Muốn du lịch phát triển bền vững, điều cần nhất là phải đầu tư cơ sở hạ tầng cho phù hợp và đồng bộ. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay việc đầu tư hạ tầng du lịch chưa được như mong muốn.
Theo Dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, vào năm 2015, Việt Nam sẽ đón khoảng 12 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 28 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu từ du lịch đạt 8,9 tỷ USD; đến năm 2020 đạt 15,9 tỷ USD.
Đầu tư manh mún và dàn trải
Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu thực tế và thiếu sự liên kết đầu tư khai thác hạ tầng du lịch. Vì vậy, các địa phương không cân đối được nguồn vốn, khiến nhiều công trình hạ tầng du lịch bị kéo dài thời gian, không theo kịp tiến độ dự kiến. Nhiều công trình trình lãng phí do thiếu quy hoạch chung. Đơn cử, trong lĩnh vực bất động sản du lịch, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) là DN đã đầu tư vốn khá lớn. Hiện nay, Saigon Tourist có 70 khách sạn, khu nghỉ dưỡng và đang triển khai thêm nhiều dự án: khách sạn 4 sao Sài Gòn - Vĩnh Long (diện tích 2.300m2, tổng vốn đầu tư 157 tỷ đồng), khách sạn 4 sao Sài Gòn - Rạch Giá (10 tầng, 111 phòng ngủ, tổng vốn đầu tư 177 tỷ đồng), khu du lịch 5 sao Sài Gòn - Phú Quốc (diện tích đất 205ha, 905 phòng khách sạn, có sân golf 27 lỗ, tổng vốn đầu tư 85 triệu USD)... Tuy vậy, theo ông Trần Hùng Việt- Tổng giám đốc Saigon Tourist, quá trình đầu tư phát triển hạ tầng du lịch còn gặp nhiều trở ngại, có những địa phương chưa quan tâm hỗ trợ DN.
Mặt khác, việc đầu tư vào hạ tầng giao thông của ngành đã bộc lộ nhiều bất hợp lý. Mới đây, với nhu cầu tạo lợi thế phát triển du lịch, tỉnh An Giang đã đề nghị xây dựng sân bay. Sau đó nhiều tỉnh khác cũng đề nghị xây dựng sân bay dù chỉ cách sân bay hiện hữu ở tỉnh lân cận chưa đến 100km.
Theo các chuyên gia, phát triển giao thông để hỗ trợ ngành du lịch cần phải phù hợp với nhu cầu thực. Ở các tỉnh, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không rất ít, nếu xây sân bay nhưng mỗi ngày chỉ có một, hai chuyến bay thì chắc chắn lỗ.
Thực tế kết quả kiểm tra mới đây cho thấy, các sân bay địa phương đều lỗ nặng. Đây là một bài học đắt giá về việc quy hoạch phát triển hạ tầng du lịch. Thay vì đầu tư sân bay với số vốn hàng nghìn tỷ đồng, các tỉnh có thể huy động vốn đầu tư vào giao thông đường bộ, đường thủy, khắc phục hiện trạng giao thông chưa kết nối, gây mất nhiều thời gian vận chuyển khiến du khách ngần ngại - các chuyên gia kinh tế khuyến cáo.
Theo ông Trần Đạt Duy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long, việc đầu tư hạ tầng du lịch tại các địa phương còn dàn trải, thiếu quy hoạch tổng thể, chưa có sự liên kết vùng để định hướng xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với đặc điểm riêng của ngành du lịch, đặc biệt là về giao thông. Việc xây dựng hệ thống giao thông phải phù hợp với yêu cầu của từng khu vực. Nếu muốn khai thác tiềm năng du lịch của từng địa phương, vấn đề cần nhất là phải lập lại quy hoạch vùng, xây dựng hệ thống giao thông ngoài tuyến đường quốc lộ để nối liền các địa phương.
Cần có quyết sách mạnh mẽ.
