QUẢNG NGÃI Khu rừng dừa nước xanh mướt được bao bọc bởi đường bờ biển và làng mạc đang trở thành điểm du lịch sinh thái thu hút du khách.
Sông Kinh Giang dài hơn 7 km chảy qua địa phận xã Tịnh Khê, Tịnh Hòa và Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), nối liền với cửa biển Cổ Lũy. Nơi đầu dòng sông thuộc xã Tịnh Khê có một rừng dừa nước hình thành hàng trăm năm trước, cách trung tâm thành phố khoảng 16 km và bờ biển Mỹ Khê của Quảng Ngãi vài trăm mét.
Người dân thả vó đánh cá trong rừng dừa. Theo các tài liệu lịch sử, với địa thế hiểm trở như "đám lá tối trời" nên rừng dừa nước Tịnh Khê từng là nơi trú ẩn của các lực lượng vũ trang trong những năm kháng chiến, nhằm chống lại các cuộc càn quét, đánh phá vào xã Tịnh Khê và vùng lân cận.
Nằm sát rừng dừa là thôn Cổ Lũy. Đây là địa danh hiếm hoi hội tụ nhiều yếu tố: sông biển, núi non và làng mạc. Vùng đất thanh bình nổi tiếng bởi khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp suốt bốn mùa. Ngày nay, Cổ Lũy cô thôn là một trong 12 danh thắng của tỉnh Quảng Ngãi.
Do địa hình ngập nước, phương tiện chính để di chuyển tại đây là các loại ghe, thuyền. Tuy chưa được khai thác du lịch, rừng dừa nước Tịnh Khê khá nổi tiếng ở Quảng Ngãi bởi sự hoang sơ và thơ mộng. Để vào rừng dừa, du khách đi theo đường biển Mỹ Khê và hỏi thăm người dân. Bạn có thể thuê người chèo thuyền vào giữa rừng để chụp hình và tận hưởng trọn vẹn bầu không khí trong lành nơi đây.
Một người dân địa phương dùng chiếc dớn để bắt cá. Phía trên rừng là nơi trú ngụ của các loài chim, cò, còn dưới mặt nước là nơi sinh sống của các loài nước lợ như cá đối, cua, ốc mang đến nguồn lợi thủy sản cho ngư dân.
Những ngôi nhà nằm nép mình dưới những tán dừa. Người dân tại đây còn có thêm thu nhập từ nghề chặt lá dừa nước và đan thành tấm mái che đem bán.
Rừng dừa nước Tịnh Khê hiện có diện tích trên 9 hecta, bị thu hẹp nhiều so với thời kháng chiến do người dân đào ao nuôi trồng thủy sản. Diện tích rừng dừa nước còn lại đang được chính quyền địa phương quy hoạch, khai thác du lịch sinh thái.
Huỳnh Phương
Ảnh, video: Duy Sin