Kỳ 1: Việt Nam trên bản đồ du lịch Đông Nam Á
Du lịch Việt Nam đang chủ yếu khai thác những tài nguyên sẵn có
Theo
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Việt Nam là một trong ba quốc gia có
tốc độ tăng trưởng khách quốc tế cao nhất thế giới và là nước Đông Nam Á
duy nhất nằm trong top 15 quốc gia tăng hạng nhanh nhất. Tuy nhiên,
Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN (sau Thái Lan, Malaysia,
Singapore và Indonesia) về lượng khách quốc tế đến…
Cần phải
khẳng định lại rằng, trong khoảng thời gian 3 năm qua, từ năm 2015 –
2018, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng khá nhanh. Cụ
thể, đã tăng gấp 2 lần so với kết quả tích lũy suốt 55 năm trước đó,
tốc độ tăng trưởng liên tục đạt gần 30%/năm. Đây thực sự là “dấu son
chói lọi” của ngành Du lịch mà ít ngành kinh tế nào có thể có được nhưng
hiện tại, du lịch Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn để thu hút
hơn nữa khách quốc tế, đặc biệt đối với các đơn vị hoạt động du lịch.
Năm
2018 vừa qua, với sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý Nhà nước, sự cố gắng
không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch trên cả nước,
ngành Du lịch Việt Nam đã đón được trên 15,5 triệu lượt khách quốc tế,
phục vụ trên 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du
lịch đạt trên 620.000 tỷ đồng.
Với những kết quả đã đạt được, Du
lịch đã và đang trở thành một ngành công nghiệp quan trọng đối với Việt
Nam. Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng xác định du lịch là mảng quan
trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong giai
đoạn 2016 – 2020.
Theo nhận xét của các chuyên gia, du lịch của
Việt Nam liên tục tăng trưởng, trung bình khoảng 6,5% trong vòng 5 năm
qua và sẽ tiếp tục tăng trưởng. Dù vậy, ngành du lịch Thái Lan và
Singapore đã tăng lần lượt là 12% và 10% so với cùng kỳ. Thậm chí, lĩnh
vực du lịch của Lào cũng đã tăng 15%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng của du
lịch Việt Nam. Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam miễn visa song
phương và đơn phương cho 24 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong khi đó, Thái
Lan miễn cho 57 quốc gia, vùng lãnh thổ; số nước được miễn 30 ngày trở
lên của Việt Nam là 8, của Thái Lan là 55.
Đưa ra những con số ấy
để thấy rằng, giả như công tác xúc tiến, quảng bá của chúng ta “tương
đồng” với những nước trong khu vực có lượng khách quốc tế đến nhiều thì
“đầu vào” của chúng ta vẫn còn thua xa họ. Đó là chưa kể, theo nhận xét
của các chuyên gia, Thái Lan đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng và
quảng bá các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm và giải trí để giữ
chân du khách và tạo cho du lịch những sản phẩm du lịch đặc thù.
Hay
như Singapore, họ chọn cách thức quảng bá du lịch thông qua chuyện kể
bởi chính người dân đảo quốc này khi mà các điểm du lịch của quốc đảo
này chủ yếu là công trình nhân tạo cùng các khu trung tâm thương mại xa
hoa. Để làm mới câu chuyện, chiến lược du lịch của quốc đảo sư tử này
lại tập trung vào nguồn lực con người, nhằm vẽ nên một bức tranh hiện
đại hoa lệ nhưng cũng giàu tính lịch sử văn hóa. Kể cả những nước đứng
sau Việt Nam về du lịch như Campuchia hay Myanmar, cũng có câu chuyện
đầy bản sắc riêng với Angkok và Bagan.
Trong khi đó, theo đánh giá
của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam có ưu thế lớn về tài
nguyên thiên nhiên và văn hóa trong phát triển du lịch. Đó là chưa kể,
Việt Nam còn sở hữu các di sản văn hóa phi vật thể (nhã nhạc, cồng
chiêng Tây Nguyên, hát ả đào...) được xếp vào top 13 toàn thế giới, đây
cũng là thứ hạng cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, cũng trong báo cáo
WEF, Việt Nam lại tụt rất xa trong các tiêu chí và chủ yếu khai thác
những tài nguyên sẵn có.
Thuận Phong