Khi đưa ra ý tưởng “xây dựng sản phẩm du lịch từ hiện tượng lũ, lụt” tại đô thị cổ Hội An, dư luận đã thích thú theo dõi bởi sự táo bạo, hấp dẫn, độc đáo nhưng cũng hàm chứa nhiều rủi ro.
Lâu nay, đô thị cổ Hội An được ví như “túi lũ” của vùng hạ du sông Thu Bồn, hình ảnh nước ngập lưng chừng nóc nhà cổ đã trở nên quen thuộc. Vào mùa lũ, nhiều người bắt gặp từng nhóm du khách nước ngoài thuê thuyền dạo loanh quanh trong phố cổ, chụp hình những mái nhà rêu phong chìm trong biển nước, khám phá đời sống cư dân Hội An mùa nước lũ. Được ngắm cảnh quan tổng thể của mái nhà cổ Hội An khi nước lũ dâng cao, tham quan các ngõ phố Hội An bằng… thuyền hay ghé vào quán cà phê trên tầng 2 của ngôi nhà cổ nào đó, tất cả tạo nên cảm giác đặc biệt và mới lạ.
Du khách thích thú với lũ lụt ở Hội An - Ảnh: Lê Văn Thọ |
Đấy là chuyện mùa lũ phố Hội, dù chưa thật phổ biến nhưng cũng làm nảy sinh ý tưởng “bám thiên tai" để làm du lịch ở miền Trung. Đầu năm 2011, dự án phát triển sản phẩm du lịch Hội An trong mùa mưa lũ được Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững Việt Nam (STDe) nghiên cứu và báo cáo. Không chỉ hướng đến một tour độc đáo trong điều kiện khắc nghiệt, những người thiết kế còn muốn tận dụng loại hình nghệ thuật nhạc nước, múa rối nước, nghe thơ, vẽ tranh, chụp ảnh... và biến thành sản phẩm du lịch. Ban đầu, có 3 đối tượng du khách chính được tính đến: văn nghệ sĩ, tình nguyện viên hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và những người thích mạo hiểm.
Du lịch mạo hiểm đang là xu hướng nổi bật được du khách quốc tế quan tâm, và khu vực miền Trung có “tiềm năng” về loại hình này. Hội An càng đặc trưng bởi là vùng đất thấp, lại hấp dẫn du khách với những giá trị của một di sản văn hóa thế giới. Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP Hội An, cũng tỏ ra khá thích thú trước “sản phẩm” lạ này. “Mùa mưa lũ, trong khi nhiều nơi lo phòng chống hay khắc phục hậu quả thì ở khu phố cổ Hội An lại tính chuyện du lịch. Chúng tôi đang quyết tâm theo đuổi” - ông Giảng nói.
Du khách đi thuyền tại Hội An - Ảnh: Lê Văn Thọ |
|
Nhóm các nhà khoa học trẻ thuộc STDe do TS. KTS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch STDe, đứng đầu đã hình thành dự án “Phát triển sản phẩm du lịch từ mưa, bão, lụt tại miền Trung Việt Nam”. Trong đó, ngoài sản phẩm du lịch từ lũ lụt tại Hội An (Quảng Nam), còn có ý tưởng độc đáo về mưa ở Huế, bão ở Đà Nẵng. Vào mùa mưa bão, Huế, Đà Nẵng và Hội An cũng là 3 địa bàn thu hút lượng du khách đông nhất. Hiện dự án đang đề xuất hỗ trợ kinh phí từ Chính phủ để đầu tư, thực hiện lâu dài. |
|
Ý tưởng tốt, nhưng sẽ khó khăn để cho ra một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thương mại - du lịch Hội An, đã khẳng định với Thanh Niên như vậy sau hơn 9 tháng theo dõi dự án và khi mùa mưa lũ 2011 đã cận kề. “Muốn ứng dụng ý tưởng này vào thực tế thì không hề đơn giản. Bởi với lũ lụt, chúng ta sẽ không thể tiên lượng hay ấn định được ngày cụ thể, từ đó khâu quảng bá, giới thiệu cũng bị động theo. Vừa ngắn ngày (ăn theo mùa lũ), lại là sản phẩm gia tăng nhỏ trong mùa lũ, nhưng lại phải đầu tư lớn và vận động doanh nghiệp tham gia, bán sản phẩm. Nhà nước chỉ hỗ trợ công tác quảng bá” - bà Thủy nói.
Mối lo về tài chính, hạ tầng, chuẩn bị tâm lý cho người dân, sự nguy hiểm của thiên tai… cũng phần nào làm giảm hưng phấn ban đầu về một ý tưởng lạ. “Thông thường, khi nước lụt đổ về đã cấm hẳn ghe thuyền hoạt động rồi. Vì thế, chúng tôi yêu cầu phải đảm bảo an toàn tuyệt đối” - ông Lê Văn Giảng khẳng định. Thành phố đang chuẩn bị “thông tin về rủi ro” để hỗ trợ du khách, như khu vực nào hoạt động được, nơi nào có mức lụt thấp, ít nhất là để đón đầu mùa lũ 2011.
Trước mắt, vì chưa có phương tiện cứu hộ khẩn cấp nên địa phương tiếp tục chọn tuyến phố Nguyễn Thái Học để du khách dong thuyền; các tuyến Bạch Đằng, Trần Phú… mức nước lụt sâu hơn, chưa thể “khai thác”. Du khách đang chờ đến ngày được thỏa sức mạo hiểm khám phá Hội An trong mùa lũ. Nhưng để sản phẩm này thực sự hút du khách, những người theo đuổi dự án còn quá nhiều việc phải làm...
Nguồn : Thanh niên