Sau vài năm làm du lịch sinh thái cộng đồng, thôn Dỗi (Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) không còn nghèo thậm chí là hy vọng 'sắp giàu' đến nơi. Đây có thể coi là mô hình giảm nghèo để nhân rộng ra cho nhiều địa phương miền núi khác có điều kiện tương tự.
Giữa tiếng chim ríu rít gọi đàn, tiếng hú của bầy vượn, tiếng róc rách của suối… ông Trần Văn Đinh hớn hở giới thiệu: “Tour du lịch sinh thái - cộng đồng ở thôn Dỗi khai thác hơn 5 năm nay. Lượng khách đến với thôn Dỗi tăng từng năm. Nếu như trong năm 2004, năm đầu tiên tour du lịch này đi vào hoạt động, thôn Dỗi chỉ thu hút được 95 lượt (đoàn) khách nước ngoài (chủ yếu là khách Nhật) và 200 lượt khách trong nước, thì các năm sau, lượng khách đã tăng gấp 10-20 lần”. Tour này do UBND huyện Nam Đông và Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế tổ chức (có sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển du lịch bền vững Hà Lan - SVN), và đang được Công ty lữ hành Đông Kinh - đơn vị chuyên về khách Nhật. Khởi hành từ thành phố Huế buổi sáng, sau khoảng 1 giờ đi ô tô, vượt qua đèo La Hy, du khách sẽ tới thôn Dỗi, thuộc xã Thượng Lộ của huyện miền núi Nam Đông - tour du lịch sinh thái này sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị.
Vừa bước chân vào cổng làng, trước sân ngôi nhà guơl truyền thống, khách sẽ được chào đón bằng những tiết mục múa, hát, thổi nhạc cụ... rất đặc sắc của đồng bào dân tộc. Ông Trần Văn Đinh, Trưởng ban Quản lý khu du lịch, chào hỏi hồ hởi bằng một tràng tiếng Cà Tu...
Đội văn nghệ thôn Dỗi phục vụ khách du lịch.
Rồi tiếng cồng chiêng lại nổi lên. Tốp múa của trẻ em thôn Dỗi từ từ tiến ra giữa sân. Diễn viên vừa diễn, du khách cũng say sưa hoà mình nhún nhảy trong tiếng nhạc. Sau chương trình âm nhạc, du khách sẽ giao lưu với người dân địa phương trong ngôi nhà guơl, đi thăm làng, đi chơi thác Kazan, một trong những thác đẹp nhất của Thừa Thiên Huế, cùng nấu ăn chung với người dân bản địa…
Đồng bào mời khách những món ăn mà chỉ nghe nói đã thấy hấp dẫn như lợn nướng, cơm ống tre, cá chình nướng … Đặc biệt, tại đây, du khách sẽ được mua các sản vật địa phương “ thứ thiệt ” gồm mật ong rừng, thổ cẩm, hàng đan lát chính hiệu… của người Tà Ôi.
Trong hồi ức của ông Đinh, thôn Dỗi với 107 hộ và 500 khẩu, trước năm 2004 là một thôn nghèo nhất nhì của xã Thượng Lộ huyện Nam Đông. Tuy nhiên đến thời điểm này, sau khi được Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế hướng dẫn, bảo trợ để làm du lịch, thôn Dỗi đã thoát nghèo và trở thành một thôn trung bình khá về kinh tế.
Sau những năm bắt tay vào làm du lịch sinh thái cộng đồng, người dân thôn Dỗi (xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh TT-Huế) không còn thuộc diện đói nghèo nữa, thậm chí là hy vọng “sắp giàu” đến nơi. Ông Đinh nói: “Cái mà thôn Dỗi thu được không chỉ đơn thuần là tiền quà của khách, cộng với tiền bán sản vật mà chính là đã phục hồi các di sản văn hoá truyền thống.” Nếu như trước năm 2004, người dân thôn Dỗi bị "Kinh hoá" gần như hoàn toàn (cả người già lẫn trẻ con) từ nhà ở, tiếng nói, sinh hoạt, các tập tục văn hoá truyền thống... Thì đến thời điểm này, mọi chuyện lại được khôi phục nhờ vào... làm du lịch!
Thực tế cho thấy việc đầu tư cho thôn Dỗi làm du lịch sinh thái rất nhỏ, trong giai đoạn 1 chưa tới 70 triệu đồng (chủ yếu là đầu tư để tập huấn cho họ các kỹ năng về đón khách, làm bếp và khôi phục lại các giá trị văn hoá truyền thống), nhưng đến nay mới thấy lợi ích thu được lại rất lớn. Trở lại với câu chuyện thôn Dỗi. Đây là một loại hình du lịch rất mới ở các huyện miền núi Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, thế nào là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng? Với các hãng lữ hành, ban đầu họ cũng chưa hiểu hết, nên chẳng mấy ai mạnh dạn với việc giới thiệu, bán tour cho khách. Một khó khăn nữa là vấn đề “nâng cấp sản phẩm du lịch”, trong khi kinh phí hỗ trợ từ địa phương và các tổ chức rất hạn chế, người dân địa phương thì không có vốn để đầu tư thêm…Lấy ví dụ: Hiện du khách đến với tour du lịch này phần lớn đều có nhu cầu lưu trú trong dân (homestay), nhưng người dân chưa có tiền để cải tạo lại các nhà ở!
Tuy nhiên với những thành công bước đầu, cho thấy thôn Dỗi chính là một “ mô hình giảm nghèo”, có thể nhân rộng ra cho nhiều địa phương miền núi khác có điều kiện tương tự.
Nguồn : Đất việt