Theo Phó Giáo Sư.Tiến Sĩ Phạm Trung Lương- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, mặc dù kết quả thu nhập du lịch là đáng ghi nhận, nhưng tỷ lệ đóng góp GDP du lịch trong tổng GDP cả nước còn thấp, chưa tương xứng với mục tiêu chiến lược đặt ra là ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Lương cho rằng, chúng ta cần rút ra một số bài học cho phát triển du lịch giai đoạn tiếp theo. Trên cơ sở đó, xây dựng và thực hiện những quyết sách mạnh mẽ về tổ chức, quản lý, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và xúc tiến quảng bá du lịch. Trước mắt, để thu hút khách du lịch, sẽ tập trung xây dựng các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng, theo các phân đoạn thị trường. Trong đó, đặc biệt chú trọng khai thác du khách đến từ các thị trường gần như ASEAN và Đông Bắc Á có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày với những sản phẩm mới như: du lịch hội thảo, du lịch chữa bệnh, làm đẹp...
Theo ông Lương cần phải tiếp tục duy trì khai thác các thị trường khách truyền thống như: Tây Âu, Bắc Mỹ, Bắc Âu, Australia cùng các thị trường mới nổi như các Nga, Ukraina, Belarus. Thêm vào đó là nghiên cứu thu hút khách từ các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Mỹ La tinh, Nam Phi và Trung Đông với các sản phẩm du lịch cao cấp. Tới đây hoạt động xúc tiến, quảng bá cũng cần phải được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu các thị trường, chuyển từ xúc tiến hình ảnh sang xúc tiến cho các sản phẩm và thương hiệu cụ thể như phát triển du lịch biển và ven biển, các sản phẩm du lịch gắn với văn hoá - lịch sử.
Tại nhiều diễn đàn về phát triển du lịch, đã có nhiều ý kiến lưu ý: Việc lập lại quy hoạch hạ tầng du lịch cần phải giao cho những người làm quy hoạch có hiểu biết về du lịch thực hiện, tránh để xảy ra tình trạng lập quy hoạch khống, vì sẽ không thể nào đầu tư, khai thác được.
Để làm được điều đó, nhà nước cần hỗ trợ các địa phương tạo ra mối liên kết quy hoạch lại cơ sở hạ tầng giao thông cùng các yếu tố hỗ trợ khác cho ngành du lịch, vì nếu mỗi địa phương làm quy hoạch riêng sẽ không ổn về tính đồng bộ chung. Sau khi đã có quy hoạch cả vùng, các địa phương sẽ triển khai đúng theo tinh thần của quy hoạch. Mô hình này được hiểu như hợp tác công- tư trong phát triển du lịch. Nghĩa là, cơ chế liên kết giữa đại diện nhà nước với khu vực tư nhân theo mô hình tham gia, đại diện, góp vốn, chuyển giao, BOT, BT; tham gia trong tư vấn hoạch định chính sách (Hội đồng tư vấn phát triển du lịch); quỹ xúc tiến phát triển du lịch.
Ông Trần Việt Hùng - Tổng giám đốc Saigon Tourist cho rằng, việc DN ngành du lịch đầu tư hạ tầng phục vụ lưu trú sẽ không thể có hiệu quả nếu địa phương chưa đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị (điện, nước. đường giao thông, bến bãi…). Vì vậy, hợp tác theo mô hình công- tư sẽ là “cú hích” giúp ngành du lịch chia sẻ trách nhiệm trong thực hiện chương trình phát triển như: xúc tiến, quảng bá, phát triển thương hiệu, phát triển nguồn nhân lực; huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho hoạt động chung của vùng, quốc gia. Từ đó, địa phương và DN sẽ có hướng phân bổ các khu nghỉ dưỡng, khách sạn ở các địa điểm thích hợp với trục giao thông nối kết các khu du lịch này. Đồng thời, qua đó các địa phương cũng sẽ có được bản đồ chung xây dựng các loại hình du lịch khác biệt để du khách khi đã tham gia tour có thể đi hết các khu du lịch trong vùng, không bị nhàm chán do trùng lắp.
Nguồn : Vccinews