Đầu năm 2009, Chương trình phát triển nông thôn Quảng Trị đã đầu tư 400 triệu đồng hỗ trợ cho 230 hộ dân tộc Vân Kiều của bản Ka Lu; Làng Cát (xã Đăkrông, huyện Đăkrông, Quảng Trị) làm du lịch cộng đồng. Bây giờ đi trên Quốc lộ 9, du khách có thể ghé vào bản Ka Lu; Làng Cát để được tắm suối nước nóng, mua sản phẩm thổ cẩm, thưởng thức các tiết mục văn hóa, văn nghệ cũng như các món ăn mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều.
Ông Trần Dũng Sỹ, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đăkrông cho biết: Trong những năm qua, huyện Đăkrông cũng đã có nhiều chính sách để phát triển du lịch. Tuy nhiên đến nay, tiềm năng để phát triển du lịch của huyện vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Kết quả điều tra, tư vấn về du lịch dựa vào cộng đồng của Chương trình phát triển nông thôn Quảng Trị (tháng 9/2008) đánh giá, Đăkrông là huyện có khả năng phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều địa danh có thể phục vụ cho du lịch như sông Đăkrông, cầu treo Đăkrông, suối nước nóng Ka Lu, Khu bảo tồn thiên nhiên Đăkrông, Đường 14A-đường Trường Sơn... Hằng năm có khoảng 30.000 khách du lịch trong và ngoài nước qua lại trên tuyến Quốc lộ 9 (tuyến đường đi qua bản Ka Lu, Làng Cát). Ngoài những thuận lợi trên, thời gian gần đây, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh Quảng Trị cũng đã có nhiều dự án liên quan đến du lịch trên địa bàn huyện Đăkrông như Chương trình mục tiêu quốc gia bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc với mức đầu tư 2,5 tỷ đồng. Dự án ADB với mức đầu tư 425.000 USD xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực cho người dân.
Việc hình thành các bản làm du lịch cộng đồng sẽ giúp bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Kô (Tà-ôi) có điều kiện duy trì, phát triển, quảng bá các sản phẩm thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, đan lát, làm nhạc cụ truyền thống, đồng thời bảo tồn, gìn giữ các lễ hội văn hóa, ẩm thực mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Sau nhiều đợt khảo sát, tư vấn, cuối năm 2008, Chương trình phát triển nông thôn Quảng Trị đã mời nghệ nhân Hồ Văn Hối, khóm 1, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa đến bản Ka Lu đào tạo nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho 10 phụ nữ Vân Kiều. Hiện tại, bản Ka Lu đã hình thành tổ dệt thổ cẩm và hoạt động khá hiệu quả, đã có các sản phẩm mang đi tiêu thụ nhiều nơi trong tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên trong tổ. Chương trình còn tiến hành đào tạo nghề nấu rượu cần cho 5 hộ dân tại bản Ka Lu, do giảng viên Hồ Văn Hùng, người Vân Kiều ở thôn Xa Vi (xã Hướng Hiệp, Đăkrông) phụ trách giảng dạy. Ngoài ra, còn đào tạo nghề làm nhạc cụ dân tộc cho 5 người dân của bản Ka Lu, do nghệ nhân Mai Sen (bản Ka Hẹp, xã Tà Rụt, Đăkrông) giảng dạy. Đội văn nghệ bản Ka Lu cũng được thành lập....
Chương trình PTNT Quảng Trị cũng đã tài trợ cho nhiều cán bộ xã Đakrông và người dân bản Ka Lu, Làng Cát đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại bản Lác (tỉnh Hòa Bình). Qua các đợt tham quan, cán bộ, người dân bản Ka Lu, Làng Cát sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc tiếp đón, làm hài lòng du khách khi đến tham quan điểm du lịch cộng đồng bản Ka Lu, Làng Cát.
Tổng kinh phí dự kiến mà Chương trình PTNT Quảng Trị hỗ trợ cho việc xây dựng 2 bản Ka Lu, Làng Cát làm du lịch cộng đồng là gần 400 triệu đồng.
Mặc dù tất cả điều kiện cần và đủ cho việc đón du khách đến tham quan điểm du lịch cộng đồng đã hoàn tất. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Trần Dũng Sỹ thì du lịch Đăkrông vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, cần phải tháo gỡ từng bước. Ví dụ tại 2 điểm du lịch cồng đồng bản Ka Lu, Làng Cát cần phải đầu tư mạnh hơn về cơ sở hạ tầng như đường xá, nhà trưng bày các sản vật, nhạc cụ dân tộc Vân Kiều, Pa Cô... Ngoài ra, cần phải từng bước nâng cao nhận thức cho người dân.
Nguồn : Báo DT&PT