“Du lịch ĐBSCL phần lớn chỉ đang dựa trên lợi thế sẵn có. Điều kiện đáp ứng hạ tầng cho khách còn yếu. Trong đó, thiếu điểm nghỉ dưỡng, mua sắm, vui chơi, giao thông đến các điểm du lịch còn hạn chế. Chính vì vậy, mà chúng tôi tập trung kêu gọi đầu tư vào hạ tầng du lịch trong vùng” - ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết.
Ông
Nguyễn Phương Lam - Phó giám đốc VCCI Cần Thơ lý giải về việc, tại sao
hội nghị năm nay chọn chủ đề Thu hút đầu tư hạ tầng – nền tảng phát
triển du lịch ĐBSCL
Chiều
qua (3/10), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh
Cần Thơ tổ chức họp báo Hội nghị Đầu tư vào ĐBSCL thường niên lần thứ
V-2017 và Chương trình Giao lưu văn hóa và thương mại Việt Nam – Nhật
Bản lần thứ 3 tại Cần Thơ.
Hội
nghị Đầu tư Thường niên lần này có chủ đề: “Thu hút đầu tư hạ tầng –
nền tảng phát triển du lịch ĐBSCL” được tổ chức vào ngày 25-10. Các tỉnh
ĐBSCL đã sẵn sàng giới thiệu mời gọi đầu tư 24 dự án phát triển du lịch
với số vốn 7.800 tỷ đồng và 33 dự án bất động sản, hạ tầng với tổng vốn
176.000 tỷ đồng.
Theo
đó, dự án có tổng vốn lớn nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng khu phi thuế
quan khu kinh tế Năm Căn (Cà Mau) với tổng vốn 8.000 tỷ. An Giang mời
gọi đầu tư vào dự án sân bay An Giang với tổng vốn 3.400 tỉ. Cần Thơ mời
gọi đầu tư bốn dự án du lịch gồm khu du lịch sinh thái cù lao Tân Lộc
922,5 tỷ đồng; khu du lịch Cồn Sơn 1125 tỷ đồng; vườn cò Bằng Lăng 112,5
tỷ đồng; khu du lịch sinh thái Phong Điền 900 tỷ đồng.
Ông
Nguyễn Phương Lam – Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, năm 2016, VCCI
Cần Thơ tiếp 16 đoàn doanh nghiệp Nhật tìm hiểu hợp tác đầu tư vào ĐBSCL
và sáu tháng đầu năm nay đón tiếp 6 đoàn. Điều đó cho thấy Nhật Bản
đang quan tâm nhiều hơn vào ĐBSCL.
Ông
Lam cũng cho biết thêm, chương trình giao lưu văn hóa và thương mại
Việt Nam – Nhật Bản lần 3 tại Cần Thơ sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 3 –
5/11/2017 với 120 gian hàng được thiết kế trang trí hài hòa, mang đậm
nét văn hóa lễ hội Việt Nam và Nhật Bản. Trong đó, 15 gian giới thiệu
văn hóa và sản phẩm Nhật Bản, 15 gian giới thiệu văn hóa và sản phẩm của
Việt Nam, 90 gian là khu vực dành cho các doanh nghiệp hai nước trưng
bày và giới thiệu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.
Trong
khuôn khổ chương trình có hội nghị chuyên đề về đầu tư Nhật Bản vào
ĐBSCL nhằm kết nối giao thương và kêu gọi hợp tác đầu tư trong nông
nghiệp, chế biến thực phẩm, cải tạo môi trường; hội nghị kinh doanh Châu
Á lần thứ 59 cùng phiên đối thoại với đoàn 60 doanh nghiệp Nhật Bản,
các nhà đầu tư và chuyên gia tại khu vực ĐBSCL.
Bên
cạnh các hoạt động hợp tác kinh doanh là các hoạt động giao lưu văn hóa
nghệ thuật với 40 tiết mục do các diễn viên đến từ Nhật Bản, TP HCM, Đà
Nẵng và Cần Thơ… biểu diễn.
Phạm Tâm
Nguồn: Dantri.com.vn