Điều này cho thấy, các chiến lược phát triển bền vững, lâu dài cũng như chính sách đầu tư cho du lịch còn hạn chế.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố Chỉ số phát triển du lịch
và lữ hành (TTDI) năm 2023, được xếp hạng dựa trên 5 nhóm chính với 17
lĩnh vực để chấm điểm. Trong đó, điểm thấp nhất của ngành du lịch Việt
Nam năm 2023 là hạ tầng dịch vụ (2,2 điểm, hạng 80) và tác động kinh tế -
xã hội của ngành du lịch (2,95 điểm, hạng 115). Đây là một kết quả
không mấy tích cực, phần nào lột tả những tồn tại của ngành du lịch Việt
Nam bấy lâu nay.
Thực tế, những năm gần đây, cơ sở hạ tầng du lịch của Việt Nam đã
được đầu tư đáng kể. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để giải quyết tình
trạng hàng không quá tải, đường bộ kẹt cứng, cảng biển phục vụ du khách
thiếu hụt trầm trọng… Tiếp đến là số lượng khách sạn, cơ sở lưu trú đạt
chuẩn ở các địa phương chưa tương xứng với lượng tăng trưởng du khách.
Rồi hệ thống dừng nghỉ trên đường tới các địa điểm du lịch ở Việt Nam
còn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, chưa được quy hoạch đồng bộ.
Sự quá tải, thiếu đồng bộ của chỉ số hạ tầng dịch vụ, cũng chính là
nguyên nhân sâu xa khiến chỉ số tác động kinh tế - xã hội của du lịch
còn thấp. Theo các chuyên gia, kết quả xếp hạng của WEF cũng phản ánh du
lịch Việt Nam đang thiếu các chiến lược phát triển trong việc thúc đẩy
du lịch bền vững, lâu dài cũng như chính sách đầu tư cho du lịch còn hạn
chế.
Công tác quản lý với các chính sách ưu tiên cho du lịch mặc dù đã cải
thiện nhưng vẫn còn những điểm lạc hậu so với các nước trong khu vực và
thế giới. Vấn đề xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch cũng còn
nhiều bất cập... Tất cả những yếu tố kể trên trở thành rào cản lớn khiến
cho tỷ lệ khách du lịch quay lại các điểm tham quan, nghỉ dưỡng lần hai
khá khiêm tốn.
Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết
số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị. Chiến lược phát triển du
lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam đón
ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa; đến
năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội
địa. Để đạt mục tiêu này, du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy,
cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả.
Các DN cần cùng nhau khai thác tốt nhất cơ hội; nhận diện, hóa giải
khó khăn; khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, các giá trị văn hóa
truyền thống của dân tộc thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn. Các
dịch vụ cũng cần thường xuyên được đổi mới, sáng tạo; công tác quảng bá
cần tích cực, có trọng tâm, trọng điểm, đi theo xu thế của thời đại về
chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Song song đó, cũng cần quy hoạch lại tổng thể các điểm du lịch, nhằm
hạn chế ô nhiễm môi trường thiên nhiên. Ngoài ra, việc đổi mới sản phẩm
du lịch, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng, hoàn thiện chính sách phát
triển du lịch bền vững cũng là những vấn đề được đặt ra. Nhưng có lẽ
giải pháp căn cơ, quan trọng nhất vẫn là cơ chế, chính sách, hành lang
pháp lý sao cho thật sự thông thoáng và phù hợp, bảo đảm sự cân bằng,
hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá
trị văn hóa truyền thống.