Mùa tắm biển năm nay, lượng du khách đổ về bãi tắm Thuận An –Phú Thuận (Phú Vang) thưa thớt hơn mọi năm dù thời tiết ở Huế rất nóng, được nghỉ lễ nhiều ngày. Đâu là nguyên nhân, chúng tôi tìm hiểu thực tế ngay tại bãi tắm và đã tìm ra câu trả lời.
Vắng khách vì ...
Khác với mọi năm, năm nay, lượng khách tìm đến bãi tắm Thuận An – Phú Thuận ngày càng thưa dần, đặc biệt từ giữa tháng 7 trở lại đây. Lý giải về chuyện này, anh Lê Công Nhật, Trưởng Ban quản lý bãi tắm Thuận An, cho biết: “Nguyên nhân khiến bãi tắm thưa thớt khách trong thời gian gần đây là do từ giữa tháng 7 trở lại đây, ở Huế mưa nhiều nên du khách đến bãi tắm ít hơn những năm trước”. Anh Đặng Tiến Tùy, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, cho biết thêm: “Thông thường, du khách đến bãi tắm Thuận An – Phú Thuận vào những ngày cuối tuần. Nhưng thời gian qua, mưa giông thường xuất hiện vào những ngày cuối tuần nên lượng khách giảm đi cũng là điều dễ hiểu”.
Ngoài lý do thời tiết, qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Một nguyên nhân khiến du khách không còn “mặn mà” với bãi tắm Thuận An – Phú Thuận trong thời gian gần đây là do xuất hiện nhiều thông tin về tình trạng “chặt đẹp” của các chủ hàng quán. Đại loại như: “Có 12 du khách đến bãi tắm Thuận An ăn uống bị chủ quán tính tiền đến hàng chục triệu đồng. Do không đủ tiền trả nên bị chủ quán giữ ôtô lại”; “Có 7 sinh viên về bãi tắm Thuận An vào quán ăn mỳ tôm. Đến khi trả tiền, chủ quán tính một tô mỳ tôm giá 80 ngàn đồng nên giữa khách và chủ đã xảy ra ẩu đả”; hay “Một đoàn khách ngoại tỉnh, gồm 8 người, đến bãi tắm sau khi ăn uống đã bị chủ quán hét giá hàng chục triệu đồng. Khách tức quá đã đề nghị đoàn kiểm tra liên ngành đến làm việc những không làm gì được chủ quán”...
Thực tế không thể phủ nhận là, giá thức ăn ở các nhà hàng ở bãi tắm Thuận An – Phú Thuận cao hơn giá nơi khác từ 2 – 3 lần. Nguyên nhân là do giá trúng thầu các quán hàng rất cao. Anh Lê Công Nhật, Trưởng Ban quản lý bãi tắm Thuận An, cho biết: “Ở bãi tắm Thuận An, quán trúng thầu giá cao nhất lên tới 780 triệu đồng/năm, đó là chưa tính tiền thuế và tiền xây dựng quán. Còn quán trúng thầu giá thấp nhất là 20 triệu/năm, cũng chưa tính tiền thuế và tiền xây dựng quán. Ngoài ra, sau năm đầu tiên, đến các năm tiếp theo, ngoài số tiền trúng thầu, các quán phải đóng thêm 18% số tiền trúng thầu nữa. Tuy nhiên, số tiền 18% thu thêm thì tùy theo tình hình từng năm mà chính quyền địa phương sẽ xem xét có nên hay không nên thu thêm”. Không so bằng Thuận An nên ở bãi tắm Phú Thuận giá trúng thầu có “mềm hơn”. Nhưng quán cao nhất trúng giá thầu 285 triệu và quán thấp nhất trúng giá 75 triệu/năm – Anh Đặng Tiến Tùy, cho chúng tôi biết.
Trúng thầu với giá cao nên hàng quán ở bãi tắm Thuận An – Phú Thuận phải bán với giá cao. Trong khi đó, phần lớn du khách đến đây đều là lao động bình thường. Thu nhập của họ không thể kham nổi chi phí cuộc chơi. Thế là, du khách “lơ” bãi tắm Thuận An – Phú Thuận cũng là điều tất yếu.
Nếu cứ thất thiệt, chỉ còn nước đóng quán!
