Những năm qua nông dân các huyện Đức Trọng, Lâm Hà (Lâm Đồng) ồ ạt chặt bỏ cây dâu thì việc mở xưởng dệt lụa Cường Hoàn được coi là đã “cứu” nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống của tỉnh này.
Đó là cơ sở sản xuất lụa tơ tằm khép kín: Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, se sợi, dệt lụa... của vợ chồng một người con của Hà Nội gây dựng lên trên vùng đất đỏ cao nguyên Lang-Biang.
Người Hà Nội trên Cao nguyên Lang Biang
Men theo con đường đèo dốc Tà Nung cách thành phố Đà Lạt 25km là thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Chúng tôi biết đến cơ sở chế biến tơ và dệt lụa Cường Hoàn nhờ cánh lái xe mô tô đưa khách du lịch dẫn đường, bởi đây là một điểm tham quan, nghiên cứu về phương thức ươm tơ, dệt lụa theo lối cổ truyền của người Việt và được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.
Trở lại xưởng dệt lụa Cường Hoàn đúng vào thời điểm cơ sở đang bề bộn với xây dựng thêm nhà xưởng và nhà trưng bày. Anh Cường - chủ cơ sở đang tất bật đo vẽ và chỉ đạo thợ xây dựng.
Xưởng sản xuất của gia đình anh Nguyễn Văn Cường có quy mô khá lớn gồm 30 máy ươm, 8 máy dệt, 50 công nhân làm việc tại chỗ với mức thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, Hàng năm, cơ sở này đã giải quyết việc làm, thu nhập cho gần 1.000 lao động nhàn rỗi tại xã trong việc trồng dâu, nuôi tằm và bán kén tằm. Đó là chưa kể nếu hoạt động hết công suất, mỗi ngày cơ sở phải tiêu thụ đến 1 tấn kén, khi đó phải cần đến 3.000 lao động trồng dâu nuôi tằm quanh năm mới đủ nguyên liệu cho cơ sở hoạt động.
SỨC HÚT VÀ TIỀM NĂNG
Đưa chúng tôi tấm lụa vừa nhuộm màu xong, Anh Cường tiết lộ, chất lượng tơ ở đây được đánh giá rất cao; sợi đều, bóng không bị gai gút, độ dài tơ đơn thường đạt từ 800 đến 1.000m trong khi ở các vùng khác chỉ đạt tối đa là 500m.
Cơ duyên mà anh Nguyễn Văn Cường đến với nghề ươm tơ, dệt lụa cũng thật tình cờ. Sau năm 10 năm gắn bó với quân đội, năm 1990 anh Cường phục viên. Cũng như nhiều hộ dân đi xây dựng kinh tế mới khác, anh trồng dâu, nuôi tằm, bán tơ sống cho nhà máy dệt ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau nhiều năm tự học hỏi, đến năm 2000 gia đình anh Cường đã quyết định mở xưởng sản xuất, kết hợp với dịch vụ du lịch nhằm quảng bá sản phẩm lụa tơ tằm. Mỗi tháng trung bình cơ sở của anh đón tiếp khoảng 3.000 khách du lịch tham quan. Một du khách quốc tịch Mỹ vui vẻ: “Đến đây, được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm ra lụa theo phương pháp thủ công, thoải mái chụp ảnh, ghi hình, và đặc biệt là khách du lịch không phải trả bất cứ loại phí nào, thật tuyệt vời”.
Nhận xét về cơ sở chế biến tơ và dệt lụa Cường Hoàn, ông Hoàng Ngọc Trọng Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban, cho biết: “Đây là một trong những cơ sở tiểu thủ công nghiệp tư nhân làm ăn rất hiệu quả, và là cơ sở duy nhất trên địa bàn có sức hút rất lớn đối với du khách. Cơ sở Cường Hoàn không chỉ góp phần giải quyết công ăn việc làm ổn định cho rất nhiều lao động, mà còn giữ được nghề truyền thống của địa phương và của người Việt Nam nói chung”. Cũng theo ông Trọng, ngoài việc tạo công ăn việc làm cho nông dân, cơ sở Cường Hoàn còn quảng bá được hình ảnh của địa phương đi khắp nơi trên thế giới, đây là mô hình đáng nhân rộng.
Bên cạnh xưởng sản xuất, hiện nay, một nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm của gia đình anh đang được hoàn thành, đáp ứng nhu cầu làm việc, giới thiệu sản phẩm, tham quan của du khách. “Tới đây sẽ mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm, làm thêm tranh thêu lụa...”, anh Cường tiết lô:
Công nghệ ươm tơ, dệt lụa được cơ sở trang bị phục vụ cho sản xuất tuy chưa phải là công nghệ mới, nhưng hiện tại trên địa bàn huyện Lâm Hà, sản phẩm lụa Cường Hoàn, mang thương hiệu Cuong Hoan Silk đã được đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế biết đến. Thương hiệu đó ngày càng bay đi xa khẳng định sự thành công trong việc biết kết hợp sản xuất lụa tơ tằm khép kín gắn với hoạt động du lịch ở vùng đất đỏ Nam Tây Nguyên.
Nguồn : Báo DT&PT