Sau một chặng đường dài qua Thanh Sơn, Thu Cúc rồi Ba Khe, đoàn du lịch chúng tôi cũng đã đến Mường Lò là cánh đồng rộng thứ hai khu vực Tây Bắc và là một vùng đất tươi đẹp giàu bản sắc văn hoá dân tộc.
Từ trên đỉnh dốc Thái Lão nhìn xuống cánh đồng là một màu xanh ngút ngàn của lúa, xa xa thấp thoáng những ngôi nhà sàn ẩn hiện dưới những rặng tre xanh rì. Mường Lò xinh đẹp như một chiếc khăn piêu rực rỡ vắt qua dãy Hoàng Liên cao vút... Đây rồi, Ngòi Thia huyền thoại gắn với sự tích rêu đá suối Thia thấm đẫm nước mắt của một tình yêu không thành mà tôi đã được nghe, rồi đây nữa, những cây ban rực rỡ sắc hoa, một loài hoa có một sức quyến rũ đến nao lòng và là biểu tượng của mùa xuân Tây Bắc nở trắng dọc hai ven đường... Thị xã Nghĩa Lộ êm đềm, xinh đẹp đã thu hút chúng tôi từ cái nhìn như thế.
Người mà chúng tôi gặp đầu tiên là anh Chu Tiến Luật - dân tộc Thái ở Bản Đêu 4, Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ là gia đình thường xuyên tiếp đón các đoàn du lịch, nơi mà chúng tôi đăng ký nghỉ đêm tại đây. Anh Luật có nước da trắng, dáng người vạm vỡ thân mật bắt tay từng người và mời lên sàn. Căn nhà sàn gỗ 5 gian rộng rãi được bày trí hài hoà, sạch sẽ mà không mất đi những nét truyền thống, sau một hồi trò truyện, sắp xếp đồ đạc, thông qua lịch trình du lịch cộng đồng, đoàn chúng tôi theo chân anh Luật đi tham bản làng, đó là khu du lịch làng nghề Bản Đêu 2 nổi tiếng của Thị xã Nghĩa Lộ. Vừa dẫn khách, anh Luật còn giới thiệu những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Thái.
Điều được mọi người quan tâm và thấy thích thú nhất là khi anh Luật giới thiệu về phong tục tiếp khách của đồng bào nơi đây. Anh Luật giải thích: “Mỗi khi được đến ăn cơm khách của các gia đình đồng bào Thái Mường Lò là các anh phải quan sát xem thành phần khách ra sao, có ai là người có vị trí cao trong họ của gia đình nhà chủ không? Có ai là người cao tuổi hay không? Bởi ngay từ việc ngồi uống nước, ăn cơm, uống rượu tại gia đình đồng bào luôn phân chủ khách, thứ bậc ngay từ vị trí ngồi, từ cách nhìn nhận này đã biểu lộ một văn hóa ứng xử rất tinh tế. Những người có vị trí cao trong dòng họ và những người cao tuổi, những người khách quý bao giờ cũng được xếp ngồi đầu mâm gần cửa số để tỏ sự kính trọng của chủ nhà với khách quý cũng như với người cao tuổi.
Khi vào mâm ăn cơm, cần phải quan sát trên đầu mâm có 2 chén rượu nhỏ gọi là " chén nóng " hay không? Nếu có thì trước khi uống chén đầu tiên cần phải rót một chút rượu vào hai chén đó và rót một ít xuống khe sàn nhà. Bởi đây là một ý niệm của đồng bào ước khi uống rượu phải mời người quá cố của chủ và khách, mời hồn của chủ và khách cũng như những hồn lang thang và cùng chúc cho tình cảm chân thành và bền vững.
Đây là một quan niệm đẹp và sự thành kính đối với tổ tiên cũng như sự cởi mở chan hòa với nhau… Lời căn dặn chân thành của anh Luật khiến mọi người trong đoàn du lịch của chúng tôi đều chăm chú lắng nghe và thích thú với phong tục tập quán đẹp của đồng bào...
Sau một thời gian đi thăm bản làng, tìm hiểu bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, chúng tôi trở lại nhà văn hóa bản Đêu, xã Nghĩa An để thưởng thức văn hóa ẩm thực và tham gia vào đêm văn nghệ tại nhà sàn. Như lời anh Luật dặn dò, chúng tôi cẩn trọng tự xét xem mình được ngồi ở vị trí nào theo đúng ngôi thứ cũng như sắp xếp và lựa chọn vị trí ngồi hợp lý.
Trước khi uống chén rượu đầu tiên, chúng tôi cũng đã lần lượt rót một chút rươu vào hai "chén nóng" được đặt trang trọng trên đầu mâm và rót một chút xuống khe sàn, những cảm nhận và việc làm đầu tiên khi bước vào và ngồi vào mâm cơm tại nhà văn hóa đã làm cho chị Điêu Thị Xiêng- người phụ trách nhà văn hóa của xã và cũng là một nghệ nhân nổi tiếng trong "khắp thái"- hát dân ca Thái rất quý trọng và có phần nể phục.
Tiếp đón chúng tôi trong đêm văn hóa ẩm thực và văn nghệ hôm nay còn có các em trong đội Văn nghệ của bản Đêu 2 gồm các thiếu nữ trong bản với độ tuổi mười tám, đôi mươi với nàn dan trắng mịn, đôi mắt đen láy, dáng người thon chắc nhẹ nhàng uyển chuyển. Khi được hỏi, các em cho biết, hầu hết các bản trong vùng Mường Lò này đều có đội văn nghệ, ban ngày các em vẫn đi làm nương, làm ruộng, quay tơ, dệt vải, buổi tối lại tụ tập tại nhà sàn văn hóa tập múa, tập hát để khi có khách du lich đến sẽ giới thiệu những nét văn hóa truyền thống và độc đáo cho du khách thửơng thức và hiểu hơn về truyền thống văn hóa của mình.
Các em vừa mời rượu, vừa giới thiệu các món ăn truyền thống cũng như cách chế biến như: " Cay húc" rêu đá nướng, " Pa Pỉnh Tộp" cá úp nướng, " nhứa phặp phăm" thịt băm gói lá nướng, món " nhứa dảng xá" thịt trâu sấy, rồi các món rau rừng như: rau ban nộm, rau rớn rừng, trứng kiến xôi và đặc biệt là món xôi ngũ sắc với năm màu khác nhau được nhuộm từ các loại lá rừng rất đặc trưng…. Đó là những món ăn rất ngon và mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào Thái nơi đây.
Đêm, trên nhà sàn văn hóa ấm áp và tràn đầy tiếng cười, tiếng nói của chủ và khách chan hòa trong những câu khắp say đắm say lòng người, ngoài ra chúng tôi còn được thưởng thức các điệu múa Thái mềm mại, uyển chuyển như những bông ban rừng đua nở giữa mùa xuân Mường Lò của các em trong đội văn nghệ… rộn rã trong tiếng trống, tiếng tằng bẳng và tiếng chiêng cùng nắm tay trong vòng xòe. Để rồi khi đi xa nhớ mãi không quên được con người, mảnh đất và những nét văn hóa truyền thống đẹp đẽ của đồng bào dân tộc Thái Mường Lò.
Nguồn : Báo Yên Bái