Tuần du lịch Carnaval Hạ Long đã chính thức bắt đầu. Du khách trong và ngoài nước dồn dập đổ về khu du lịch Bãi Cháy. Hầu hết các nhà nghỉ, khách sạn đã “cháy” phòng dù mức giá tăng đến cả gần chục lần. Giá dịch vụ cũng đội theo chóng mặt.
Theo dự kiến của BTC lễ hội, năm nay sẽ có khoảng 50 vạn du khách về tham dự Carnaval Hạ Long. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu tuần lễ hội, du khách đã bắt đầu đổ về khu du lịch Bãi Cháy. Nhiều đoạn đường liên tục ùn tắc bởi những đoàn xe nối đuôi nhau.
Nhiều đoạn đường liên tục ùn tắc do lượng du khách dồn dập đổ về khu du lịch Bãi Cháy.
Phòng nghỉ là dịch vụ đắt đỏ nhất. Giá phòng tại các khách sạn có vị trí đẹp ngay sát mặt biển có giá từ 2,5 đến 5 triệu/ 1 ngày đêm. Các nhà nghỉ phải cuốc bộ gần 1 cây số để ra biển cũng có giá giao động từ 800 nghìn đến 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đến sáng ngày 29/4, hầu hết các nhà nghỉ, khách sạn đã kín phòng. Nhiều du khách đến khu nghỉ lễ mới đi thuê phòng mới tá hỏa vì có tiền cũng không thuê được phòng theo ý muốn.
Anh Phạm Văn Khoa, du khách Hà Nội chia sẻ: “Tôi đưa vợ con đi chơi Carnaval. Cả gia đình may mắn thuê được 1 phòng khá ưng ý. Nhưng có điều giá “chát” quá. Giá mỗi ngày là 2,5 triệu. Ở đây đến khi tham dự xong Carnaval là 4 ngày. Chỉ tiền phòng đã mất 10 triệu đồng”.
Hầu hết các nhà nghỉ, khách sạn đã chật kín phòng.
Cùng với giá phòng nghỉ, các dịch vụ khác đều thi nhau đội giá. Các cửa hàng bán đồ hải sản hút khách nhất. Giá hải sản cũng tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với ngày thường: 1kg mực tươi dao động từ 300 đến 500 nghìn đồng, 1kg ghẹ lên tới 800 nghìn đồng, 1 kg tu hài có già 500 nghìn đồng…
Nhiều loại hình dịch vụ khác cũng tranh thủ ăn theo. Mỗi cuốc xe ôm khoảng 1km có giá từ 20 đến 30 nghìn đồng. Chỉ chạy lòng vòng từ các nhà nghỉ đến bờ biển, mỗi bác xe ôm cũng kiếm được cả triệu bạc mỗi ngày.
1kg ghẹ có giá 800 nghìn đồng.
Trong tuần du lịch Carnaval Hạ Long, tất cả du khách trong và ngoài nước đều được miễn phí vé tham quan trong 4 ngày từ ngày 28/4 đến 1/5/2012. Tuy nhiên, khách tham quan phải chịu mức phí gửi xe “cắt cổ”: 100 nghìn/ô tô, 30 nghìn/ xe máy…
Theo thông tin từ BTC lễ hội, ngoài các điểm đỗ xe thuộc 2 tuyến đường Hậu Cần và đường Hạ Long, UBND phường Bãi Cháy đã bố trí thêm 5 bãi đỗ xe khác gần khu vực diễn ra lễ hội, đảm bảo an toàn thuận tiện. Ở những nơi này đều có niêm yết công khai giá trông giữ xe theo quy định của Sở Tài chính. Lực lượng quản lý thị trường cũng thường xuyên đi kiểm tra các dịch vụ tránh tình trạng “chặt chém” du khách.
Dịch vụ thổi giá chóng mặt tại Carnaval Hạ Long.
Đặc biệt, công tác đảm bảo an ninh trật tự trong đêm hội Carnaval được tăng cường, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Quảng Ninh, Công an TP Hạ Long và các lực lượng chức năng liên quan thuộc tiểu ban an ninh trật tự của Tuần du lịch đã chủ động các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, không để xảy ra các vụ việc gây mất an ninh trật tự, gây rối trật tự công cộng.
Đến nay, toàn bộ các tuyến đường phục vụ diễu diễn Carnaval đã giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè. Các khu vực đỗ xe đều đã được vạch sơn, cắm biển, hướng dẫn, quy định nơi đỗ.
Trước tình trạng này, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu tất cả các cơ sở lưu trú đều đã được thông báo bảng giá phòng nghỉ công khai. Khách du lịch trong các trường hợp bị nâng giá ép khách, có thể phản ánh trực tiếp qua các số điện thoại đường dây nóng: 0919919789; 03.33822243; 0913267110 hoặc 03.33822232.
Nguồn : dantri