Tuyến tham quan trong động Ngườm Ngao có một đoạn du khách đi bộ ngay trên nền măng đá đang hình thành.
Sáng 9/10, Cao Bằng tổ chức buổi Tọa đàm Phát triển sản phẩm du lịch tỉnh với sự tham gia của Tổng cục Du lịch và đại diện các công ty du lịch trong nước. Tại đây, các hãng lữ hành đã chỉ ra thế mạnh cũng như hạn chế cần khắc phục của du lịch Cao Bằng.
Ông Nguyễn Hồng Dương, công ty du lịch Tây Nguyên, đánh giá với cảnh quan thiên nhiên và đặc thù văn hóa của các dân tộc như Tày, Nùng, Mông… Cao Bằng có thể phát triển du lịch homestay, tập trung khai thác dòng sông Quây Sơn, ngoài thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao đã rất nổi tiếng.
Bên trong hang động Ngườm Ngao. Ảnh: Vy An.
Tuy nhiên, ông Dương cũng góp ý địa phương nên xây lối đi hoặc cầu qua các măng đá ở giữa động Ngườm Ngao, tránh đi trực tiếp trên nền hang như hiện nay. Bởi ngoài các măng đá cứng, nền hang vẫn có một số măng đá mới hình thành, còn khá mềm. Ông Dương lo ngại lượng khách lớn đến tham quan sẽ gây sứt mẻ những măng đá đã hình thành và làm mòn các măng đá mới nhú.
Đồng ý với góp ý trên, ông Lê Hòa Hiệp, công ty du lịch Hi Travel, cho rằng cần có giải pháp cho khách tham quan bên trong, bước trên măng đá trong các hang động trên thế giới là việc không được cho phép. Ông Hòa cũng lưu ý, hệ thống đèn cao áp trong hang chiếu thẳng vào các nhũ đá, măng đá, sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của chúng. Ông Hòa gợi ý địa phương có thể sử dụng đèn pin khi khách vào tham quan.
Giám đốc Công ty Du lịch Cao Bằng, đơn vị quản lý và khai thác động Ngườm Ngao tại tọa đàm đã tiếp thu ý kiến góp ý. Công ty này cho biết đang thuê đơn vị khảo sát, tư vấn để thiết kế lại lối tham quan, đường đi vào đài sen trong động.
“Trước đây do kinh phí hạn hẹp nên phần lối đi qua đoạn thạch nhũ này chưa được triển khai. Nhưng chúng tôi dự định một phần sẽ xây bậc, một phần có cầu để khách qua lại để tránh làm mòn măng đá như hiện nay”, đại diện công ty trên nói. Hệ thống ánh sáng trong động được lắp từ năm 2013, công ty cũng đang có phương án thay đổi trong thời gian tới.
Các măng đá hình thành ở nền động Ngườm Ngao. Ảnh: Vy An.
Nhiều đại diện công ty du lịch cũng đề xuất tỉnh Cao Bằng đầu tư, cải tạo hệ thống giao thông giữa các tuyến, điểm tham quan - điểm mấu chốt để phát triển du lịch ở các huyện kết nối với thác Bản Giốc, suối Lê-nin, hang Pác Bó… Hệ thống biển chỉ dẫn, nhà vệ sinh, điểm dừng nghỉ, gian hàng giới thiệu và bày bán đặc sản, thuyết minh viên tại điểm cũng đang thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách.
Là địa phương giàu tiềm năng du lịch nhưng Cao Bằng chưa định hình được sản phẩm du lịch đặc thù và cách thức quảng bá rộng rãi. Theo trưởng phòng phát triển sản phẩm của một số hãng lữ hành, địa phương có thể khai thác du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch khám phá với hoạt động trekking bởi đây vốn là thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển phải bền vững và đi đôi với bảo tồn.
“Để tránh gặp phải mặt trái của du lịch phát triển như ở bản Lác, Sa Pa, Tam Đảo, các điểm du lịch của Cao Bằng như thác Bản Giốc, bản Giuồng ở Phục Hòa… cần giữ được bản sắc của mình, không bê tông hóa. Có như vậy mới hút được khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế”, bà Trần Thị Hải, đại diện APT Travel nhấn mạnh.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng Cao Bằng nên đầu tư các điểm ngắm cảnh, chụp ảnh cho du khách. “Đây là cách quảng bá nhanh chóng, hiệu quả và ít tốn kém nhất bởi mỗi bức ảnh đẹp được chia sẻ lên mạng xã hội sẽ thu hút thêm lượng khách tới đây”, ông Nguyễn Huy Tâm, đại diện công ty du lịch Tâm Việt chia sẻ.
Phần măng đá trong động chưa có lối đi cho du khách. Đường tham quan trong động Ngườm Ngao dài khoảng 2 km, vào bằng cửa Ngườm Lồm và ra bằng cửa Ngườm Ngao. Lối đi này trải bê tông, có đèn sáng. Tuy nhiên, đường đi này bị đứt quãng ở đoạn giữa hang - nơi trần hang cao nhất.
Vy An