Trung Quốc đang có mức tăng trưởng kỷ lục xuất khẩu pin mặt trời khi thế giới trong cuộc đua phát triển năng lượng tái tạo. Thực tế đòi hỏi các quốc gia phải tăng tốc lắp đặt hệ thống và hòa lưới điện phù hợp với tốc độ sản xuất.
Theo một phân tích mới của tổ chức tư vấn năng lượng Ember, xuất khẩu pin mặt trời từ Trung Quốc tăng 34% trong nửa đầu năm 2023, đạt 114 gigawatt (GW), so với 85 GW cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu các tấm pin mặt trời của Trung Quốc chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu về năng lực sản xuất năng lượng mặt trời, con số này có ý nghĩa quan trong, cho thấy thế giới đang mở rộng quy mô khai thác nguồn năng lượng tái tạo.
Sam Hawkins, người đứng đầu dữ liệu của Ember cho biết: “ Nguồn năng lượng mặt trời đang tăng trưởng với tốc độ cao. Thế giới đang trong cuộc chạy đua khai thác nguồn điện năng rẻ, sạch và dồi dào này để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế bền vững tương lai. Rõ ràng năng lực sản xuất thiết bị toàn cầu hiện không phải là yếu tố hạn chế để đạt được mức tăng trưởng gấp 5 lần về năng lượng mặt trời vào năm 2030.”
Hơn một nửa số mô dun pin điện mặt trời xuất khẩu từ Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023 hướng đến châu Âu (52,5%). Khu vực này hiện đang có mức tăng trưởng năng lượng mặt trời tuyệt đối lớn nhất trên toàn thế giới, xuất khẩu từ Trung Quốc cho thị trường châu Âu tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái (+21 GW), đạt tổng cộng 65 GW xuất xưởng trong nửa đầu năm 2023, so với 44 GW trong cùng kỳ năm 2022. Khi những tấm pin điện mặt trời được lắp đặt, công suất mới sẽ cung cấp khoảng 2% nhu cầu điện hàng năm của châu Âu, tương đương với nhu cầu điện năng của Bỉ.
Brazil là nước nhập khẩu lớn tiếp theo sau châu Âu với tổng số 9,5 GW trong 6 tháng đầu năm 2023, tương đương với cùng kỳ năm ngoái là 9,4 GW. Nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh nhất đang diễn ra trên khắp Châu Phi và Trung Đông.
Nam Phi hiện đang có sự thay đổi lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào ngoài châu Âu, nhập khẩu 3,4 GW mô-đun pin mặt trời từ Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng 438% (+2,7 GW) so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả là Châu Phi đã tăng 187% (+3,7 GW), trở thành khu vực có sự tăng trưởng năng lượng mặt trời nhanh nhất.
Trung Đông là khu vực có mức tăng trưởng tương đối nhanh tiếp theo, tăng 64% (+2,4 GW) trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng tốc độ tăng trưởng cao của khu vực có điểm khởi đầu rất thấp. Ả rập Xê út tăng nhập khẩu năng lượng mặt trời từ Trung Quốc gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái để đạt 2,8 GW trong nửa đầu năm 2023, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) tăng nhập khẩu 33% lên 1,4 GW.
Khu vực duy nhất nhập khẩu mô-đun pin điện mặt trời từ Trung Quốc ít hơn trong giai đoạn này là châu Á. Ấn Độ chuyển hướng sang tập trung tăng cường năng lực sản xuất trong nước.
Mỹ đã cắt giảm nhập khẩu từ Trung Quốc xuống gần bằng 0, đồng thời tìm nguồn cung ứng từ Đông Nam Á và Đạo luật Giảm lạm phát của chính quyền ông Joe Biden đang thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào năng lực sản xuất tấm pin mặt trời.
Năng lực sản xuất pin điện mặt trời toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp 2 vào cuối năm 2024 so với cuối năm 2022, do các quốc gia khác ngoài Trung Quốc đặt mục tiêu đẩy mạnh sản xuất trong nước.
Nguồn cung tấm pin mặt trời toàn cầu không phải là yếu tố làm chậm sự tăng trưởng năng lượng mặt trời mà chính là công suất lắp đặt thiết bị quang điện ở mỗi quốc gia. Kho dự trữ mô đun pin điện mặt trời ở các kho lưu trữ châu Âu tăng lên đáng kinh ngạc, đạt mức 40 GW do tình trạng quan liêu, thiếu nhân công lắp đặt các hệ thống điện mặt trời và phải chờ đợi lâu để hòa điện mặt trời lên lưới điện.
Sam Hawkins, trưởng nhóm dữ liệu tại Ember cho biết: “Chúng tôi có đủ tấm pin mặt trời, chúng tôi chỉ cần cố gắng lắp đặt các hệ thống sản xuất năng lượng. Các chính sách của châu Âu cần tập trung đảm bảo việc lắp đặt thiết bị và tích hợp vào lưới điện tăng nhanh như nguồn cung mô-đun pin điện toàn cầu.”
Ngày 13/9, Nghị viện Châu Âu cố gắng giảm bớt tình trạng tắc nghẽn năng lượng mặt trời kéo dài nhiều năm, thông qua nghị quyết yêu cầu các quốc gia EU phải hoàn thành quy trình phê duyệt các dự án năng lượng tái tạo trong vòng 12 tháng để lắp đặt ở “những khu vực hiệu quả cao với năng lượng tái tạo” và trong vòng 24 tháng đối với những dự án nằm ngoài các khu vực đó.
Ở Anh, một số dự án năng lượng mặt trời và gió mới dự kiến sẽ phải đợi từ 10 đến 15 năm do lưới điện chưa sẵn sàng để tích hợp vào hoạt động. Thực tế đó khiến quãng thời gian quyết định của châu Âu 12-24 tháng tương tự như một phép thần thông.