Xe buýt ở các thành phố là một loại phương tiện vận tải hành khách công cộng. Nhà nước thường có chính sách trợ giá hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh xe buýt, để người dân được hưởng thụ một tiện ích giao thông này với giá rẻ nhất. Xe buýt thỏa mãn nhu cầu đi lại của nhân dân, hạn chế dần các phương tiện cá nhân, nhất là xe máy để giảm thiểu sự ô nhiễm, kẹt xe, tai nạn giao thông…
|
Trạm chờ xe buýt thành nơi đậu xe ôm. |
Nếu so với tiêu chí chung, xe buýt Đà Lạt - Lâm Đồng đang còn một số vấn đề cần phải quan tâm. Ở đây chúng tôi chỉ nêu lên một số ý kiến về xe buýt Đà Lạt.
Bến:
Trước đây, bến xe buýt Đà Lạt đặt tại đường Phạm Ngũ Lão. Đây là một điểm ở ngay trung tâm thành phố, tiện cho hành khách, nhưng quá chật hẹp, không thích ứng với việc làm nơi đỗ, đậu một lúc mấy chục chiếc xe buýt (hầu hết là xe ca cỡ lớn).
|
Xe buýt trước khu triển lãm Hòa Bình. |
Thời gian gần đây, bến xe buýt được đưa vào ngã ba đường đi Thánh Mẫu - Thung Lũng Tình Yêu. Một bến xe đẹp, rộng rãi thoáng đãng, được rải bê tông nhựa, có hàng rào, cổng bảo vệ đường hoàng… nhưng xa khu vực trung tâm thành phố quá, không thuận lợi cho người sử dụng, nên đã có những bất cập. Một lần, bản thân người viết đi xe ôm vào bến mất 20.000đ để đi xe buýt Đà Lạt - Đơn Dương, nhưng đến nơi được người bảo vệ hướng dẫn hãy ra đón xe ở khu Hòa Bình. Tôi phải đi một chuyến xe ôm về phố!
Không biết khu Hòa Bình (trước phòng triển lãm) có được quy hoạch làm bến xe buýt hay không? Nhưng ở đây thực sự là một “bến xe buýt!”. Ở đây có lúc ba, hoặc bốn xe buýt cùng dừng lại, đón khách, với số hành khách hai bên đường đứng chờ xe làm khoảng đường rộng này trở nên quá chật, gây trở ngại lưu thông cho bộ hành và các phương tiện khác.
Tuyến:
Các tuyến xe buýt hầu hết là các tuyến đường dài, từ Đà Lạt đi Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc. Vô hình chung, xe buýt trở thành một loại xe khách nội tỉnh, chứ không nhằm phục vụ hành khách nội thành (duy nhất có tuyến Đà Lạt - Thái Phiên, cự ly 10km). Nhân dân ở một số đường phố có thể đi xe buýt khi đường phố ấy nằm trên lộ trình của xe buýt đường dài. Ví dụ khách Hoàng Văn Thụ có thể đi xe buýt tuyến Đà Lạt - Lâm Hà, khách ở đường 3.4 có thể đi xe buýt tuyến Đà Lạt - Đức Trọng/Di Linh/Bảo Lộc… Trong khi đó, có những con đường lớn, đông dân cư lại không có bóng dáng xe buýt, như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lê Hồng Phong, Triệu Việt Vương… Chuyện trái khoáy, bến xe ở Thung lũng Tình Yêu, xe lại đi đường Đinh Tiên Hoàng là đường nhà thưa, dân ít, trong khi cả con đường Bùi Thị Xuân đông đúc dân cư lại không được hưởng thụ dịch vụ này. Cũng xin nói thêm, ngay đầu đường Bùi Thị Xuân (gần khách sạn Trung Cang) có một trạm chờ xe buýt rất đường hoàng, hiện chỉ làm chỗ cho dân hàng rong và xe ôm chờ khách!
Trước đây có đến ba doanh nghiệp kinh doanh xe buýt, bây giờ chỉ còn Cty. Phương Trang và Cty CP Vận Tải Ô Tô Lâm Đồng. Nhiều đơn vị cùng khai thác một tuyến đường, chuyện giành nhau chạy, giành nhau đón khách là điều không thể tránh được. Có lần người viết bài này bị ngã, suýt chết tại một khúc cua khuất ở đèo Prenn vì hai xe buýt qua mặt nhau!
Một hôm, ngồi xe buýt Đơn Dương về Đà Lạt. Xe có xé vé, có kiểm tra đột xuất giữa đường…, nhưng vẫn có người bảo: Tài xế và người bán vé hưởng lương thời gian nên họ không quan tâm việc khách nhiều hay ít… Sự than phiền này có lẽ vì cung cách, thái độ của những người phục vụ chăng?
Người viết từng đi du lịch khắp Nha Trang gần một ngày bằng xe buýt. Đó là những phương tiện công cộng thật sự sạch sẽ, mát mẻ (có máy lạnh), chi phí rất rẻ (Cầu Đá - Diên Khánh: 4.000đ, Cầu Đá - Hòn Chồng: 3.000đ), lịch sự (người phục vụ sẵn sàng hướng dẫn khách đón buýt khác nếu đổi tuyến). Hầu như tất cả những đường phố chính đều có tuyến xe buýt đi qua. Đặc biệt, xe buýt Nha Trang chỉ dừng, đón và trả khách ở trạm rất văn minh và nề nếp.
Chúng tôi chỉ nêu lên những điều thấy được về xe buýt Đà Lạt - Lâm Đồng với trách nhiệm một công dân, chỉ mong rằng nét văn minh đô thị này ở Đà Lạt ngày được hoàn thiện hơn.
Nguồn : Báo Lâm Đồng