Nhẹ nhất và bền vững nhất có thể cùng một lúc. Đây là những yêu cầu then chốt đối với vật liệu hiện đại, được sử dụng trong công nghiệp hàng không vũ trụ và công nghiệp ô tô.
Một nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu
Helmholtz-Zentrum Geesthacht (HZG) và Đại học Công nghệ Hamburg (TUHH), Đức hiện
đang phát triển phương pháp thiết kế vật liệu mới tiên tiến cho các vật liệu
siêu nhẹ trong tương lai: Những thanh chống chịu lực kim loại có kích thước
nanomet, hình thành mạng lưới lồng nhau trên các cấp độ phân cấp riêng biệt
mang lại sự bền vững đáng kinh ngạc của vật liệu. Công trình nghiên cứu được đăng
trên tạp chí Science.
Khi tháp Eiffel được khánh thành vào năm 1889, đây là một kỳ
quan kỹ thuật. Sự sắp xếp một cách nghệ thuật và tinh tế của những dầm sắt
lớn và nhỏ đã tạo ra sự ổn định phi thường, khiến tháp trở thành công trình xây
dựng cao nhất thế giới vào thời điểm đó với độ chính xác không thể tưởng tượng
được của thiết kế.
"Phân cấp" là thuật ngữ mà các chuyên gia gọi là
phương pháp tiếp cận kỹ thuật của một cấu trúc liên kết mở, gồm các chùm thanh
dầm lớn hơn được liên kết giằng bằng những chùm dầm nhỏ hơn.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học vật liệu cố gắng
chuyển phương pháp tiếp cận hiệu quả này sang cấu trúc vi mô bên trong của vật
liệu, sử dụng phương pháp in 3D để tái tạo cấu trúc giàn kỹ thuật trên quy mô
micromet.
Nhưng phương pháp in 3D không có hy vọng tạo ra một thế hệ vật
liệu xây dựng siêu nhẹ siêu bền bền mới. Giáo sư Jörg Weißmüller thuộc Viện
Cơ học Vật liệu tại HZG, đồng tác giả của bài viết nêu một trong những lý do đó:
"Một máy in 3D chỉ có thể in tối đa khoảng mười nghìn chùm tia sợi nano và
sẽ mất hàng giờ". "Đối với các ứng dụng thực tế, đây là một lựa
chọn bất khả thi."
Thủ thuật ăn mòn bạc để tạo ra vật liệu bền vững
Nhóm nhà khoa học vật liệu theo đuổi một mục tiêu tham vọng
hơn. Quan điểm của nhóm là: Nếu các chùm tia sợi chịu lực có thể được tăng
cường bằng cách giảm đường kính xuống còn vài nanomet, điều đó có thể tạo cơ sở
cho một loại vật liệu mới - đặc biệt nhẹ và đồng thời siêu bền vững.
Nhưng loại vật liệu này sẽ phải chứa hàng nghìn tỷ chùm tia sợi
nano, vượt xa khả năng của máy in 3D tinh vi nhất. "Đó là lý do vì sao
phải đánh lừa thiên nhiên để chế tạo ra những loại vật liệu này cho chúng ta,
đơn giản bằng cách tự tổ chức", đồng nghiệp của Weißmüller, tiến sĩ Shan
Shi, tác giả chính của nghiên cứu giải thích.
Ban đầu, nhóm nghiên cứu sử dụng hợp kim gồm 93% bạc và 7%
vàng. Hợp kim này được nhúng vào axit sunfuric loãng, hòa tan khoảng một nửa
bạc. Kết quả là, phần vật chất còn lại tự sắp xếp lại, tạo thành một mạng
lưới chùm tia vật liệu nano mỏng manh. Sau đó, vật liệu được xử lý gia nhiệt
vài trăm độ. Shi giải thích: “Tác động nhiệt làm thô mạng lưới thành kích
thước chùm tia có đường kính 150 nanomet và vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu.
Bước cuối cùng, vật liệu lại được nhúng vào axit. A xít
được sử dụng để tẩy sạch phần còn lại của bạc, chỉ để lại những chùm tia sợi
nano vàng có kích thước đường kính trung bình 15 nanomet. Kết quả, các nhà
khoa học tạo được một vật liệu có cấu trúc phân cấp với những kích thước chùm
tia nano khác nhau rõ rệt, không khác gì tháp Eiffel. Do cấu trúc mạng lưới
mở, vật liệu mới này có khoảng trống chứa đến 80 đến 90% không khí, mật độ kim
loại rắn chỉ còn từ 10 đến 20%.
Thí nghiệm sự tự tổ chức của vật liệu: (A) Sơ đồ minh họa lộ
trình, hợp kim chính được ngâm trong axit sunfuric loãng (i), hòa tan khoảng một
nửa bạc. Vật liệu được xử lý nhiệt để làm thô (ii), phần bạc còn lại được tẩy sạch
(iii). Vật liệu vàng có cấu trúc phân cấp với hai kích thước dầm khác nhau rõ
ràng. Ảnh kính hiển vi điện tử các cấu trúc vi mô: (B) Ag-Au dạng nano, (C) nano
Ag-Au thô và (D) Au nano phân cấp.
Nhẹ và bền vững đến kinh ngạc
Nhóm nhà khoa học vật liệu đã kiểm tra những tính chất cơ học
của các mẫu có kích thước milimet này. Jörg Weißmüller vui mừng cho biết:
"Vật liệu có mật độ rất thấp nhưng cho thấy những giá trị đặc biệt cao đối
với các thông số cơ học chính như sức bền vật liệu và mô đun đàn hồi". "Chúng
tôi loại bỏ phần lớn khối lượng và để lại rất ít, nhưng vật liệu chắc chắn hơn
nhiều so với vật liệu nguyên bản." Ông nói, kết quả này lần đầu tiên
chứng minh rằng, một cấu trúc phân cấp có thể có hiệu quả cao không chỉ cho những
cấu trúc giàn kỹ thuật vĩ mô như Tháp Eiffel mà còn cho các vật liệu cấu trúc dạng
mạng có khối lượng nhẹ.
Vật liệu mới chưa phù hợp cho những ứng dụng trong xây dựng hoặc
công nghiệp - đơn giản là vàng quá đắt, quá nặng và quá mềm. Nhưng phương
pháp thiết kế vật liệu HZG mới có thể được tiến hành đối với các kim loại khác
phù hợp thường sử dụng trong công nghệ như nhôm, magiê hoặc titan.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu sẽ đối mặt với một thách thức
khác: Các nhà vật liệu học hiện đang chế tạo các mẫu nhỏ, kích thước
milimet. Nhưng Weißmüller tin tưởng rặng: “Nhưng có thể hoàn toàn khả thi
khi sản xuất những sợi dây kim loại hoặc thậm chí toàn bộ tấm kim loại bằng quy
trình công nghệ này. Khi đó, vật liệu sẽ thực sự thú vị trong những ứng dụng
thực tế, ví dụ như trong lĩnh vực công nghiệp giao thông, các phương tiện vận tải
sẽ nhẹ hơn và tiết kiệm nhiều năng lượng hơn."