(Dân trí) - Nhà tù Phú Quốc nơi chứng kiến những tội ác tàn bạo, man rợ của thực dân Pháp và đế Quốc Mỹ. Tại đây đã giam cầm hàng trăm tù nhân cách mạng với hơn 45 màn tra tấn từ thời trung cổ cho đến hiện đại
Nhà tù Phú Quốc nằm tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc còn được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Tại đây trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã giam cầm hàng trăm tù nhân cách mạng với những hình thức tra tấn dã man, đầy man rợ.
Nhà tù tồn tại trong 6 năm, từ ngày 6/7/1967 đến 1/1973, đã có hơn 4.000 người bị chết trong các trại giam, hàng nghìn người bị tàn tật suốt đời.
Năm 1995, khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích quốc gia. Hiện tại khu di tích có tượng đài hình nắm tay, nghĩa trang liệt sĩ và khu trại giam tù binh Phú Quốc.
Phía bên trong khu trại giam,BQL di tích cho phục dựng lại hiện vật về các tù binh từng bị giam tại đây cũng như các dụng cụ tra tấn đã được sử dụng. Tại đây, những tội ác của thực dân và đế quốc không chỉ biểu hiện bằng dùi cui, báng súng, mũi giày… mà còn là những hành động tàn bạo như: giam nhốt “chuồng cọp”; lộn vỉ sắt có mấu; đánh bằng chày vồ; đánh bằng roi cá đuối; nhốt trong thùng tôn…
Chuồng cọp kẽm gai là một trong những “sáng chế” dã man nhất mà Mỹ-Nguỵ đã dùng để hành hạ, tra tấn tù binh tại nhà tù Phú Quốc. Các chuộng cọp được đặt ngoài trời với những dây kẽm gai sắc nhọn. Tù binh bị nhốt trong đó bị giám thị cởi hết quần áo chỉ cho mặc một chiếc quần mỏng, phơi nắng, phơi sương ngoài trời. Chuồng cọp được thiết kế chật hẹp, vời nhiều lớp gai kẽm nên chỉ cần người tù nhúc nhích, thay đổi tư thế là bị kẽm gai đâm vào cơ thể tứa máu.
Khi bị nhốt trong các chuồng cọp kẽm gai tù binh chỉ được ăn một ít cơm với muối hoặc không có muối phải ăn nhạt, mỗi ngày chỉ được 1-2 ca nước uống, phải đi tiêu, tiểu tại chỗ. Những đêm lạnh cóng, chúng cho dội nước lên người tù binh mà chúng gọi là “giải khát cho cọp” hoặc “rửa chuồng”. Những ngày nóng nực, chúng cho dội nước muối lên người, và gọi là ướp cho mau lên cân, có khi chúng cho đốt lửa cạnh chuồng cọp.
Khác với chuồng cọp kẽm gai, chuồng cọp Catso do Mỹ – Ngụy “sáng chế” ra cũng không kém phần man rợ. Các chuồng cọp này được làm bằng sắt tấm bịt kín bốn mặt, có hình dáng giống chiếc container, cũng có loại lớn, loại nhỏ. Chuồng cọp Catso chúng thiết kế để đàn áp tù binh. Người tù binh bị giam vào đây, không có ánh sáng, thiếu không khí để thở, ăn uống khổ cực, tiêu tiểu tại chỗ. Ban đêm thì lạnh, ban ngày nắng nóng cháy da. Tù binh bị giam tại đây khi bị thả mắt sẽ bị mờ sức khỏe giảm sút nghiêm trọng.
Giữa năm 1968, phong trào đấu tranh của tù binh lên cao, Mỹ - Nguỵ cho xây dựng các biệt giam 2,4,5,6, trong đó biệt giam B2 là biệt giam khủng khiếp và ác liệt nhất. Biệt giam B2 được làm bằng nhiều lớp bùng nhùng, dựng một lớp vỉ sắt bên ngoài và nền cũng lát vỉ sắt, trên phủ bạt, rất nóng và chật trội.
Theo mô tả ở Nhà tù Phú Quốc: Quân Nguỵ đã áp dụng trên 45 hình thức tra tấn tù binh từ thời trung cổ cho đến hiện đại. Mục đích của chúng nhằm phát hiện tổ chức, người lãnh đạo, chủ trương vượt ngục và ép buộc tù binh vào trại sinh hoạt.
Ngoài hơn 4000 tù binh bị sát hại trong thời gian hơn 5 năm tồn tại của trại giam, những hình thức tra tấn dã man này được minh chứng bằng những hố chôn tập thể hàng nghìn người và những chiếc đinh 8 đến 12 phân còn găm ở xương đầu, ống chân, bàn chân, đầu gối, cánh tay… trong các hài cốt được tìm thấy
Tù nhân bị chúng dùng búa, thanh gỗ đục bánh chè đầu gối đầy đau đớn.
Mô hình tái hiện màn tra tấn bằng cách tống tù nhân vào thùng phuy đầy nước, một tên ấn đầu xuống, một tên dùng vồ đập mạnh vào thành phuy. Tù nhân vừa sặc nước, vừa như vỡ tai, đầy đau đớn.
Có tù nhân bị trói lại, nằm trên phản, bị đổ xà phòng vào miệng cho đến khi sặc nước, không thở được
Một hình thức tra tấn tù binh dã man nữa là chúng cho tù binh vào các bao bố, cho lên chảo đun nóng cho đến khi chết.
Diện tích biệt giam chỉ là 27 m2, nhưng khi cao điểm chúng giam tới 180 người. Ngoài các hình thức tra tấn từng người dã man, địch còn áp dụng nhiều hình thức đánh đập tra khảo các nhóm tù nhân trong phòng biệt giam. Ban đêm thỉnh thoảng chúng cho mang thùng nước xà phòng hay nước hoà bột tiêu, bột ớt vào tưới lên người tù binh, nói là để cho “tỉnh giấc”. Nhiều tù binh đã chết và thương tật ở đây. Biệt giam thực sự là “địa ngục trần gian”.
Tính đến đầu năm 1972, nhà tù Phú Quốc có 12 khu được đánh số từ 1 đến 12. Cuối năm 1972, có thêm khu 13 và 14. Mỗi khu, có khả năng giam giữ 3.000 tù nhân, và được chia thành nhiều phân khu nhỏ, thường là 4 phân khu. Một phân khu chứa được 950 tù binh, riêng phân khu B2 dành để giam tù binh cấp sĩ quan. Nhà tù Phú Quốc do 3 tiểu đoàn quân cảnh là 7, 8, 12 canh giữ.
Mỗi năm nhà tù Phú Quốc đón hơn 10 nghìn lượt khách tham quan. Nhiều du khách đến đây đã không giấu nổi xúc động khi chứng kiến những chứng tích về những màn tra tấn dã man của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Hà Trang