Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 2226/VPCP-KGVX, thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long về việc tôn tạo khu di tích Đền Đô tại phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo việc lập, tổ chức thẩm định và phê duyệt dự án theo quy định hiện hành. Trước khi phê duyệt, Dự án phải được Bộ VH,TT&DL thẩm định về chuyên môn. UBND tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc xây dựng, tôn tạo Khu di tích thực hiện đúng dự án được phê duyệt.
Đền Đô (còn gọi là Đền Lý Bát Đế hoặc Cổ Pháp điện) là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng thờ tám vị vua đầu tiên của nhà Lý. Đền thờ tám vị vua nhà Lý, đó là: Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009-1028); Lý Thái Tông (1028-1054); Lý Thánh Tông (1054-1072); Lý Nhân Tông (1072-1128); Lý Thần Tông (1128-1138); Lý Anh Tông (1138-1175); Lý Cao Tông (1175-1210) và Lý Huệ Tông (1210-1224).
Đền Đô được khởi dựng từ thế kỷ XI trên đất làng Đình Bảng (Từ Sơn - Bắc Ninh) - nơi phát tích nhà Lý, rồi được liên tục tôn tạo, mở rộng vào nhiều thế kỷ sau. Đền Đô rộng 31.250m², gồm hơn 20 hạng mục công trình với trung tâm là điện thờ, nơi đặt bài vị thờ tám vị vua nhà Lý; xung quanh có nhà chuyển bồng, nhà tiền tế, nhà phương đình, nhà bia, nhà để kiệu thờ, cửa rồng... Tất cả đều được xây dựng công phu, đắp vẽ chạm khắc tinh xảo, tài nghệ.
Đền Đô được xây dựng rất quy mô và bề thế. Nội thất gồm nhà hậu cung đặt ngai thờ và bài vị tám vị vua nhà Lý, kiến trúc theo kiểu nhà chuyển bồng đao cong mềm mại thanh thoát, bao quanh nội thất là tường gạch. Ngoại thất gồm nhà vuông, kiến trúc kiểu chồng diềm tám mái, đao cong gồm: nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách, đền thờ thân mẫu Lý Công Uẩn. Từ cửa đi thẳng tới sát bờ hồ bán nguyệt là nhà rối (thủy đình); phía ngoài cùng, bên hồ bán nguyệt là nhà bia, hai bên là nhà văn chỉ và võ chỉ.
Lễ hội Đền Đô được tổ chức vào các ngày 15, 16, 17 tháng 3 âm lịch hằng năm nhằm kỷ niệm ngày Lý Công Uẩn đăng quang (ngày 15/3 năm Canh Tuất 1009). Đây là ngày hội lớn thu hút nhiều khách hành hương, thể hiện lòng thành kính và nhớ ơn của người dân Việt đối với các vua Lý.
Với vị thế, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Việt và in đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đền Đô đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa ngày 25/01/1991.
Nguồn : Cinet