Phát triển du lịch biển, đảo chuyên nghiệp, bền vững đã và đang được các quốc gia có lợi thế về biển đảo chú ý quan tâm, khai thác, coi đó là một chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, quy hoạch du lịch biển, đảo…nhằm tạo ra một thị trường thu hút khách du lịch quốc tế, trong nước, qua đó thúc đẩy nhiều ngành kinh tế và tạo ra công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của ngườ
Lượng khách du lịch quốc tế đến du lịch biển, đảo Việt Nam ngày càng tăng (Ảnh: VGP)
Du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam
Với
những lợi thế của một quốc gia biển đảo cùng sự đa dạng của các sản
phẩm du lịch biển đảo Việt Nam, thị trường khách du lịch quốc tế đến
Việt Nam nói chung và đến vùng ven biển nói riêng thay đổi căn bản. Nếu
như trước năm 2010, khách du lịch đến từ Liên Xô cũ và các nước Đông Âu
thì nay đã thay bằng khách đến từ nhiều nơi trên thế giới: Trung Quốc,
Nhật, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong Trung Quốc, Hàn Quốc; Australia,
New Zealand; Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippinnes; Pháp, Đức, Hà
Lan, Thụy Sĩ, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển; Mỹ, Canada.
Đối
với từng khu vực vùng ven biển, hải đảo cũng có sự khác nhau về khách
du lịch, chẳng hạn như khu vực ven biển Đông Bắc là nơi có tỉ lệ khách
du lịch Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan cao nhất, sau đó là Pháp, Nhật,
Hàn Quốc, các nước thuộc khối ASEAN, Đức, Hà Lan[1]...
Theo
thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, tốc độ tăng trưởng trung bình
giai đoạn 2000- 2008 khoảng 16,0%/năm. Khu vực ven biển Bắc Trung Bộ, tỉ
lệ khách du lịch đến từ châu Âu lại cao hơn và chiếm đa số, rồi đến là
Nhật, Hàn Quốc. Nếu như năm 2000 toàn vùng ven biển, hải đảo có
3.049.000 lượt khách du lịch quốc tế (chiếm 74,01%) tổng số lượt khách
du lịch quốc tế đi lại giữa các địa phương trong cả nước thì đến năm
2008 có 9.987.000 lượt khách (chiếm 76,78%). Năm 2010 toàn vùng đã thu
hút được trên 10.860.000 lượt khách (chiếm 74,79%). Tốc độ tăng trưởng
trung bình giai đoạn 2000-2010 đạt 15,99%/năm.
Lượng
khách du lịch quốc tế đến du lịch biển, đảo Việt Nam giai đoạn
2015-2019 có tốc độ tăng trưởng 23%, trong đó, năm 2019 có hơn 1,5 triệu
khách ra các đảo, chủ yếu đến Cát Bà, Phú Quốc, Cù lao Chàm, Lý Sơn,
Côn Đảo, Vân Đồn. Biển miền Bắc là địa điểm thu hút khách du lịch từ
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, Đức, Hà Lan; khu
vực biển miền Trung được khách châu Âu, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc ưa
chuộng còn biển ở các tỉnh phía Nam phục vụ chủ yếu khách châu Âu, nhiều
nhất là Anh, Italy, Pháp…
Khách
du lịch nội địa lựa chọn du lịch biển, đảo cũng tăng khoảng 23%/năm
giai đoạn 2015-2019 và đạt 9,5 triệu lượt khách ra đảo vào năm 2019,
trong đó, 80-90% khách đến 2 đảo Phú Quốc và Cát Bà và tổng thu từ khách
du lịch đến đảo ven biển lại tăng rất mạnh, đạt 63,37%/. Phần lớn khách
du lịch lựa chọn sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch mạo hiểm,
khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa, tâm linh, du lịch cộng đồng.
