Dân trí - Ông Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội cho biết bản thân ông cũng là nạn nhân bị chặt chém khi đi du lịch. Chính tư duy và đạo đức kinh doanh “chộp giật” của người bán đã làm xấu xí, để lại ấn tượng không tốt tới hình ảnh du lịch Việt Nam.
“Tôi cũng là nạn nhân bị chặt chém khi đi du lịch!”
Thời gian gần đây, liên tiếp những câu chuyện về hiện tượng chặt chém du khách được phản ánh trên báo chí gây bức xúc dư luận. Điển hình như du khách nước ngoài phải trả túi bánh rán lên tới 700.000 đồng ở phố cổ Hà Nội, hay bát phở có giá 200.000 nghìn đồng… Bản thân ông có suy nghĩ, cảm xúc gì khi đọc những thông tin này?
Tôi hết sức cảm thông với tâm trạng của khách du lịch đã gặp phải những tình huống như vậy đồng thời cảm thấy phẫn nộ về cách hành xử của người bán. Chính họ đã làm xấu xí thêm hình ảnh của Du lịch Việt Nam.
Những người bán hàng thường lợi dụng tâm lý chủ quan, ngại hỏi giá trước của khách để tính thêm tiền, thổi giá sản phẩm cao gấp nhiều lần so với thực tế. Thậm chí, khi khách phản ứng, thắc mắc còn nhận lại sự thiếu thiện cảm, đe dọa, thách thức. Trong đó, những vị khách ngoại quốc thường là đối tượng dễ bị “chặt chém” nhiều nhất.
Đây thực sự là những câu chuyện buồn không chỉ với khách nước ngoài mà với cả phần lớn người dân Việt Nam, những người luôn mong muốn và hy vọng hình ảnh đất nước trở nên đẹp đẽ, ấn tượng trong mắt bạn bè thế giới.
Túi bánh rán của du khách nước ngoài có giá 700 nghìn khiến nhiều người bức xúc
Đáng tiếc hiện tượng chặt chém, thổi giá cao gấp 3 – 4 lần không phải là hiếm ở các điểm du lịch. Theo ông, vì sao vấn nạn này vẫn tái diễn dù chúng ta đã có nhiều chiến dịch ra quân, nhiều biện pháp được áp dụng?
Vấn nạn này xuất phát từ chính sự thiếu ý thức và hiểu biết về kinh doanh cũng như đạo đức của những người bán hàng. Chiến dịch ra quân chỉ có tác dụng tại một thời điểm. Vấn đề mấu chốt vẫn là tuyên truyền giáo dục đúng cách đi cùng với kiên trì, nhất quán áp dụng các chế tài trong một thời gian đủ dài mới mong có thể thay đổi được nhận thức và sau đó là hành vi của người bán. Thực tế, để giải quyết vấn nạn này, không phải là có bao nhiêu chiến dịch được đưa ra mà chiến dịch đó được duy trì trong bao lâu?
Hãy làm một chiến dịch thôi và cố gắng duy trì nó ít nhất là 1 năm chứ đừng đưa ra 3 chiến dịch cho 3 vấn đề mà mỗi chiến dịch chỉ kéo dài được 4 tháng. Tập trung, quyết liệt, kiên trì không phân tán là chìa khóa thành công.
Bản thân ông có bao giờ gặp trường hợp bị mua đắt, thổi giá khi đến các địa điểm du lịch không? Ông ứng phó ra sao khi gặp trường hợp này?
Cách đây nhiều năm tôi cũng đã lâm vào một trường hợp bị “mua đắt” khi sử dụng dịch vụ motor nước ở một bãi biển ở Việt Nam. Dù đã cẩn thận mặc cả trước về giá nhưng cũng không ngờ trong quá trình di chuyển, người chủ của motor nước ngồi sau đã chỉnh đồng hồ nhanh lên. Do không có gì để đối chứng nên sau đó tôi vẫn phải trả tiền đầy đủ dù biết mình bị lừa. Tuy số tiền không lớn nhưng hành vi gian dối này khiến tôi có thiện cảm không tốt về vùng biển và con người nơi đó.
Tôi nghĩ, muốn chặn tận gốc vấn nạn này thì việc cảnh báo thôi chưa đủ mà phải có những biện pháp cụ thể. Điển hình như vụ bánh rán 700.000. Dù người khách đã cảnh giác từ chối nhưng vẫn bị ép.
Khách du lịch đi du lịch là để được thưởng thức, được thư giãn chứ không phải là đi du lịch để nâng cao tinh thần cảnh giác và học các bài học về ứng phó với kẻ gian. Hãy tuyên truyền và đấu tranh để có được điều này chứ không phải chỉ là đưa ra bài học cảnh giác và sự đối phó.
“Chặt chém, lừa lọc… xảy ra phổ biến cả trong cuộc sống hàng ngày”
Rất nhiều ý kiến cho rằng những phong cách bán hàng chộp giật, chặt chém du khách chỉ có ở Việt Nam, nhiều nước có ngành Du lịch phát triển gần như không có vấn nạn này? Ông chia sẻ gì về điều này? Một số nước ông từng đến, họ có hiện tượng này hay không và họ giải quyết thế nào, thưa ông?
