Đoàn tàu cổ có từ thời Pháp ở Đà Lạt đã được phục chế nguyên trạng và đưa vào sử dụng vào ngày 4/12.
Sau hơn 3 tháng cố công phục chế, đoàn tàu có 4 toa đã thành đoàn tàu du lịch theo đúng kiểu dáng của đoàn tàu đã từng chạy trên tuyến Đà Lạt – Tháp Chàm (Ninh Thuận) ở những năm 30 của thế kỷ trước.
Mỗi toa tàu dài 6,5m có 18 chỗ ngồi ở hai dãy ghế và được đóng bằng gỗ từ sàn đến thân, cửa sổ lắp kính, có rèm che, tất cả được thiết kế theo kiểu dáng cổ xưa. Ông Ngô Minh Châu - Trưởng ga Đà Lạt, cho biết, tổng vốn đầu tư để phục chế những toa tàu này khoảng 1,5 tỷ đồng. Mỗi ngày có 5 chuyến đi từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát và ngược lại.
|
Khách du lịch thích thú bên chiếc đầu máy hơi nước cổ. Ảnh: Ngọc Nguyên |
Đoàn tàu cổ này có chiều dài 7 km chạy với tốc độ 15km/h. Tuyến đường sắt răng cưa độc đáo Đà Lạt – Tháp Chàm được đưa vào khai thác từ năm 1932 với lộ trình 84 km do Pháp xây dựng, và hoạt động đến cuối thập niên 60 của thế kỷ trước thì bị chấm dứt.
|
Bên trong một toa tòa vừa được phục chế. Ảnh: Ngọc Nguyên |
Đến năm 1991, ngành đường sắt đã khôi phục lại 7km từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát để phục vụ du khách. Công trình ga hỏa xa Đà Lạt là công trình kiến trúc cổ độc đáo với 3 mái vút cao xuất phát từ ý tưởng của hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Revéron mô phỏng ngọn núi Langbiang hùng vỹ, vòm mái nhà rông đặc trưng Tây Nguyên. Cùng với 4 toa xe chở khách, tại ga Đà Lạt vẫn còn chiếc đầu máy hơi nước Prairie 131-428 đen trùi trũi được sản xuất vào những năm 1930 tại Đức.
|
Ga Đà Lạt- phong cách kiến trúc hiện đại mà vẫn giữ được dấu ấn bản địa. Ảnh: Ngọc Nguyên.
|
Hiện ga hỏa xa Đà Lạt là một trong những nhà ga cổ, đẹp nhất Đông Dương và năm 2001 đã được công nhận là di tích kiến trúc cấp Quốc gia.
Nguồn : Vietnamnet