Chiến dịch làm trong sạch thị trường du lịch của Quảng Ninh vào tháng 4.2017 có hiệu quả ngay tức thì, nhưng không lâu sau đó, thị trường khách du lịch đường bộ Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái trở lại cảnh hỗn loạn với hình thái khác và tinh vi hơn.
Du khách Trung Quốc thăm chợ Hạ Long 1. Quản lý được các hoạt động lữ hành sẽ vừa thu được thuế, vừa bảo vệ được quyền lợi chính đáng của du khách. Ảnh: NGUYỄN HÙNG
Đó là: Các Cty lữ hành có trụ sở tại QN bị bật bãi; chỉ các cửa hàng sử dụng người Trung Quốc bán hàng mới được các đối tác Trung Quốc giao khách; nhiều cửa hàng sử dụng lao động Trung Quốc trái phép...
Vẫn không quản được nguồn thu
Dù các cơ quan, đơn vị liên quan đưa ra nhiều giải pháp, nhưng chủ yếu là trên giấy, nên những đối tác tham gia chuỗi tour “0 đồng” từ cả hai phía vẫn vô tư lọt “lưới”. Bởi, với những điểm bán hàng, dù yêu cầu phải thanh toán qua tài khoản của chủ cửa hàng, nhưng trong trường hợp thanh toán bằng tiền mặt thì các cơ quan chức năng cũng “bó tay”.
Hơn nữa, theo tìm hiểu của chúng tôi, khá nhiều cửa hàng sử dụng người Trung Quốc bán hàng nhằm trốn thuế dễ dàng, bởi việc thanh toán được thực hiện ngay trên điện thoại thông qua mạng WeChat của Trung Quốc.
Vì thế, các điểm bán hàng không sử dụng lao động Trung Quốc sẽ không được giao khách. “Chúng tôi quyết tâm chấn chỉnh hoạt động: chỉ bán hàng nội địa, có nguồn gốc, giá hợp lý và không sử dụng lao động nước ngoài. Tuy nhiên, kể từ đó, không còn nhận được một khách nào. Nhân viên chán nản, bỏ đi dần, sang làm cho các cửa hàng có nhân viên Trung Quốc” - một chủ cửa hàng tại Hạ Long chia sẻ.
Điều đáng nói, nhiều cửa hàng sử dụng lao động Trung Quốc trái phép, bởi họ sang Việt Nam bằng visa du lịch, nhưng ở lại làm việc.
Ngày 4.10.2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện tại cửa hàng của Cty Lavita, phường Hà Khẩu và điểm mua sắm Hương Đường Thăng Long ở phường Hùng Thắng, TP.Hạ Long có tổng cộng gần 30 lao động Trung Quốc.
Ông Nguyễn Hoài Sơn - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh - khẳng định: Tất cả số lao động trên đều không có giấy phép lao động và đã chuyển hồ sơ lên UBND tỉnh Quảng Ninh để xử lý.
Ngày 14.10.2017, các lực lượng chức năng lại phát hiện và lập biên bản 26 lao động Trung Quốc tại điểm bán hàng Việt Hưng, ở Tuần Châu do không xuất trình được giấy phép lao động.
Một nguồn thu lớn nữa - từ hoạt động lữ hành hiện các cơ quan chức năng cũng không quản được. Cho đến nay, “nhờ” sự bất cập trong chính sách, các Cty lữ hành có trụ sở tại Quảng Ninh đã hoàn toàn biến mất trong thị trường khách đường bộ Trung Quốc, nhường lại “đất” cho các Cty ngoại tỉnh. Lý do: Các Cty trong tỉnh bị áp giá sàn 1,5 triệu đồng/khách để tính thuế; phải bán tour trọn gói cho khách và phải khai báo thuế tại Quảng Ninh.
Trong khi đó, các Cty ngoại tỉnh, nhưng thực chất vẫn là người Quảng Ninh điều hành, không phải chịu bất kỳ điều kiện nào ở trên, nên thích khai và đóng bao nhiêu thuế thì tùy. Trong trường hợp bị xử lý, họ sẵn sàng thay Cty khác vào, vì thế, danh sách các Cty lữ hành liên tục xuất hiện những cái tên mới, trong đó có những Cty từ Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Khi nào thôi “đóng-mở-đóng”?
Thông tin với Lao Động từ biên giới Móng Cái, các đối tác Trung Quốc công bố giá tour 3 đêm, 4 ngày/khách áp dụng từ 27.10.2017 sẽ lên mức 700-780 NDT (tương đương 2,4 - 2,7 triệu đồng). Đây mới là giá trị thực để có thể trang trải cho một tour dài ngày như vậy, trong khi trước đó, giá tour có thời điểm xuống chỉ còn khoảng 100NDT (khoảng 340.000 đồng), thậm chí 0 đồng.
Lý do giá tour trở về giá trị thực là do ngày 25.10.2017, UBND TP.Hạ Long đã ra quyết định tạm đóng cửa 12 điểm bán hàng phục vụ du khách Trung Quốc do chưa hoàn thiện hồ sơ, tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí về quản lý thuế, hóa đơn… Mất nguồn bù lỗ và kiếm lãi khủng cho tour 0 đồng, buộc các đối tác hai bên phải tăng giá tour.
Đây là lần thứ hai giá tour trở về giá trị thực. Trước đó, vào tháng 5.2017, giá tour từ “0 đồng” vọt lên 700-800NDT nhờ “chiến dịch” làm trong sạch thị trường du lịch của Quảng Ninh, trong đó, hàng chục điểm bán hàng tại Móng Cái và Hạ Long bị đồng loạt đóng cửa.
Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra lâu nay, đại diện một số Cty lữ hành có trụ sở tại Quảng Ninh vẫn khá dặt dè. Bởi, “chiến dịch” dẹp “loạn” thị trường khách du lịch đường bộ Trung Quốc trước đó, với sự vào cuộc của tất cả các ban ngành, đem lại hiệu quả tức thì, nhưng không lâu sau đó, tình hình cơ bản lại trở về như cũ, thậm chí tệ hại hơn.
Ngay cả trong các thông cáo quảng cáo gửi các Cty lữ hành Việt Nam sáng 26.10, các đối tác Trung Quốc cũng cho biết: Nếu các điểm bán hàng được mở cửa trở lại, sẽ điều chỉnh giá tour.
Mức độ điều chỉnh giá như thế nào, có tồn tại được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền và các cơ quan chức năng, chứ không phải là một số cá nhân hai bên đang “giật dây”.
Giải pháp tạm đóng cửa các điểm bán hàng chỉ là bất đắc dĩ, bởi du lịch ở đâu cũng cần có các điểm mua sắm cho du khách. Nhưng, điều lạ lùng và vô lý là cho đến nay, giải pháp “đóng cửa” lại hữu hiệu nhất, trong khi luôn có một lực lượng hùng hậu tham gia quản lý các điểm bán hàng, như: Thuế, quản lý thị trường, công an, ngành du lịch, chính quyền các cấp…
Laodong