Bán hàng chộp giật, chặt chém du khách, móc túi, cướp giật vẫn có ở một số nước du lịch phát triển như Pháp, Ý nhưng những đối tượng tham gia lại chủ yếu là người nhập cư từ nước khác tới chứ không phải là người địa phương. Chèo kéo bán hàng, lừa đảo khi bán cũng có nhưng có thể thấy mức độ “quyết liệt” vẫn chưa bằng ta.
Nước nào cũng có những vấn đề riêng trong việc phát triển du lịch, điều quan trọng là họ tìm ra giải pháp và thực thi nó một cách hiệu quả trong thực tế.
Hình ảnh du khách nước ngoài bị nhóm "nữ quái" ở Hồ Tây chèo kéo, chèn ép mua chuối và chụp ảnh được PV Dân Trí phản ánh gây bức xúc trong dư luận
Rõ ràng trong vấn đề phát triển du lịch, câu chuyện bát phở siêu đắt, bánh rán “chặt chém” cũng chỉ là một khía cạnh nhỏ nhưng điều này cho thấy cách làm du lịch của chúng ta còn thiếu đồng bộ chưa chuyên nghiệp, thưa ông?
Theo tôi thì không hoàn toàn phải vậy. Ngành Du lịch cũng rất quyết liệt và quyết tâm nhưng “chặt chém”, lừa lọc trong mua bán không chỉ xảy ra với khách du lịch hay trong hoạt động du lịch mà còn xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.
Tôi đi chợ hay bị mua đắt hơn là mẹ tôi, đồ mua cũng kém chất lượng hơn dù phải trả tiền cao hơn. Rõ ràng là họ “chém được ai thì cứ chém”, “lừa được ai thì cứ lừa” đâu phải là chỉ du khách. Chẳng qua du khách thì dễ gặp hơn thôi vì du khách là những người lạ nước, lạ cái, đặc biệt là người nước ngoài.
Vấn đề ở đây là ý thức, nhận thức của người bán hàng về kinh doanh và đạo đức kinh doanh. Nếu như đây là một nét xấu trong Văn hóa của người Việt thì ngành Du lịch đang phải đối mặt với cả một nét xấu của cả một nền văn hóa chứ không phải là một vài nghìn người. Nếu nét xấu này không được thanh tẩy một cách đồng bộ thì dù có làm bao nhiêu chiến dịch đi chăng nữa rồi cũng đâu vào đấy thôi!
Việt Nam xếp thứ 5 trong ASEAN về lượng khách quốc tế nhưng thống kê 70% khách đến Việt Nam “một đi không trở lại”. Phải chăng chính sách thu hút, đầu tư cho Du lịch của chúng ta còn chưa thực sự phát huy hiệu quả?
Việc “một đi không trở lại” không phải do chính sách thu hút hay đầu tư cho Du lịch mà là do chất lượng dịch vụ, trong đó chủ yếu là do yếu tố con người. Khách du lịch tới với Việt Nam đâu phải để hưởng thụ khách sạn 5*, tầu cao tốc, siêu thị hàng hiệu hay những thứ tương tự. Những thứ đó ở nước họ có nhiều rồi. Họ đến là vì phong cảnh, văn hóa….
Và những cái đó có khiến họ quay lại hay không thì lại là do con người. Người dân có thân thiện không, có trung thực thật thà không, người phục vụ có cái tâm phục vụ không, có hết mình vì khách không? Cái “tâm” còn quan trọng hơn nhiều so với kỹ năng và trình độ.
Khi nào toàn dân, toàn nhân viên ngành Du lịch có được “cái tâm” này trong đón tiếp và phục vụ thì chẳng cần phải tay nghề cao hay kỹ năng tốt khách du lịch cũng sẽ ùn ùn quay lại thôi.
Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định, xác định Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đến năm 2030 chúng ta đặt mục tiêu tăng 190%, đóng góp 35 tỷ USD cho ngân sách. Để đạt được mục tiêu này, theo ông cần phải có chính sách, biện pháp ra sao để tạo ra sự đột phá trong phát triển du lịch?
Theo tôi thấy các chính sách và biện pháp đã được nêu rất nhiều rồi và toàn là những chính sách và biện pháp rất hay. Vấn đề bây giờ là thực hiện thôi. Đột phá sẽ nằm ở chỗ thực hiện được lâu dài các chính sách và biện pháp.
Đột phá nằm ở chỗ có sự hỗ trợ của tất cả các ngành, các lĩnh vực. Không thể có đột phá nếu như chỉ để Du lịch tự xoay. Rất mong các ngành, các lĩnh vực khác hãy xem du lịch là một ngành cần được giúp đỡ chứ không phải là một ngành đang ăn nên làm ra mà đòi hỏi này nọ.
Hãy đừng nghĩ là du lịch phải có trách nhiệm trong việc nọ, việc kia mà hãy nghĩ xem mình có thể làm gì để giúp đỡ bớt các khó khăn cho Du lịch. Các quy định nên hướng tới đảm bảo sự thoải mái, an toàn cho khách chứ không phải làm khó khách.
Mặt khác, theo tôi các yêu cầu đặt ra cũng nên hướng tới giúp cho hoạt động du lịch phát triển chứ không phải tạo ra các cơ chế “xin – cho”, kìm hãm sự phát triển.
Hà Trang