Hầu hết trong các tour du lịch – dã ngoại nội địa, ngoài việc tìm đến những danh lam thắng cảnh và các khu Resort để thư giãn, nhiều du khách thường đi lễ chùa cầu an, để hiểu thêm nhiều điều kỳ lạ trong cuộc sống và sống hướng thiện hơn. Chúng tôi đã có dịp thưởng lãm những cổ vật độc đáo của ngôi chùa Phật Quang (Phan Thiết) trên 300 tuổi.
Ba kỷ lục trong một ngôi chùa
Toạ lạc ở đường Võ Thị Sáu, phường Hưng Long, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, chùa Phật Quang thuộc hệ phái Bắc tông, được dựng vào thời Hậu Lê. Chùa đã trải qua 18 đời truyền thừa, đã được trùng tu nhiều lần, nhưng vẫn còn giữ được nhiều pho tượng và pháp khí cổ.
Từ năm 2000 đến năm 2005, thầy trụ trì Thích Huệ Tánh, đời thứ 44 phái thiền Lâm Tế đã tổ chức đại trùng tu chùa, đặt 15 vườn tượng Phật tích và nhiều cây kiểng ở sân chùa.
Hoà thượng – trụ trì Thích Tuệ Tánh, đã giới thiệu cho chúng tôi những điểm nổi bật nhất của chùa từ nghệ thuật kiến trúc (hoa văn, phù điêu, tượng rồng 5 móng, hình dơi nhiều nhất nước) cho tới những cổ vật được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (thuộc Công ty Kỷ lục Việt Kings) xác nhận chùa có 3 bảo vật đạt kỷ lục là chuông, mõ gia trì và bộ kinh Pháp Hoa cổ nhất.
Thầy trụ trì còn cho biết, hơn 48 tấn mảnh sành được chở từ miền Bắc vào, miền Nam ra, đã được nhóm thợ người Huế chủ lực lựa chọn sử dụng khoảng hai tấn. Chính mảng ghép sành sứ mang tính mỹ thuật và kỹ thuật cao đã tôn ngôi chùa vẻ đẹp vừa hiện đại vừa cổ kính theo phong cách kiến trúc Á Đông.
Chùa có hai điện Phật được bài trí trang nghiêm. Tầng trên là điện Phật thờ đức Phật Thích Ca, hai bên vách tường có bộ tượng phù điêu Thập Bát La Hán. Điện Phật tầng dưới thờ bộ tượng Di Đà Tam Tôn (đức Phật A Di Đà, hai vị Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí) và tượng Bồ tát Địa Tạng.
Chùa Phật Quang là nơi lưu giữ bộ kinh Pháp Hoa khắc gỗ có ghi đời vua Lê Thuần Tông (1699-1735). Đây là bộ kinh khắc gỗ đầy đủ với 60.000 chữ Hán khắc ngược cả hai mặt trên 118 tấn ván bằng gỗ thị, mỗi tấm dài 0,68m, rộng 0,26m, dày 0,03m, được nhà sư Thiện Huệ thực hiện suốt 28 năm, từ năm 1704 đến năm 1732, dưới sự chủ trì của Thiền sư Minh Dung và sự hỗ trợ của nhà sư Thiện Pháp và 59 nam nữ Phật tử. Chân lý của bộ kinh này được rút gọn thành 9 chữ hàm súc: Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật trí kiến (nghĩa là: Dắt dìu chúng sanh bước lên đường giác ngộ).
Cũng cần nói thêm về người phát hiện bộ kinh Pháp Hoa dưới tầng hầm của chùa Phật Quang là sư ông Thích Tuệ Tánh. Ông vốn người Quảng Trị, sinh năm 1928, theo học Đại học Mỹ thuật ở Huế, học trò hoạ sĩ Phạm Đăng Trí. Sư thầy Tuệ Tánh vào chùa Phật Quang làm công quả rồi tu hành, được 23 năm. Hầu hết mọi bản vẽ kiến trúc, hoa văn, phù điêu trong chùa Phật Quang mới tôn tạo đều do chính ông phác thảo lấy, rồi điều thợ thực hiện, đặc biệt là hình tượng rồng năm móng. Rồng năm móng chùa Phật Quang là nét khác biệt hoàn toàn so với rồng bốn móng của nhiều đình, chùa khác trong cả nước.
