Với đồ nghề là chiếc cần câu không lưởi, hộp nhựa đựng vài con cá ương, chiếc vợt lưới nhỏ và cái vỏ tre (hay lưới) đựng “chiến lợi phẩm” là có thể đi săn cua biển - một thú vui thời thượng hiện đang được nhiều người ưa thích…
Vào những ngày cuối tuần hay dịp lễ, Tết, ở những vùng cửa biển ngập mặn thuộc Đồng bằng sông Cửu Long như: Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri (Bến Tre); Đại An, Long Toàn (Trà Vinh); Ngọc Hiển, Đầm Dơi (Cà Mau)…, có nhiều nhóm tổ chức đi câu cua biển. Thú vui này hiện đã trở thành mốt tiêu khiển của du khách thành thị, Việt kiều, đồng thời cũng là nghề mưu sinh của dân nghèo sở tại…
Du khách đi xuồng ra các đầm để câu cua giải trí
Nghề của người nghèo
Nếu đồ nghề câu cá phong phú, lỉnh kỉnh ít nhất từ 5 - 6 bộ lưỡi câu, cần cũng có năm bảy loại: cần trúc, cần cac-bon... có thể thu ngắn, kéo dài tùy thích thì mồi câu cá cũng rất đa dạng như cám, mẻ khô (mẻ nước trộn với cơm thiu), dế, trùn... cho mỗi loại cá riêng biệt...thì đồ nghề câu cua đơn giản đến bất ngờ. Chỉ cần chiếc cần câu không lưởi, một cái vượt lưới và chiếc bọc đựng vài con cá chết ( càng ươn thối càng tốt) thế là lên đường.
Chị Bé Em vừa "săn" được một con cua biển
Theo chân lão nông Lê Văn Oanh (Năm Oanh) một trưởng bối có tiếng"sát cua", ở ấp Thới Lợi, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre với thâm niên 15 năm trong nghề tìm “bãi đáp”. Sau hơn nửa tiếng cuốc bộ dọc theo các con đập, trước mắt chúng tôi là một dãy những bụi lau sậy um tùm. Chính trên các vuông, đầm nước lợ ở vùng cửa biển ngập mặn như thế này là nơi mà thợ “săn” cua biển quanh vùng “xem như nhà”.
Vớt cua vào lưới
Ông Năm Oanh cho biết, khu vực câu cua liền nhau kéo dài qua 3, 4 xã của vùng cửa biển Bình Đại, sang tận huyện Ba Tri kề bên. Dưới cái nắng như đổ lửa của mùa khô mà dường như không ảnh hưởng tới những người đang ngồi thả cần. Hầu hết những người làm nghề này để kiếm sống đều là người “có tuổi”, do không nghề nghiệp, không còn đủ sức khỏe làm việc nặng và không vốn liếng buôn bán nên theo nghề câu cua cũng giúp họ có thu nhập ra vào mỗi ngày.
Cua biển có giá, ngày càng có nhiều người bỏ làm thuê đi câu cua
Thấy ông Năm Oanh đi cùng chúng tôi, chị Lê Thị Bé Em đang thả cần vừa cười, vừa dò hỏi: “Tổ chức tour cho khách du lịch thành phố hả ông Năm?”. Thì ra, thỉnh thoảng vài ba tuần là có nhóm khách từ nơi khác xuống đây tổ chức câu cua, cắm trại.
Thời gian gần đây, khách ngày càng nhiều hơn. Chị Bé Em ở Cồn Bà Tư cùng xã cho biết: “Nhà nghèo đông con, không vốn liếng làm ăn, lại kém sức khỏe nên hàng ngày tôi đi câu. Còn 2 đứa con gái lớn đi làm mướn phụ bán quán trên xã. Thu nhập của 2 con gái được từ 1,8 -2 triệu đồng/tháng. Tôi câu mỗi ngày cũng được vài con cua, gia đình tằn tiện cũng sống qua ngày. Song, những ngày trái gió, trở trời không đi câu được thì cuộc sống cũng rất chật vật…”.
Dáng người nhỏ thó, đầu đội nón lá, vẻ mặt lam lũ, đôi mắt chị luôn chăm chú nhìn vào từng gốc bần, cây sậy và bọt nước trên mặt đầm để thả câu chờ đợi. Thấy cua ăn mồi, một tay thoăn thoắt kéo nhẹ cần đưa con cua biển đang tham mồi lên gần mặt nước, tay kia nhanh chóng lấy vượt lưới bợ phía dưới, thế là xong!