Trò chuyện với nhân viên Ban Quản lý bãi tắm Thuận An và Phú Thuận, chúng tôi được biết họ chưa hề nhận được phản ánh từ phía du khách về tình trạng bị chủ quán “chặt đẹp” khi vào các hàng quán ở bãi tắm để ăn uống. Anh Nhật và anh Tùy khẳng định: Ban Quản lý bãi tắm có người trực 24/24 giờ và mọi phản ánh của du khách đều được ghi vào sổ trực. Nhưng từ khi bãi tắm khai trương đến nay, bản thân các anh và các nhân viên làm việc tại Ban quản lý bãi tắm chưa hề nhận được phản ánh nào từ phía du khách. Dù tin đồn chỉ là tin đồn và chẳng ai dám khẳng định tin đó là sự thật. Nhưng tin đồn đã làm cho việc buôn bán ở các hàng quán tại bãi tắm Thuận An – Phú Thuận lao đao. Anh Lê Văn Vũ, chủ quán Rong Rêu, nói: “Khi ra bán quán, chúng tôi xác định phải phục vụ du khách chu đáo, đàng hoàng để lấy uy tín nên đã yêu cầu nhân viên phục vụ trong quán đối xử với khách phải nhã nhặn. Chúng tôi hiểu rằng nếu làm ăn theo kiểu “ăn xổi” thì người chịu thiệt chính là chúng tôi nên quán chúng tôi không bao giờ có chuyện “chém đẹp” khách vào ăn”. Chị Phan Thị Liên, chủ quán Hương Biển, cũng có cùng suy nghĩ với anh Vũ khi bảo: “Đời nào chúng tôi lại tự đi triệt nguồn khách của mình. Không nói đến chuyện khách quen, khách lạ khi đến quán, chúng tôi cũng giảm giá hoặc khuyến mãi thêm một vài món để lần sau họ còn ghé lại; chứ để khách ăn một lần rồi đi mãi thì chúng tôi lấy đâu ra tiền để bù vào tiền đấu giá mặt bằng, tiền thuế và tiền thuê người phục vụ”.
Sau khi những tin đồn được tung ra, một điều dễ nhận ra là những đoàn khách về bãi tắm Thuận An – Phú Thuận hiện nay đã có sự chuẩn bị chu đáo trước khi đi. Hầu hết các đoàn đều chuẩn bị sẵn thức ăn, nước uống và chỉ bỏ tiền để thuê trại, thuê ghế ngồi. Và thế là, hàng quán chẳng bán được gì nhiều cho khách. Trước tình hình đó, nhiều chủ quán đã than thở với chúng tôi rằng: Nếu tình trạng này cứ diễn ra dài, thì họ chỉ còn có nước đóng quán.
Bài học cho những năm tới
Chị Nguyễn Thị Nga, ở xã Phú Dương (Phú Vang), cho biết: Mọi năm tôi và gia đình thường về bãi tắm Thuận An trong dịp hè. Nhưng năm nay, nghe nhiều tin đồn quá, gia đình chúng tôi không dám về đó tắm biển vì sợ bị chủ hàng quán “chém đẹp”. Trò chuyện với nhiều người dân ở thành phố Huế và các vùng lân cận, chúng tôi được biết do họ nghe giá cả ở bãi tắm Thuận An – Phú Thuận quá cao nên nhiều người không dám về đây nghỉ ngơi, tắm biển. Chúng tôi còn nghe được thông tin, năm nay, nhiều cơ quan trong tỉnh không dám tổ chức cho CBCNVC về bãi tắm Thuận An – Phú Thuận nghỉ dưỡng cũng vì chuyện giá cả ở đây đắt đỏ.
Để giải quyết hai vấn đề nêu trên không là chuyện đơn giản. Vì do trúng thầu với giá cao nên chủ quán bắt buộc phải bán hàng giá cao mới hy vọng có lời. Muốn chủ quán hạ giá chỉ còn cách hạ giá trúng thầu. Nhưng điều này cũng không dễ vì các chủ quán do muốn chọn lô đất đẹp để làm quán đã tự động tăng giá khi đấu thầu khiến Ban Tổ chức đấu thầu cũng “bótay.com”. Anh Trần Anh Tuấn, Phó phòng Tài chính huyện Phú Vang, cho biết: “Sau khi nghe thông tin khách đến bãi tắm Thuận An – Phú Thuận bị “chém đẹp”, UBND huyện Phú Vang đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra tại bãi tắm Thuận An – Phú Thuận. Qua kiểm tra chúng tôi nhận thấy, tất cả các quán đều có niêm yết giá thức ăn, thức uống, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường của các hàng quán cũng tương đối tốt. Đúng là giá thức ăn, nước uống ở bãi tắm Thuận An – Phú Thuận cao hơn giá ở nơi khác, nhưng chủ quán đã có niêm yết giá, khách vào nhìn thấy liền và họ có quyền thích thì dùng, không thích thì thôi nên không thể đổ lỗi hết cho chủ quán”.
Hiện nay, đã cuối mùa đi tắm biển nên du khách đến bãi tắm Thuận An – Phú Thuận thưa thớt cũng là đều dễ hiểu. Nhưng “chuyện” năm nay sẽ là bài học quý báu cho chính quyền địa phương và những chủ hàng quán đang kinh doanh trên bãi tắm Thuận An - Phú Thuận. Hy vọng, mùa tắm biển những năm sau, sự việc nêu trên không còn tái diễn và bãi tắm Thuận An – Phú Thuận vẫn là một địa chỉ du lịch thu hút được nhiều du khách.
Nguồn : Netcodo