Để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh, góp phần tăng trưởng GDP và nâng cao thu nhập của người dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ IX, UBND tỉnh Đồng Tháp đề ra Kế hoạch phát triển du lịch từ nay đến năm 2015 nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Tỉnh Đồng Tháp có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, đặc biệt là tài nguyên du lịch sinh thái hấp dẫn và du lịch nhân văn khá độc đáo. Tiêu biểu là vùng đất ngập nước Vườn Quốc gia Tràm Chim; Khu di tích Xẻo Quýt; Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng; Khu di tích khảo cổ Gò Tháp; Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê,… Ngoài ra còn có nhiều đình, chùa và các làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Chùa Kiến An Cung, đền thờ Thượng tướng Trần Văn Năng, Miếu Ông Bà Chủ chợ Cao Lãnh, Làng hoa kiểng Sa Đéc, Làng dệt Chiếu Định Yên, Làng Nem Lai Vung….
Những năm qua, từ khi Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2001 – 2010 và định hướng đến 2020 được triển khai, ngành du lịch đã từng bước phát triển, đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân, mở rộng các mối quan hệ, hợp tác của tỉnh, làm thay đổi hình ảnh Đồng Tháp trong nhận thức của bạn bè trong nước và quốc tế. Hạ tầng du lịch của tỉnh được đầu tư có trọng điểm, các khu du lịch được hình thành và phát triển. trong giai đoạn 2006-2010 tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các Khu du lịch Gáo Giồng, Xẻo Quýt, Gò Tháp và Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Giai đoạn 2006 – 2010, lượng khách du lịch đến Đồng Tháp tăng bình quân 17,22%/năm, doanh thu dịch vụ du lịch tăng trưởng bình quân 21,96%/năm. năm 2011, du lịch Đồng Tháp đón và phục vụ hơn 1,3 triệu lượt khách, tăng 10,92% so với năm 2010; trong đó có 27.727 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch đạt 162 tỷ đồng, tăng 37,34% so với năm 2010, trong đó doanh thu dịch vụ du lịch từ các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 110,982 tỷ đồng. Năm 2012, tỉnh sẽ phấn đấu đón 1.460.000 lượt du khách với tổng doanh thu 198 tỷ đồng.
Phát triển theo hướng du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử
Nhìn tổng thể thì Đồng Tháp có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch nhân văn. Tuy vậy, trong những năm qua, đầu tư phát triển trên lĩnh vực này của tỉnh vẫn còn hạn chế do quy mô còn nhỏ, điểm xuất phát thấp, chưa xứng tầm để khơi dậy tiềm năng du lịch. Để xóa bỏ tình trạng này, UBND tỉnh Đồng Tháp đề ra Kế hoạch phát triển du lịch từ nay đến năm 2015 nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Theo đó trong giai đoạn 2011-2015, ngành du lịch Đồng Tháp sẽ phát triển theo hướng du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử trên cơ sở khai thác triệt để các tài nguyên sẵn có, sản phẩm du lịch phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường khách du lịch. đồng thời phải gắn liền với việc bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển du lịch mang tính bền vững.
Tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch trọng yếu: Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quýt, Công viên bảo tồn sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Làng hoa kiểng Sa Đéc theo mục tiêu tập trung, không dàn trãi. Đầu tư, phát triển các công trình dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí phù hợp tại các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch; phát triển hệ thống các trạm dừng chân trên các tuyến du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các loại hình du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù nhằm đáp ứng nhu cầu của khách để kéo dài thời gian lưu trú.
Ngoài ra tỉnh cũng tập trung đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ, nhất là các di tích đã được xếp hạng để đưa vào các tuyến điểm du lịch gắn với tổ chức các dịch vụ du lịch để thu hút khách du lịch. Phát huy các lễ hội truyền thống hàng năm. Hỗ trợ một số làng nghề tiêu biểu, có điều kiện phát triển thành điểm du lịch. Tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ xúc tiến thương mại - du lịch cho các làng nghề tạo sản phẩm mới; hỗ trợ tạo điểm bán hàng, nơi tham quan tại các làng nghề và các khu, điểm du lịch.
Phấn đấu đến năm 2015, du lịch Đồng Tháp đón và phục vụ 2,1 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân là 12,45%%. Về tổng doanh thu du lịch, phấn đấu đến năm 2015 đạt 360 tỷ đồng, trong đó doanh thu dịch vụ du lịch từ các cơ sở kinh doanh du lịch đạt 200 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 22%. Phấn đấu đến năm 2015, ngoài khu di tích Xẻo Quýt, có 5 dự án (Dự án Khu Văn hóa Lúa nước, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng ven sông Tiền, Dự án Công viên sinh thái Gáo Giồng, Dự án Khu du lịch sinh thái Phù sa Cửu Long ở Cồn An Hòa, Dự án du lịch sinh thái Gò Tháp) được đưa vào khai thác, tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm du lịch của Đồng Tháp.
Nguồn : vccinews