ThS. PHẠM QUỐC TUẤN - TS. PHẠM HỒNG LIÊM - TS. ĐOÀN ANH TÚ
(Khoa Du lịch, Trường Đại học Khánh Hòa)
TÓM TẮT:
Chương trình đào tạo được xây dựng theo phương pháp tiếp cận
CDIO (Conceive - hình thành ý tưởng; Design - thiết kế ý tưởng; Implement - thực
hiện; Operate - vận hành) đang là xu hướng trong việc cải cách phát triển
chương trình giáo dục cho các trường đại học tại Việt Nam. Bài báo nghiên cứu tổng
quát các bước thiết kế và phát triển chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp
cận CDIO thông qua kinh nghiệm thực tế trong việc thiết kế chương trình đào tạo
ngành Du lịch, tại Trường Đại học Khánh Hòa.
1. Đặt vấn đề
Ngày nay, các trường đại học trên thế giới đang áp dụng ngày
càng rộng rãi hơn mô hình CDIO và những ưu điểm, hiệu quả của nó đã được khẳng
định, kiểm chứng qua thời gian, thực tiễn ở nhiều trường khác nhau.
CDIO rất hữu ích trong việc triển khai chương trình đào tạo
hiệu quả, là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đại học.
CDIO với 12 tiêu chuẩn là giải pháp tổng thể cho toàn bộ quá trình đào tạo nhằm
nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bao gồm: việc xây dựng
chuẩn đầu ra, thiết kế chương trình đào tạo, triển khai chương trình đào tạo và
đánh giá hiệu quả của chương trình đào tạo để cải tiến và hoàn thiện chúng.
Việc cải tiến, đổi mới các ngành đào tạo về phương pháp đào
tạo, cách thức triển khai đào tạo và đánh giá cải tiến dựa trên cơ sở xác định
nội dung và mức độ kiến thức, kỹ năng, phẩm chất đạo đức toàn diện của sinh
viên khi tốt nghiệp đã được Trường Đại học Khánh Hòa hết sức chú trọng. Hiện tại,
Nhà trường đã rà soát, bổ sung, cập nhật và hoàn thiện theo phương pháp tiếp cận
CDIO cho một số chương trình đào tạo bậc đại học, trong đó có bộ môn Quản trị dịch
vụ du lịch và lữ hành - Khoa Du lịch.
2. Thực tế việc triển khai xây dựng chương trình đào tạo
theo CDIO cho ngành Du lịch tại Trường Đại học Khánh Hòa
Đào tạo theo phương pháp CDIO đòi hỏi phải đầu tư và tối ưu
hóa sử dụng về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thời gian, kinh phí và các
nguồn lực khác. Do vậy, với Trường Đại học Khánh Hòa - một trong những trường
đào tạo có danh tiếng về ngành Du lịch, việc triển khai xây dựng chương trình
đào tạo theo CDIO đối với bộ môn Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đã được thực
hiện từng bước rất bài bản. Cụ thể như sau:
Một là, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Nhà trường, Trưởng khoa
Du lịch thành lập nhóm và chỉ định Trưởng nhóm chuyên gia xây dựng chương trình
đào tạo. Thành phần nhóm chuyên gia gồm các đại diện cho: các cơ sở sử dụng
sinh viên tốt nghiệp; giảng viên trong khoa; cán bộ quản lý các cấp; các chuyên
gia trong và ngoài nước liên quan đến ngành đào tạo; sinh viên và cựu sinh
viên.
Hai là, Nhóm chuyên gia nghiên cứu các chương trình hiện
hành của ngành Du lịch (trong và ngoài Trường Đại học Khánh Hòa), đề xuất các ý
kiến tham khảo chuyên gia và dựa vào chuẩn đầu ra dự kiến khung chương trình
đào tạo với các khối kiến thức hoặc các module môn học trong từng khối kiến thức/module
và mối liên hệ giữa các môn học. Sản phẩm của bước này là Dự thảo chương trình
đào tạo lần thứ nhất.
Ba là, Nhóm chuyên gia thảo luận thiết kế phiếu điều tra, lập
kế hoạch điều tra khảo sát, xác định thông tin cần thu thập, các đối tượng và
thời gian điều tra khảo sát, dự toán kinh phí điều tra khảo sát, tập huấn, tiến
hành điều tra thử và điều chỉnh phiếu điều tra,… đồng thời tiến hành điều tra
khảo sát các nhóm đối tượng có liên quan như đối tượng điều tra khảo sát chuẩn
đầu ra. Trên cơ sở xử lý phiếu điều tra và thông tin liên quan, hoàn thiện
chương trình đào tạo để xây dựng Dự thảo chương trình đào tạo lần thứ hai.