Theo
báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh thì năm 2019,
lượng khách du lịch nội địa, quốc tế đến 11 đảo, huyện đảo của Việt Nam
là Cô Tô, Vân Đồn, Bạch Long Vỹ, Cát Bà, Cồn Cỏ, Cù lao Chàm, Lý Sơn,
Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, Kiên Hải đạt 9.504.183 lượt khách nội địa và
1.515.273 lượt khách quốc tế với tổng nguồn thu đạt 21.187.294 triệu
đồng.
Năm
2019, dịch bệnh COVID-19 bùng nổ trên phạm vi toàn cầu, đã tác động
mạnh mẽ đến ngành du lịch thế giới, trong đó có du lịch Việt Nam. Tuy
nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã có
nhiều cách thức, biện pháp để phục hồi, phát triển du lịch ở tình trạng
bình thường mới thì số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đã tăng
lên, trong đó du lịch biển đảo.
Theo
Trung tâm Thông tin du lịch thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam thì kết quả
hoạt động du lịch 8 tháng đầu năm 2022, đã có 1,4 triệu lượt khách quốc
tế đến Việt Nam, trong đó khách đến từ Hàn Quốc nhiều nhất với 369.800
người (26%), Mỹ là 139.400 người (10%). Top 10 thị trường khách hàng đến
du lịch Việt Nam 8 tháng qua là Hàn Quốc, Mỹ, Campuchia, Nhật Bản,
Singapore, Trung Quốc, Australia, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, trong đó
khu vực Đông Nam Á có Campuchia đạt 82.000 lượt, Singapore đạt 67.700
lượt, Thái Lan 61.100 lượt, Malaysia 52.200 lượt... đạt bình quân
58%/tháng[2]. Cũng theo Tổng cục Du lịch, khách tham quan du lịch nội
địa 8 tháng đầu năm 2022 đã có sự gia tăng đáng kể đạt 8 triệu lượt
khách[3]. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch Việt Nam sau
thời gian hơn 2 năm gián đoạn vì đại dịch COVID 19. Tổng thu từ hoạt
động du lịch 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 356,6 nghìn tỷ đồng, đạt 80,6%
so với cùng kì năm 2019 trên phạm vi của ngành du lịch, trong đó tổng
thu từ hoạt động du lịch biển đảo chiếm một số lượng không nhỏ.
Tại
hội thảo "Phát triển Du lịch biển, đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức
và giải pháp" diễn ra cuối năm 2022, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết các hoạt động du lịch biển đảo chiếm
khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Giai đoạn 2010 - 2019,
lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng
trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế.
Theo
đánh giá của các chuyên gia về lĩnh vực du lịch và kinh tế, hoạt động
du lịch biển, đảo thời gian qua đã được đẩy mạnh, giúp Việt Nam hình
thành đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch, thúc đẩy sự phát triển của
ngành du lịch, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế cho các điểm đến du lịch,
cho các địa phương và kinh tế quốc gia; Từng bước nâng cao đời sống,
cải thiện thu nhập và phúc lợi cho cộng đồng cư dân ven biển; Kích thích
sự phát triển của cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật vùng ven biển, làm
thay đổi mạnh mẽ bộ mặt kinh tế – xã hội vùng ven biển;
Từng
bước thu hút các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vốn để xây
dựng cơ sở vật chất, đẩy mạnh phát triển hoạt động du lịch, chẳng hạn
như Dự án của tập đoàn Platinum Dragon Empire (Mỹ) phát triển khu du
lịch vui chơi giải trí tại Bà Rịa-Vũng Tàu với số vốn lên đến 550 triệu
USD; dự án đầu tư của Tập đoàn Rockingham (Anh) xây dựng khu du lịch
nghỉ dưỡng biển cao cấp và các khu vui chơi giải trí, trường đua ô tô
1.000 ha tại Phú Quốc, quy mô dự án lên đến 1 tỷ USD…
Hoạt
động du lịch tại các vùng ven biển góp phần bảo vệ diện tích
rừng tự nhiên và rừng trồng hiện có, giúp sử dụng hiệu quả
tài nguyên nước và nguồn lợi thủy sản, giữ vững môi trường
sinh thái, hạn chế hiện tượng xâm nhập mặn; Từng bước nâng cao
môi trường văn hóa du lịch và khả năng thích ứng của cộng đồng trong
hoạt động du lịch ở các địa phương.
