mới dẫn điện, dễ tạo hình và rất bền trong
các điều kiện hoạt động hàng ngày.”
“Kết quả của công
trình nghiên cứu gợi ý những khả năng mới cho một nhóm vật liệu công nghệ cực kỳ
quan trọng,” TS Jiaze Xie tại Princeton, tác giả chính của báo cáo khoa học cho
biết.
Không có một lý thuyết vững chắc nào giải thích kết quả này
Trong quá trình sản xuất bất kỳ loại thiết bị điện tử nào, dù
đó là iPhone, bảng điều khiển năng lượng mặt trời hay tivi, vấn đề đặt ra đầu
tiên là vật liệu dẫn điện. Kim loại như đồng, vàng, nhôm cho đến nay là nhóm chất
dẫn điện lâu đời nhất và có nhiều nhất. Khoảng 50 năm trước, các nhà khoa học chế
tạo những chất dẫn điện làm từ vật liệu hữu cơ, sử dụng phương pháp xử lý hóa học
được gọi là “pha tạp”, rắc các nguyên tử hoặc “tạp chất” khác nhau lên khắp vật
liệu. Những vật liệu này linh hoạt hơn và dễ gia công hơn các kim loại thông
thường, ưu thế này khiến vật liệu tổng hợp rất hấp dẫn, nhưng có nhược điểm là không
ổn định, có thể mất tính dẫn điện nếu tiếp xúc với độ ẩm hoặc nếu nhiệt độ tăng
quá cao.
Về nguyên tắc, cả dây dẫn điện kim loại truyền thống và hữu
cơ đều có chung một đặc điểm. Cấu trúc vật liệu được tạo thành từ các lớp
nguyên tử hoặc phân tử thẳng hàng, xếp khít nhau. Cấu trúc này cho phép các
electron dễ dàng di chuyển qua vật liệu tương tự như những chiếc ô tô trên đường
cao tốc. Các nhà khoa học cho rằng, vật liệu phải có những hàng thẳng hàng, chỉ
có trật tự này mới khiến vật liệu dẫn điện hiệu quả.
Cấu trúc của vật liệu. Nguyên tử niken có màu xanh lục,
nguyên tử cacbon có màu xám và nguyên tử lưu huỳnh có màu vàng. Ảnh minh họa Xie
et al
Trong nghiên cứu, TS Xie bắt đầu thử nghiệm với một số vật
liệu được phát hiện từ nhiều năm trước, nhưng phần lớn bị bỏ qua. Ông xâu chuỗi
các nguyên tử niken giống như ngọc trai thành một sợi dây xuyên qua các hạt
phân tử làm từ cacbon và lưu huỳnh và bắt đầu thử nghiệm.
Trước sự ngạc nhiên của các nhà khoa học, vật liệu này dẫn
điện dễ dàng và mạnh mẽ. Đồng thời vật liệu rất ổn định. “Chúng tôi đã đốt nóng,
làm lạnh, cho tiếp xúc với không khí và độ ẩm, thậm chí nhỏ axit và bazơ vào nhưng
không có gì xảy ra,” Xie nói. Điều đó vô cùng quan trọng đối với một thiết bị, hoạt
động trong môi trường thực tê.
Nhưng điều đáng chú ý nhất đối với các nhà khoa học là cấu
trúc phân tử của vật liệu này bị rối loạn. PGS Anderson nói: “Từ một bức tranh cơ bản, vật
liệu này không thể là kim loại. Không có một lý thuyết vững chắc nào để giải
thích điều này."
Xie, Anderson cùng các nhà nghiên cứu phòng thí nghiệm làm
việc với các nhà khoa học khác xung quanh trường đại học để cố gắng tìm hiểu,
cách vật liệu có thể dẫn điện. Sau nhiều thử nghiệm, mô phỏng và nghiên cứu lý
thuyết, nhóm nghiên cứu cho rằng, vật liệu mới tạo thành các lớp liên tiếp, giống
như các tấm trong món lasagna (mỳ nướng kiểu Ý). Ngay cả khi các lớp quay sang các
bên khác nhau, không còn tạo thành một chồng lasagna gọn gàng, những electron vẫn
có thể di chuyển theo chiều ngang hoặc chiều dọc, miễn là các lớp chạm vào
nhau.
Kết quả cuối cùng là cấu trúc chưa từng có đối với một vật
liệu dẫn điện. PGS Anderson nói: “Nó gần giống như Play-Doh (bộ ghép hình) dẫn
điện, xếp đặt vào vị trí và vật liệu mới dẫn điện.”
Các nhà khoa học rất hào hứng với kết quả này vì khám phá
này cho thấy một nguyên tắc thiết kế mới về cơ bản cho công nghệ điện tử với
các lớp vật liệu xếp chồng lên nhau và phát hiện mới này sẽ mở ra những công
nghệ mới.
Một trong những đặc điểm hấp dẫn của vật liệu là các lựa chọn
mới để chế tạo. Ví dụ nhưu kim loại thường phải được nấu chảy để chế tạo thành
hình dạng phù hợp cho một con chip hoặc thiết bị. Yêu cầu này hạn chế những gì có
thể tạo ra với chúng, vì những thành phần khác của thiết bị phải có khả năng chịu
nhiệt cần thiết để xử lý những vật liệu này trong quá trình chế tạo.
Phòng thí nghiệm Anderson tại Đại học Chicago. Nguồn: Ảnh của
John Zich / Đại học Chicago
Vật liệu mới không có hạn chế như vậy do có thể được chế tạo
ở nhiệt độ phòng. Vật liệu mới có thể được sử dụng khi nhu cầu về một thiết bị
hoặc các phần của thiết bị có thể chịu nhiệt, axit hoặc kiềm, hoặc độ ẩm, điều
đã hạn chế những lựa chọn phát triển công nghệ mới của các kỹ sư. Với phương
pháp này, có thể chế tạo ra các vật liệu dẫn điện bằng phương pháp in 3D, cho
phép tạo đường điện trên bề mặt bất cứ vật liệu nào, không cần thiết phải có
các bảng mạch vững chắc gây ô nhiễm môi trường.
Nhóm nghiên cứu hiện đang khám phá các dạng và chức năng
khác nhau của vật liệu này. TS Xie nói: “Chúng tôi có thể làm cho vật liệu
thành 2D hoặc 3D, xốp hoặc thậm chí đưa vào các chức năng khác mà không ảnh hưởng
đến độ dẫn điện, sử dụng phương pháp
thêm vào các trình liên kết hoặc nút khác nhau.”