Bốn là, tổ chức xây dựng chuẩn đầu ra cho từng môn học trong
Dự thảo chương trình đào tạo lần thứ hai theo chuẩn đầu ra đã được phê duyệt
theo trình tự sau:
- Trưởng khoa Du lịch tổ chức hội thảo về xây dựng chuẩn đầu
ra cho các môn học trong chương trình.
- Từ chuẩn đầu ra của chương trình, chủ nhiệm bộ môn tổ chức
xây dựng chuẩn đầu ra cho từng môn học.
- Trưởng khoa tổ chức họp Hội đồng khoa học đào tạo đánh giá
chuẩn đầu ra các môn học.
- Chủ nhiệm bộ môn Quản trị kinh doanh dịch vụ và lữ hành tổ
chức điều chỉnh chuẩn đầu ra theo kết luận của Hội đồng khoa học đào tạo. Kết
quả của bước này là chuẩn đầu ra tích hợp trong các môn học của chương trình
đào tạo đề xuất.
Năm là, xây dựng ma trận phát triển kiến thức kỹ năng hay
trình tự đào tạo các môn học hay lược đồ phát triển kiến thức, kỹ năng. Hội đồng
khoa học đào tạo khoa Du lịch xác định trình tự thực hiện các khối kiến thức và
các môn học đạt chuẩn đầu ra một cách tối ưu. Trình tự các môn học mô tả rõ sự
phát triển kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đạo đức qua nghiên cứu, học tập ở 1
hoặc nhiều môn học trong từng giai đoạn nhất định, hoặc trong toàn bộ quá trình
đào tạo. Sản phẩm của bước này là ma trận phát triển kiến thức, kỹ năng ứng với
trình tự thực hiện các môn học đã xác định. Kết quả tổng hợp của ma trận chuẩn
đầu ra này giúp xác định trình tự phát triển các kiến thức, kỹ năng, phẩm chất
đạo đức và năng lực áp dụng kiến thức vào thực tiễn và là cơ sở để hoàn thiện Dự
thảo chương trình đào tạo lần hai.
Sáu là, Chủ nhiệm Khoa tổ chức hội thảo rộng để lấy ý kiến
đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, cơ sở tuyển dụng sinh
viên tốt nghiệp, giảng viên, sinh viên và cựu sinh viên,… đồng thời hoàn thiện
chương trình đào tạo nói trên. Sản phẩm bước này là Dự thảo chương trình đào tạo
lần ba.
Bảy là, Hội đồng Khoa học đào tạo Khoa thẩm định, đối chiếu
chương trình đào tạo với chuẩn đầu ra, các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng và
góp ý hoàn chỉnh chương trình đào tạo ứng với việc định vị nghề nghiệp của sản
phẩm đào tạo. Sản phẩm của bước này là Chương trình đào tạo hoàn chỉnh.
Tám là, lãnh đạo đơn vị đào tạo (trường đại học hay khoa trực
thuộc) trình chương trình đào tạo hoàn chỉnh để lãnh đạo Nhà trường phê duyệt
và chính thức ban hành chương trình đào tạo.
Thực tiễn tại Trường Đại học Khánh Hòa cho thấy, hàng năm,
Nhà trường đều có kế hoạch rà soát lại chương trình các ngành đào tạo, điều chỉnh,
bổ sung và hoàn thiện để đảm bảo cam kết của Nhà trường về chuẩn đầu ra, chất
lượng sản phẩm đào tạo đáp ứng cao yêu cầu của xã hội. Hơn nữa, đối với ngành
Du lịch, việc đánh giá hiệu quả chương trình đào tạo cần các minh chứng về dữ
liệu đầu vào, các quy trình và các dữ liệu đầu ra. Dữ liệu đầu vào gồm: chuẩn đầu
ra, chương trình đào tạo, đề cương môn học, phương pháp giảng dạy, học tập, kiểm
tra, đánh giá, hiện trạng sử dụng cơ sở vật chất cùng các nguồn lực khác. Các
quy trình bao gồm: quy trình giảng dạy, đánh giá, bản thân việc đánh giá chất
lượng và hiệu quả của chương trình.
3. Kết luận và kiến nghị
Từ năm 2010, Trường Đại học Khánh Hòa đã tiến hành tổ chức
các khóa tập huấn CDIO nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt yêu cầu của
xã hội. Các khóa tập huấn nhằm giúp cho việc xây dựng chuẩn đầu ra của ngành học;
xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra; triển khai đào tạo;
kiểm tra, đánh giá và hoàn thiện các chương trình đào tạo bằng phương pháp tiếp
cận CDIO. Đối với ngành Du lịch, dù lúc đầu triển khai còn nhiều khó khăn,
nhưng với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ, giảng viên bộ môn Quản trị kinh
doanh dịch vụ du lịch và lữ hành - Khoa Du lịch, dưới sự chỉ đạo sâu sát của
lãnh đạo Nhà trường, các chương trình đào tạo ngày càng hoàn thiện hơn, theo
đúng 12 tiêu chuẩn CDIO.
