Một công ty lữ hành ở Lisbon, Bồ Đào Nha có tên “ngược đời” – "Chúng tôi ghét du lịch" đang thu hút sự chú ý của nhiều du khách nhờ cách tiếp cận độc đáo.
Các tour của “ Chúng tôi ghét du lịch” cho phép du khách có thể trải nghiệm mọi ngóc ngách của thủ đô Lisbon xinh đẹp như một người dân bản địa thực sự.
Khởi nghiệp vào năm 2010 bởi Bruno Gomes, một người dân địa phương bình
thường của Lisbon, anh đã tập hợp nhóm những người bạn từng làm việc
trong đủ mọi lĩnh vực khác nhau như báo chí, tâm lý học hay nhiếp ảnh,
thành lập nên “Chúng tôi ghét Du lịch”. Mục đích chính của anh là muốn
giới thiệu du khách đến với thành phố quê hương mình, thăm quan nơi đây
một cách có trách nhiệm, độc đáo và chân thành.
Bruno mô tả công việc này như “sự trao đổi liên tục và làm giàu tri thức
văn hoá từ những người thật sự muốn chiêm ngưỡng và trải nghiệm dịch
chuyển theo cách hoàn toàn khác”, công ty đặc biệt nỗ lực giúp du khách
hiểu rõ hơn về những điều khiến cho Bồ Đào Nha khác với những nơi khác.
"Thành thực mà nói, chúng tôi không cố chơi trội. Chúng tôi không muốn
đưa bạn đến những chỗ “sống ảo” nổi tiếng, chụp vài bức ảnh, mua vài món
đồ lưu niệm rồi ào ào ra về, mà chỉ muốn giúp bạn hiểu vẻ đẹp chân thật
của thành phố này", ông chủ của “Chúng tôi ghét du lịch” tâm sự.
Công ty cung cấp nhiều gói tour riêng tùy theo yêu cầu của du khách ở cả
2 thành phố lớn nhất Bồ Đào Nha là Lisbon và Porto, trong đó có gói
“Cơm trưa nhà làm”, nơi du khách sẽ được đưa đến một khu phức hợp xưa
cũ, thưởng thức những món đặc sản Bồ Đào Nha ngon
lành như cá, salad, bánh ngọt truyền thống với vang xanh cùng vang đỏ
của những nhà hàng cổ, hay học lướt sóng trọn gói cùng các bậc thầy bản
địa.
Vài năm trở lại đây, các cuộc tranh cãi ngày càng nổ ra căng thẳng xung
quanh vấn đề làm thể nào để mở ra một thời đại du lịch bền vững hơn, đặc
biệt ở các quốc gia và thành phố hiện đang trải qua hiện tượng số lượng
du khách gia tăng chưa từng có.
Năm 2017 đã chứng kiến một số điểm du lịch nổi tiếng đưa ra nhiều thay
đổi về chính sách liên quan đến cách du khách ghé thăm. Nhiều cuộc diễu
hành lớn phản đối du khách nước ngoài nổ ra khắp các nước nổi tiếng về
du lịch ở châu Âu như Tây Ban Nha, Hy Lạp hay Anh. Gần đây, thành phố
Venice với 30 triệu lượt du khách mỗi năm, đã công bố chiến dịch Tận
hưởng & Tôn trọng Venice, ban hành nhiều khoản tiền phạt cho du
khách không tuân theo quy tắc của các điểm du lịch.
Chia sẻ về những thay đổi này, Bruno hoàn toàn đồng ý. “Chúng ta nên học
hỏi từ những sai lầm của các ngành công nghiệp khác trong quá khứ. Giờ
đây ta đã biết sự bền vững là chìa khóa cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Nếu chúng ta không bắt đầu ngay bây giờ, thiệt hại ngành du lịch gây ra
sẽ không chỉ tác động lên môi trường mà sẽ còn phá hủy các nền văn hoá
và cộng đồng”.
Theo Anh Phạm/Dân Việt