Việc tập trung điều tra, nghiên cứu các di tích lịch sử cách mạng đã
góp phần quan trọng tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền
thống cách mạng trong công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng
đất nước đối với mỗi thế hệ người dân. Đồng thời, việc tranh thủ khai
thác thông tin qua nhân chứng hoặc người trực tiếp tham gia vào các sự
kiện cách mạng sẽ giúp cho các cứ liệu lịch sử bảo đảm tính chính xác
cao. Di tích được xếp hạng kịp thời sẽ tránh được tình trạng xâm hại,
xâm lấn và tinh thần, trách nhiệm bảo vệ, xây dựng di tích của các cấp,
ngành, nhân dân được nâng lên theo quy định của Luật Di sản…
Đi đôi với công tác nghiên cứu, xếp hạng di tích, việc chống xuống
cấp, tu bổ, tôn tạo, xây mới các di tích đã được chú trọng. Điển hình là
các di tích cách mạng cấp quốc gia như: Khu mộ Nguyễn Thái Học và các
cộng sự trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái tháng 2/1930; Cụm di tích Chiến
khu Vần-Dọc; Di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ; Di tích đèo Lũng Lô; nơi
thành lập Đội du kích Khau Phạ; Di tích Trụ sở Khu ủy Tây Bắc đã được
đầu tư xây dựng với quy mô lớn hoặc đã xây dựng được bia di tích. Di
tích bến Âu Lâu do mới giải tỏa điểm khai thác cát tồn tại ở đây đã lâu
nên việc tu bổ, tôn tạo và xây dựng còn chưa được tiến hành.
Riêng đối với các di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, do tình trạng
thiếu kinh phí nên việc tiếp tục triển khai điều tra, nghiên cứu, xác
lập hồ sơ, tiến tới xếp hạng di tích cũng đang gặp nhiều khó khăn. Điển
hình như Di tích trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến Liên khu 10 ở xã
Thịnh Hưng (huyện Yên Bình) thì phần trụ sở chính thuộc đất Yên Bái mới
chỉ xếp hạng di tích cấp tỉnh; các phần khác thuộc đất Phú Thọ thì đã
xếp hạng cấp quốc gia. Di tích khu vực Nhà Tằm trên đất Âu Lâu (thành
phố Yên Bái) liên quan đến hoạt động của Mặt trận Việt Minh trước khi
khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám cũng chưa được
xếp hạng.
Nhiều địa điểm khác chứa đựng dữ kiện của một di tích lịch sử cách
mạng cũng đang còn bỏ ngỏ về công tác nghiên cứu… Các di tích lịch sử
cách mạng đã được xếp hạng cấp tỉnh thì hầu như mới chỉ quy hoạch được
di tích chứ chưa thể tôn tạo dù đó chỉ là một tấm bia.
Trong đó, có những địa phương như huyện Văn Chấn chiếm tới 6/13 di
tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh nhưng chưa địa chỉ nào có bia di tích.
Huyện Văn Yên có 3 di tích: đồn Đại Bục, đồn Đại Phác, đồn Gióm gắn với
Chiến dịch Sông Thao vang dội năm 1949 hay giữa lòng thành phố Yên Bái
có di tích cổng Đục, đồn Cao - nơi đánh dấu tinh thần chiến đấu oanh
liệt của Việt Minh trong những ngày khởi nghĩa giành chính quyền Cách
mạng tháng Tám năm 1945 ở trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái cũng chung tình
trạng nói trên…
Nguyên nhân của tình trạng này, cơ bản do ngân sách tỉnh còn gặp
nhiều khó khăn và nhiều lĩnh vực thiết yếu đang cần tập trung ưu tiên
giải quyết nên việc đầu tư cho nghiên cứu xếp hạng, tu bổ, tôn tạo, xây
dựng di tích cũng sẽ bị hạn chế. Tuy vậy, việc xã hội hóa trong công tác
tu bổ, tôn tạo, xây dựng di tích hoàn toàn có thể thực hiện được. Thực
tế cho thấy, một số di tích tâm linh sau khi được xếp hạng đã thu hút
được sự ủng hộ tích cực về tài chính, đất đai của địa phương, các doanh
nghiệp nên việc việc tôn tạo, tu bổ loại hình di tích khá thuận lợi.
Nhiều địa phương thực hiện xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” rất
tốt. Điển hình như xã Tân Thịnh (huyện Văn Chấn trong dịp 27/7 vừa qua
đã kêu gọi xã hội hóa được gần 150 triệu đồng để tu bổ khu nhà bia lưu
danh các liệt sỹ của xã, trong đó các doanh nghiệp đóng góp khoảng 100
triệu đồng.
Những điều đó cho thấy, nguồn lực xã hội là có tiềm năng nhưng quan
trọng các cấp, ngành, địa phương khai thác tiềm năng đó như thế nào cho
công tác xã hội hóa bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, xây dựng di tích lịch sử
cách mạng. Vấn đề nữa là công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích cần
phải có sự năng động trong kế hoạch phù hợp với lộ trình và điều kiện
kinh phí. Nếu chưa có kinh phí để xây dựng ở quy mô lớn thì trước hết
tập trung vào xây dựng bia di tích bằng những chất liệu phù hợp để bảo
tồn và tuyên truyền, giáo dục ý nghĩa lịch sử của di tích, chờ khi nào
có điều kiện sẽ tôn tạo sau.
Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Yên Bái với trên
40 triệu đồng đã xây dựng được một tấm bia khá lớn nơi Anh hùng liệt sỹ
Hoàng Văn Thọ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp tại đèo Din - khu vực
giáp ranh giữa xã Việt Hồng (Trấn Yên) với xã Đại Lịch (Văn Chấn), là
một thí dụ rất đáng tham khảo. Có những nơi sử dụng ngay những khối đá
tự nhiên để khắc bia di tích vừa bảo đảm mỹ thuật vừa tôn vinh được ý
nghĩa của di tích…
Mong rằng, những thí dụ trên sẽ là gợi ý tốt cho việc xã hội hóa công
tác tu bổ, tôn tạo, xây dựng các di tích lịch sử trên địa bàn toàn
tỉnh. Việc xã hội hóa được làm tốt sẽ giảm gánh nặng tài chính cho Nhà
nước và khơi dậy tinh thần trách nhiệm của nhân dân trước những công lao
to lớn của Đảng, cách mạng trong công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ
và xây dựng đất nước.
Hoàng Nhâm