Bên
cạnh những kết quả tích cực đã đạt được từ hoạt động của ngành du lịch
nói chung, du lịch biển đảo nói riêng chúng ta cũng thấy rằng thời gian
qua phát triển du lịch biển, đảo ở Việt Nam chưa tương xứng với tiềm
năng vốn có, chưa tạo ra được sự đa dạng trong các sản phẩm du lịch,
chưa tạo ra được khác biệt và điểm nhấn riêng, đặc sắc riêng của từng
vùng… Do đó cũng chưa đáp ứng được hết nhu cầu, phát triển du lịch đặt
trong bối cảnh ngắn hạn, dài hạn; chưa tạo được sự phân khúc thị trường
dành cho các đối tượng du lịch khác nhau, ở các quốc gia khác nhau.
Trên
thực tế ngành du lịch Việt Nam nói chung, phát triển du lịch biển, đảo
đang tồn tại không ít hạn chế như: Việc khai thác còn mang tính chất tự
phát, manh mún, chưa đồng đều, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư
đồng bộ; sản phẩm du lịch và các hệ thống dịch vụ ở nhiều nơi còn nghèo
nàn, xuống cấp; công tác xúc tiến quảng bá cho hoạt động du lịch còn
yếu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, chưa được tập trung đầu tư
hiệu quả; nhiều cấp lãnh đạo chính quyền địa phương còn chưa chú ý đầu
tư, khai thác phát triển du lịch biển, đảo để biến nó trở thành một
ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm…nhằm giải quyết công ăn việc làm và
tạo sinh kế, thu nhập cho người dân.
Bên
cạnh đó, một số nơi còn tồn tại việc tranh chấp không gian lãnh thổ của
một số ngành kinh tế khác nhau trong quá trình khai thác gây ra các hệ
lụy về môi trường và nguy cơ phát triển thiếu bền vững, hiệu quả…
Việt
Nam cần có những định hướng và giải pháp phù hợp để phát triển du lịch
biển, đảo trở thành động lực của kinh tế biển Việt Nam
Để phát triển du lịch biển, đảo bền vững ở Việt Nam
Nghị
quyết số 09/NQ-TW, ngày 09-02-2007 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa X về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020"
chỉ rõ: Phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về
biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển,
đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa,
làm cho đất nước giàu mạnh[4].
Thủ
tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 201/QĐ-TTg, về việc phê
duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm
nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, ngày 22/10/2018, tại Hội nghị lần thứ 8
(khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết số
36-NQ/TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến
năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (gọi tắt là Chiến lược biển 2030),
trong đó nhấn mạnh việc phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng
tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo
đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và
phát triển...
Trong
bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ
trên phạm vi toàn cầu và xu hướng phát triển các sản phẩm du lịch đa
dạng, hấp dẫn, mang bản sắc riêng, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch
trong nước, nước ngoài đòi hỏi Việt Nam cần phải có những định hướng và
giải pháp phù hợp, từ đó phát triển du lịch biển, đảo trở thành động lực
của kinh tế biển Việt Nam, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh
về biển, làm giàu từ biển và bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên
biển, đảo.
Để
du lịch biển, đảo phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, khắc
phục được những hạn chế đã, đang tồn tại trong nhiều năm qua, cần chú
trọng một số giải pháp cơ bản như trước hết cần phải nghiên cứu, xây
dựng một chiến lược phát triển du lịch biển, đảo xanh gắn với phát triển
nền kinh tế xanh phù hợp với điều kiện cụ thể, tạo ra nguồn năng lượng
điện và nước sạch đủ cung cấp cho các điểm đến, chú ý đến các năng lượng
tái tạo, có khả năng thích ứng và đối phó được tình trạng biến đổi khí
hậu.