"Chiến lợi phẩm" vừa được đưa lên bờ
Những người câu cua chuyên nghiệp không biết có bao nhiêu người cùng nghề. Lúc ít thì 4 - 5 người, khi đông thì 9 - 10 người, nhưng họ chẳng bao giờ tranh giành “bãi đáp” của nhau. Sau mỗi buổi câu, họ mang về bán cho các nhà hàng, quán ăn, rất ít khi họ dám ăn vì cua có giá bán khá cao. Cua biển gạch loại 700 gram/con, bán tại gốc gần 500.000đồng/kg, còn loại trung bình 3 con/kg cũng 220.000 - 280.000 đồng/kg… Hiện nay cua biển bắt tự nhiên hầu hết “bay” sang Trung Quốc trong ngày. Đợt nào Trung Quốc không ăn hàng thì cua liền rớt giá.
Thú chơi thời thượng của thị thành
Cua con được sinh sản ngoài cửa biển rồi theo con nước, cua lần vào các sông, rạch thuộc vùng nước lợ, mặn của các huyện vùng cửa biển ĐBSCL nên lúc nào cũng có cua để bắt.
Cả nhà tham gia câu cua
Theo ông Năm Oanh, thú đi câu cá giải trí đã “xưa rồi Diễm”. Hiện câu cua “xả stress” đang trở thành mốt thời thượng. Phong trào câu cua biển vừa giải trí, vừa thưởng thức tại chỗ bắt đầu “lên ngôi” và trở thành thú chơi của dân thị thành.
Thú chơi này bắt đầu từ những người có quê thuộc các vùng có cửa biển, nhưng làm ăn sinh sống ở thành thị. Ban đầu, chỉ là vài nhóm bạn nhỏ nhân dịp cuối tuần về quê chơi, bày trò câu cua giải trí.
Có những du khách thích mạo hiểm, một mình một xuồng ra giữa đầm thả cần
Thấy trò giải trí hay hay, lại được dịp thưởng thức chiến lợi phẩm nên nhiều người rỉ tai nhau về thú chơi mới. Còn gì bằng sau khi “săn” được con “tám cẳng hai càng”, đưa ngay vào đóng lửa đang đỏ rực nướng xèo xèo năm ba phút, làm “sương sương vài ba xị” giữa đầm lầy có cái nắng, cái gió của vùng biển quê nhà!
Nhậu đến khi thấy “ngà ngà”, tìm tán cây rộng mắc chiếc võng đong đưa theo gió thay nhà trọ, phòng nghỉ. Mới còn ở chỗ, người đi câu cua thư giãn nhưng chưa hẳn vì thích cái trò giải trí vừa dân dã lại vừa “quý tộc” này, mà đôi khi chỉ buông câu để… chờ thời, bởi câu cua đòi hỏi sự kiên nhẫn cao độ!
Có người thuê xuồng một mình đi câu cua xả stress
“Vào những ngày cuối tuần, dân từ các nơi đổ về đây khá đông. Phần lớn khách xem ra là những người khá giả, họ đi từng nhóm 4 - 8 người bằng xe ô tô có nam, có nữ để giải trí, cắm trại, thưởng thức đặc sản biển…”, anh Lê Thành Phương, Trưởng Công An xã Thới Thuận, huyện Bình Đại cho biết.
Vài lần đầu còn “lạ nước lạ cái”, du khách phải nhờ dân địa phương hướng dẫn, kẻo câu nhằm đầm cua nuôi thì phiền phức. Qua vài lần “rút kinh nghiệm”, sau đó thì tự tổ chức.
So ra, thú vui này hơn gấp nhiều lần so với trò “câu cá thư giãn” lắm chuyện bi, hài diễn ra tại các hồ câu cá mọc lên khắp nơi ở vùng ven các thành phố lớn, với đủ loại hình “khuyến mãi” thu hút các “câu thủ”. Từ giải thưởng vài chục triệu đồng khi câu được cá to, đến việc biến tướng của giải thưởng cũng đã có nhiều lời đồn thổi.
Thích thú với chiến lợi phẩm vừa câu được
Anh Phương cho biết thêm, để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, hiện nhiều người nuôi cua biển xen canh ở địa phương mở thêm dịch vụ cho câu cua tính giờ, với giá từ 40.000-50.000đồng /giờ. Cua câu được sẽ được gia chủ tính giá gốc và được khuyến mãi thêm công chế biến các món ăn. Việc này không chỉ giúp người dân địa phương có thêm thu nhập, mà còn giúp du khách có được những giờ phút thư giản lành mạnh và hấp dẫn.
Cua nướng, món ngon ưa thích của nhiều người
Tùy theo vùng miền, cua biển còn được gọi là cua bể, cua xanh, cua bùn, cua chuối, cua sú…, là một trong những hải sản có giá trị cao hiện nay.
Nguồn : Infonet