Trong bối cảnh hiện nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19,
nên phải triển khai giảng dạy, học tập bằng hình thức online, nhưng chất lượng
đào tạo không giảm sút, tỷ lệ hài lòng của sinh viên đối với từng giảng viên
trong Khoa luôn đạt từ 90% trở lên.
Thời gian sắp tới, cùng với sự phát triển không ngừng của
kinh tế, xã hội đất nước và thế giới, xu hướng du lịch hậu đại dịch Covid-19 đặt
ra yêu cầu thực tiễn cho Nhà trường và Khoa Du lịch phải cung cấp nguồn nhân lực
chất lượng cao và làm việc theo cách thức mới. Do đó, để tiếp tục nâng cao chất
lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, từ phương diện xây dựng, phát triển
chương trình đào tạo theo CDIO, bộ môn Quản trị kinh doanh dịch vụ du lịch và lữ
hành, Khoa Du lịch và Trường Đại học Khánh Hòa nên nghiên cứu và thực hiện một
số yêu cầu sau:
Một là, tiếp tục rà soát chương trình đào tạo, đảm bảo
chương trình đào tạo được xây dựng theo CDIO, phải nâng được số điểm trong từng
thang đánh giá của 12 tiêu chuẩn. Như vậy, chất lượng đào tạo mới tiếp tục nâng
cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người học.
Hai là, bản thân từng giảng viên cũng cần phải bám sát CDIO
trong từng bài giảng của mình, thông qua các giờ giảng, bằng nhiều cách thức
khác nhau, thường xuyên lấy ý kiến của người học để nâng cao chất lượng giảng dạy
của mình, cũng như nâng cao khả năng nghiên cứu để tăng lượng kiến thức chuyên
môn, kỹ năng truyền đạt, tăng hứng thú cho người học.
Ba là, với bộ môn Quản trị kinh doanh dịch vụ du lịch và lữ
hành, hàng năm, cần chủ động rà soát chương trình đào tạo theo CDIO, xem xét
chương trình học phần nào còn bất cập và kịp thời đề xuất Khoa Du lịch, Trường
Đại học Khánh Hòa chỉnh sửa. Bên cạnh đó, cập nhật những kiến thức mới vào các
học phần, không ngừng nâng cao thang điểm đánh giá trong từng tiêu chuẩn của
CDIO đối với từng học phần để chất lượng chương trình ngày càng cao hơn.
Bốn là, Nhà trường tiếp tục quan tâm đầu tư, sửa sang, xây mới
cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thực tiễn
ngành Du lịch và người học. Cần có thêm nhiều hơn nữa phòng thực hành tiêu chuẩn
5 sao để sinh viên sớm tiếp cận, giúp cho các em sau khi ra trường, làm việc tại
các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn không bỡ ngỡ, lúng túng.
Năm là, Nhà trường cần tiếp tục duy trì và tăng cường mối
quan hệ với các chuyên gia, các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn để tiếp
tục nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp tục phát triển chương trình đào tạo theo
CDIO trong những năm sắp tới.
Tài liệu tham khảo:
Đại học Quốc gia Hà Nội (2010). Hướng dẫn số 3109/HD-ĐHQGHN
ngày 29/10/2010, về xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo theo chuẩn đầu
ra ở Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đặng Quốc Bảo (2012). Giá trị và thứ hạng một số chỉ số phát
triển của Việt Nam trong sự so sánh với 8 nước có quan hệ gần với ta. Tạp chí
Khoa học Giáo dục, số 76, tháng 1/2012.
Phan Văn Kha (2011). Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục
theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 74, tháng 11/2011.
Phạm Đỗ Nhật Tiến (2011). Đổi mới căn bản và toàn diện: Giai
đoạn phát triển mới về chất của giáo dục Việt Nam. Tạp chí Khoa học Giáo dục, số
74, tháng 11/2011.
Phạm Minh Hạc (2011). Triết lý giáo dục thế giới và Việt
Nam. NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
Phạm Minh Hạc (2011). Một số vấn đề giáo dục Việt Nam đầu thế
kỷ XXI. NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
USING THE CDIO METHOD TO DEVELOP TOURISM PROGRAM
IN KHANH HOA UNIVERSITY
Master. PHAM QUOC TUAN
PhD. PHAM HONG LIEM
PhD. DOAN ANH TU
Faculty of Tourism, Khanh Hoa University
ABSTRACT:
Using the Conceiving – Designing – Implementing – Operating
(CDIO) method to develop training programs is a trend in the reform and
educational program development processes of universities in Vietnam. This
paper presents an overview about steps of designing and developing a training
program by using the CDIO method, and experience of Khanh Hoa University in
implementing the CDIO method to develop its tourism program.
Keywords: CDIO, training program, tourism program, Khanh Hoa
University.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng
dụng công nghệ,
Số 23, tháng 10 năm 2021