TP Tam Kỳ (Quảng Nam) hiện đang sở hữu 2 di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia và 18 di tích cấp tỉnh, tất cả đều được bảo vệ nguyên trạng trên vị trí và diện tích đất ban đầu. Nhiều di tích trong số này hiện đang được TP quan tâm đầu tư kinh phí để trùng tu tôn tạo nhân kỷ niệm 105 năm thành lập Phủ lỵ Tam Kỳ.
Văn Thánh Khổng Miếu tại P. Tân Thạnh-TP Tam Kỳ là một trong hai di tích cấp Quốc gia và là một trong 8 Văn thánh cuối cùng còn lại của Quảng Nam, được xây dựng vào năm Canh Tý, Minh Mạng thứ hai 1840 - là nơi chiêm bái ghi nhớ công ơn các vị hiền Triết. Ban đầu Văn thánh đặt tại Chiên Đàn, năm 1963 được chuyển về làng Mỹ Thạch, Kỳ Hương, Quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín, nay là P. Tân Thạnh - Tam Kỳ. Văn Thánh - Khổng Miếu là một phần quần thể kiến trúc lịch sử văn hóa nghệ thuật độc đáo, hội tụ đầy đủ những nét truyền thống văn hóa dân gian, dân tộc, di tích gồm gian chính điện và hai gian thờ tả - hữu, cột kèo được làm bằng gỗ lim, gỗ mít chạm trổ công phu, mái lợp ngói âm dương, trên mái có hình "nhị long tranh châu". Năm 2003, TP đã đầu tư hơn 750 triệu đồng để trùng tu, phục dựng các kiến trúc.
Hiện nay, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia và ngân sách TP, TT VHTT đang triển khai dự án trùng tu, tôn tạo với tổng số vốn đã được phê duyệt gần 6,5 tỷ đồng để mở rộng Văn thánh Khổng miếu về phía Tây Nam, dự kiến sẽ khởi công từ ngày 28 đến 30/8/2011 nhân Kỷ niệm 105 Phủ lỵ Tam Kỳ. "Di tích Văn Thánh Khổng Miếu có tuổi đời hơn 300 năm, có ý nghĩa to lớn, trước hết là kiến trúc nghệ thuật; thứ hai là tôn vinh truyền thống nho giáo hiếu học; nơi tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian. Năm 2011, Trung tâm Văn hóa thành phố đã tiếp tục tham mưu UBND TP đầu tư hơn 6 tỷ đồng để tôn tạo, trùng tu yếu tố gốc của di tích, mọi việc đã hoàn thành và sẽ bắt đầu khởi công vào cuối tháng 8 năm nay.
Ngày nay, ngay tại khuôn viên trụ sở UBND P. An Mỹ vẫn còn lưu lại một di tích lịch sử cấp tỉnh-Phủ đường Tam Kỳ-là nơi từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, những cuộc đấu tranh của nhân dân Quảng Nam chống ách thống trị thực dân phong kiến như: Cuộc biểu tình chống sưu cao thuế nặng vào năm 1908; phong trào khởi nghĩa Việt Nam Quân Phục Hội (1916) hay phong trào quần chúng nổi dậy cướp chính quyền (19/8/1945)... Công trình Nhà bia Phủ lỵ đã được khởi công vào ngày 20/6 vừa qua, hiện tại tiến độ đã đạt 80% phần việc. Theo kế hoạch, ngày 25/8 sẽ khánh thành đưa vào phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí, tìm hiểu lịch sử địa phương cho người dân chào mừng lễ kỷ niệm 105 năm Phủ lỵ. Trong thời gian này, cùng với hai di tích Văn Thánh Khổng Miếu và Phủ lỵ Tam Kỳ, di tích Mộ cụ Trần Thuyết tại KP1-P. An Sơn cũng đang được TP quan tâm đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo giai đoạn 2 với các hạng mục tường rào, cổng ngõ, sân nền, sơn mới nhà bia.
Nguồn : Báo CAĐN