Nam Du là một quần đảo gồm 21 đảo lớn nhỏ được tạo hóa xếp đặt khéo léo, từng khối thể lớn nhỏ, cao thấp của từng hòn nằm đan xen nhau, tạo thành một thế trận vững chắc giữa đại dương rất đẹp. Nam Du thuộc địa bàn xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Hằng ngày từ Phú Quốc, Hòn Tre, Hòn Sơn... đều có những chuyến tàu cao tốc vượt biển chở khách đến thăm đảo.
Trong cụm đảo Nam Du, Hòn Lớn là đảo lớn nhất và cao nhất, cũng là trung tâm của xã An Sơn. Một con đường nhựa dài 2,6 km, ngập bóng cây xanh, đưa khách từ cầu Cảng lên đến đỉnh, nơi có ngọn hải đăng cao so với mặt biển gần 300m. Tại đây, có thể nhìn toàn cảnh. Những hòn đảo với nhiều dáng hình quây quần bên nhau, nổi lên trên tấm thảm xanh của biển đầy huyền bí. Chung quanh là những làng chài, được bao bọc bởi những rặng dừa xanh cao dưới chân ghềnh, mà dân chài đã trồng từ hơn 70 năm qua.
Rất nhiều câu chuyện kể lý thú về quần đảo này. Hai thế kỷ trước, vua Gia Long trên đường chạy nạn, đã dừng chân và sinh sống nơi đây một thời gian dài. Từ thời ấy, "giếng nước Gia Long" ở Bãi Ngự, mà người dân quen gọi đến nay vẫn còn, quanh năm mực nước trong veo, không cạn. Trên đảo có nhiều địa danh: Bãi Chệt, Bãi Tuồng, Bãi Giếng, Bãi Cỏ, Bãi Ðất Ðỏ, Bãi Mến, Hòn Mấu, Củ Chon... Mỗi địa danh đều gắn liền với một sự tích.
Quần đảo Nam Du có nhiều ghềnh đá, càng ngắm, càng thích. Nó được tạo thành từ vô số tảng đá như nham thạch, được sóng biển mài giũa công phu từ hàng chục nghìn năm qua, làm cho cảnh quan thiên nhiên Nam Du thêm đẹp. Một vẻ đẹp riêng của vùng biển đảo tây nam. Những người xưa với hai bàn tay trắng, ra đảo "khai hoang lập đất", hiện nay vẫn còn sống, như ông Năm Cần, bà Năm Sự, Hai Rua, Ba Gấm, Ba Cau, Năm Nhọt... ở Củ Chon. Vì quá chán ngán và lo sợ cảnh giặc giã ruồng bố, họ cùng gia đình ra đảo từ hơn nửa thế kỷ trước. Rồi tiếp tục đến các thế hệ con cháu vẫn ở lại sinh sống trên đảo, góp phần xây dựng cuộc sống trên đảo ngày càng giàu đẹp, tươi vui.
Cuộc sống trên đảo Nam Du ngày nay đã thật sự khác xưa, do được thông thương với đất liền. Ðảo có trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, có trạm y tế. Năm 2008, trạm y tế này đã được Hải quân Vùng E tặng 30 triệu đồng nâng cấp sửa chữa; Viện Vật lý Cộng hòa Séc cũng tặng pin năng lượng mặt trời, tạo điều kiện tốt hơn cho trạm trong công tác khám và điều trị cho nhân dân.
Khai thác hải sản là thế mạnh trên đảo Nam Du. Tại đây hằng ngày có hơn 400 phương tiện lớn, nhỏ hoạt động, sản lượng đạt khoảng 6.500 tấn/năm. Vài năm gần đây, Nam Du "phất lên" nghề câu cá thu. Chỉ cần một con nước trúng, mỗi phương tiện thu về từ 50 đến 70 triệu đồng tiền lãi. Nam Du còn có đội tàu thuyền chủ lực, gồm 54 tàu đánh bắt xa bờ, cùng giúp nhau trong xoay vòng đồng vốn, khai thác tốt ngư trường và góp phần cùng đồn biên phòng giữ vững an ninh trên biển, tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Ðến thăm đảo, du khách có thể tản bộ hoặc đi xe máy, hoặc thuê tàu đò rong ruổi, tham quan các đảo nhỏ chung quanh, xem các lồng bè nuôi tôm, nuôi cá trên biển. Nơi đây, cuộc sống lúc nào cũng nhộn nhịp, đông vui, tàu, thuyền vào ra tấp nập... Dưới chân ghềnh, những ngôi nhà nép mình bên những rặng dừa xanh mát, được sóng biển vỗ về quanh năm. Người dân trên đảo mộc mạc, dễ gần, rất nhiệt thành và hiếu khách.
Nam Du hiện đang thu hút rất nhiều du khách đến thăm cảnh đẹp và thưởng thức những món đặc sản như ốc nhảy, ốc đụn, hàu sữa, ghe, mực... được người dân bắt lên từ biển còn tươi rói; Nam Du nổi tiếng với những phong cảnh hấp dẫn như Bãi Ngự, Bãi Cỏ, Bãi Giếng... là nơi có cầu cảng tấp nập ghe thuyền. Cuộc sống Nam Du lúc nào cũng sôi động với nghề truyền thống là câu mực. Ban đêm, trên biển cả bao la, hàng trăm chiếc thuyền câu mực giăng đèn chiếu sáng mặt nước đại dương, tạo thành một bức tranh di động huyền diệu.
Những ai thích khám phá biển đảo hãy một lần đến Nam Du, nơi có núi đồi, sông biển nên thơ cùng ngọn hải đăng cao 309 m điều tiết tàu thuyền qua lại an toàn. Ngoài vai trò "con mắt biển" canh giữ vùng biển trời tây nam của Tổ quốc, ngọn hải đăng này còn góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp kỳ thú của đảo Nam Du.
Nguồn: Báo Nhân Dân