Laodong - Sau kiến nghị mới đây của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chính phủ đồng ý kéo dài thêm 1 năm việc miễn visa du lịch cho 5 nước Tây Âu. Tiếp đó, các doanh nghiệp lữ hành đã tiếp tục nhắc lại và mong mỏi kiến nghị thứ hai về việc mở cửa các khu vui chơi, giải trí đến 2h sáng cũng được chấp thuận, nhằm đáp ứng nhu cầu và tạo thêm điểm thu hút du khách.
Mở đến 2h sáng hoặc muộn hơn
Việc miễn visa du lịch cho 5 nước Tây Âu đã được Chính phủ đồng ý, kéo dài thêm 1 năm, từ 1.7.2017 đến 30.6.2018.
Kiến nghị thứ hai của Hiệp hội Du lịch là tất cả các địa phương cần điều chỉnh quy định về thời gian vui chơi giải trí ở các khu công cộng, cũng như các dịch vụ vui chơi giải trí trong cơ sở lưu trú du lịch, cho phép mở tối thiểu đến 2h sáng. Đây là nhu cầu chính đáng của khách du lịch, đồng thời cũng là biện pháp giúp kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách. Bởi tại một số địa phương, quy định giờ đón tiếp khách của các dịch vụ vui chơi giải trí như vũ trường, karaoke, quán bar… không được phép kéo dài quá 12h đêm đã phần nào hạn chế việc kinh doanh của các cơ sở cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách quốc tế.
Du khách nước ngoài thích thú ngắm phố cổ, thưởng thức món ngon Hà Nội về đêm. Ảnh: Hải Nguyễn
Ông Bùi Minh Thắng - Giám đốc Cty Victory tour (Nha Trang, Khánh Hòa) cho hay, thực tế các điểm vui chơi giải trí phục vụ du khách tại Nha Trang mở cửa đến 3 - 4h sáng vẫn tấp nập khách. Đây là hoạt động kinh doanh bình thường và cũng được người dân địa phương ủng hộ vì mang lại nguồn thu ổn định cho người dân. “Do đó, việc hạn chế vui chơi ở một số địa phương đến 12h đêm còn phụ thuộc vào đặc điểm văn hóa, sinh hoạt cộng đồng tại nơi đó” - ông Thắng nói.
Ông Vũ Tuấn Phong - Phó giám đốc Cty lữ hành Pys Travel còn mong muốn hơn thế, khi cho rằng không nên đề ra “khung giờ” nhất định nào đó mà hãy để cho các cơ sở kinh doanh tự quyết định dựa trên tình hình kinh doanh, đối tượng khách hàng hướng tới, nhưng trên hết là tôn trọng đời sống văn hóa của người dân bản địa. Ví dụ như Nha Trang, Đà Nẵng là hai thành phố tập trung nhiều du khách Tây nên có thể mở cửa các khu giải trí đến khoảng 4h sáng, ngược lại Sầm Sơn hay Cửa Lò đa phần chỉ có khách Việt tìm đến nghỉ dưỡng, thì cơ sở kinh doanh chỉ mở đến 1 - 2h sáng là hợp lý. Ông Phong cũng khẳng định, để làm được điều này thì trách nhiệm cũng như công việc của cán bộ quản lý kinh tế, công an địa phương sẽ phải tăng lên.
Cần điều chỉnh quy định hợp lý
Trong gần 1 năm qua, Hà Nội đã thí điểm mở cửa hoạt động kinh doanh đến 2h sáng áp dụng ở khu phố cổ và đạt được một số hiệu quả rõ rệt. Ông Đinh Hồng Phong - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - cho biết, nếu được xem là địa điểm dịch vụ du lịch thì việc mở cửa qua 12h đêm giúp các cơ sở tăng doanh thu, tạo thêm việc làm cho người dân. Mặc dù mới chỉ là thí điểm nhưng quận Hoàn Kiếm đã kiến nghị tiếp tục duy trì giờ giải trí như trên.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Tuấn Phong nhìn nhận, thành phố Hà Nội nên quy hoạch khu nào là dịch vụ du lịch, khu nào là dân cư sinh sống. Nếu là khu dịch vụ du lịch, việc mở cửa không giới hạn. Còn những quán karaoke, quán bar ở gần với khu dân cư thì phải có giấy phép và quy định rõ ràng về giờ giấc đóng cửa. “Nếu cơ sở kinh doanh cảm thấy khó khăn về mặt thời gian hoạt động, cần chuyển tới những khu dịch vụ du lịch phù hợp để kinh doanh, tránh gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh” - ông Phong thẳng thắn chia sẻ.
Từng là một nhà quản lý lâu năm, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết thêm, việc quy định về giờ giấc đón tiếp khách đang mỗi nơi áp dụng một kiểu, không đồng nhất. Vì vậy, trong thời gian tới tất cả các địa phương cần điều chỉnh quy định về thời gian vui chơi giải trí ở các khu công cộng sao cho hợp lý. Đây là nhu cầu chính đáng của khách du lịch đồng thời cũng là biện pháp giúp kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách.
Cơ quan quản lý nhà nước nên tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động du lịch, nhất là hoạt động lữ hành và lưu trú, nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn, hạn chế hoạt động phi pháp, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, việc kiểm tra cần tiến hành sao cho đảm bảo chất lượng, có sự phối hợp thống nhất giữa các đơn vị liên quan, tránh tình trạng kiểm tra nhiều lần, nhất là kiểm tra vào thời gian từ 23h trở đi, gây phiền hà, ảnh hưởng đến du khách trong các cơ sở lưu trú, làm trở ngại hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thanh Hương