Các
địa phương phát triển du lịch biển, đảo cần quan tâm đầu tư, nâng cấp
cơ sở vật chất tại các bến cảng, bến neo đậu, cầu cảng; cải tạo điều
kiện về kỹ thuật, an toàn tại các bến cảng. Để phát triển bền vững ngành
Du lịch tàu biển phải đầu tư xây dựng một số cảng du lịch với ga đón
khách hiện đại, đầy đủ tiện nghi dành cho du lịch tàu biển… để phục vụ
du khách với chất lượng tốt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế... Thậm chí,
một số địa phương có thế mạnh về du lịch biển đảo, có thị trường khách
du lịch lớn cần nghiên cứu tính khả thi đầu tư xây dựng sân bay phù hợp
với điều kiện ở các đảo; kết nối các đảo của Việt Nam với đất liền và
quốc tế.
Quản
lí các sản phẩm du lịch biển đảo an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái,
cảnh quan, quan tâm, chú ý đến vấn đề an ninh, chủ quyền biển đảo.
Nhà
nước cần hỗ trợ liên kết phát triển du lịch biển, đảo giữa doanh nghiệp
du lịch với ngành thủy sản, nuôi trồng và đánh bắt xa bờ, giao thông
hàng hải, vận tải biển, dịch vụ hàng hải…
Bên
cạnh đó, các địa phương và doanh nghiệp lữ hành cần có những biện pháp
kích cầu, tạo ra sự đa dạng trong các sản phẩm du lịch, mang những đặc
trưng riêng của từng vùng, từng loại hình sản phẩm, liên kết với các
công ty dịch vụ, nhà hàng, khách sạn để giảm giá các dịch vụ, giá phòng,
nâng cao chất lượng phục vụ cho du khách…
Hướng
tới phát triển du lịch biển, đảo theo chiều sâu, khai thác các dịch vụ
nghỉ dưỡng, giải trí, khám phá, thể thao trên mặt biển, dưới đáy biển và
ngoài đảo xa; khai thác các tiềm năng, lợi thế từ biển... nhưng phải
chú ý đến đảm bảo bảo vệ hệ sinh thái, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi
trường, biển đảo.
Tôn
vinh văn hóa biển, đảo, phát huy tối đa sự tham gia của cộng đồng địa
phương trong các hoạt động du lịch biển đảo, tạo ra các hoạt động sinh
kế, tạo thu nhập cho người dân.
Phát
triển nguồn nhân lực phù hợp, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ có kiến
thức, có kĩ năng, có trình độ ngoại ngữ, tin học, am hiểu văn hóa... để
phục vụ cho hoạt động du lịch tại địa phương.
Phát
triển du lịch biển, đảo chuyên nghiệp, bền vững đã và đang được các
quốc gia có lợi thế về biển đảo chú ý quan tâm, khai thác, coi đó là một
chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việt
Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, quy
hoạch du lịch biển, đảo… nhằm tạo ra một thị trường thu hút khách du
lịch quốc tế, trong nước, qua đó thúc đẩy nhiều ngành kinh tế và tạo ra
công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của
người dân ở nhiều vùng ven biển trong cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua
du lịch biển, đảo ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển, chưa tạo được
sức cạnh tranh cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường khách du
lịch quốc tế. Với mục tiêu phát triển du lịch biển, đảo trở thành ngành
kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo
động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới ngành
Du lịch Việt Nam cần sớm khắc phục được các mặt hạn chế, nhanh chóng
phát triển du lịch biển theo hướng chuyên nghiệp, trở thành điểm đến hấp
dẫn.
PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà
(Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
[1] Tổng cục Du lịch, Đề án Phát triển Du lịch biển, đảo và vùng ven biển đến năm 2020, tr 33- 34.
[2] Tổng Cục Du lịch Việt Nam, Trung tâm thông tin du lịch, Thông tin du lịch tháng 8 năm 2022, tr 2-3
[3] Tổng Cục Du lịch Việt Nam, Trung tâm thông tin du lịch, Thông tin du lịch tháng 8 năm 2022, tr 4
[4] Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 76
Nguồn: baochinhphu.vn