Mùa đông năm 1987, ông đang cho người quét dọn chùa thì phát hiện dưới chân tượng Phật A Di Đà có chỗ gập ghềnh, bèn cho dỡ ba tấm ván nền ra thì thấy một bộ kinh quý này. Quả là cổ vật chỉ chờ người có tâm đến rước! Từ đó, nhà chùa bảo quản cẩn mật bộ kinh quý đã thất lạc hơn 300 năm mà vẫn không bị xiên vẹo, cong queo, sứt mẻ, mối mọt… Bộ kinh này được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Ngôi chùa có Bộ kinh Pháp Hoa khắc gỗ đầy đủ và xưa nhất VIệt Nam đối với chùa Phật Quang vào năm 2006.
Cũng trong năm 2006, Phật Quang lại được công nhận là chùa có quả chuông gia trì lớn nhất Việt Nam. Quả chuông này nặng 400kg, cao 1m, đường kính 1,2m, kinh phí đúc chuông lên đến 450 triệu đồng.
Chùa còn có một mõ gia trì làm bằng thân gỗ mít hơn 300 năm, cao tám tấc, rộng khoảng chín tấc. Gỗ cây mít này lấy từ huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Vào 10/2007, trong dịp Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 10 mang tên Đêm Hội tôn vinh Kỷ lục Việt Nam, chùa Phật Quang một lần nữa được trao giấy chứng nhận Ngôi chùa có Mõ gia trì bằng gỗ lớn nhất Việt Nam.
Dạo chùa vãn cảnh
Ngôi chùa tồn tại hơn 350 năm, sân chùa rộng, ngay trước tiền sảnh là tượng Phật Di Lặc cười tươi như mang ý nghĩa chúc phúc, may mắn cho mọi người, mọi nhà. Tiếp theo là tượng Đức Thích Ca nằm nghiêng mình như đang nhập định vào cõi Niết Bàn và tượng Phật mẫu Quan Thế Âm Bồ Tát từ bi, che chở, cứu khổ cứu nạn cho những kiếp người lầm than…
Lên lầu, đi vào trong chánh điện, chúng tôi được dịp chiêm ngưỡng pho tượng Phật Thích Ca đúc theo khuôn diện Phật Ấn Độ ngày xưa. Tượng Phật uy nghi, rất có thần; thân tượng cao từ bệ lên đỉnh là 4,2m, được làm từ năm 2004, với tổng kinh phí khoảng 58 triệu. Xung quanh tượng Phật Thích Ca là bệ thờ nhiều vị Phật khác, kể cả những vị thần bảo hộ Phật Pháp, tượng ngài Kim Cương, ai nhìn cũng thấy uy dũng, muôn phần kiêng nể.
Riêng “tài sản từ thiên nhiên”, chùa hiện đang sở hữu một cây bồ đề rất quý với dạng mình rồng chân rết. Ngoài ra, chùa còn có một cây me lâu đời, thân cây không hề có ruột nhưng vẫn sống được, là nơi làm tổ của 40 con sóc từ xưa đến nay…
Thầy trụ trì Huệ Tánh tuy đã ngoài 80 nhưng vẫn còn tràn đầy tâm sức, minh mẫn. Ông tâm nguyện trước khi đi vào tịch diệt, làm sao có thể vận động xây được một bảo tháp cho chùa cao 32m, 7 tầng để trưng bày bộ kinh Pháp Hoa, chuông mõ gia trì, ngọc xá lợi và đặt 50.000 tượng Phật Di Lặc để nơi thờ cúng, bảo quản trang nghiêm. Có điều dự tính số tiền xây bảo tháp này lên tới khoảng 10 tỉ đồng nên hiện thời thầy cũng “lực bất tòng tâm”.
Du lịch chốn tâm linh sẽ giúp chúng ta có những giây phút thư thái, lắng đọng trong tâm hồn để thấy mình được “gạn đục khơi trong” hơn. Vì thế, không chỉ riêng chùa Phật Quang mà tất cả những nơi chùa hay nhà thờ xưa và nay, có nét đẹp tôn kính, trang nghiêm đều thu hút được các hãng lữ hành với du khách trong và ngoài nước đến thăm viếng.
Nguồn : VNN