Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các nước đã nới lỏng việc đi
lại, các hãng hàng không tăng dần tuần suất các chuyến bay thì ngành du
lịch sẽ phục hồi nhanh chóng. Đặc biệt, thời gian tới, nhu cầu du lịch
nước ngoài được dự báo gia tăng, giúp các doanh nghiệp du lịch lấy lại
được đà tăng trưởng.
Du lịch outbound chưa được quan tâm tương xứng với vai trò, vị trí
Hiện
nay ngành du lịch có ba thị trường chính là du lịch inbound (đưa khách
quốc tế đến), du lịch outbound (đưa khách ra nước ngoài) và du lịch nội
địa. Hầu hết các nước có nền du lịch phát triển đều có sự tăng trưởng
đồng bộ cả ba thị trường này. Tuy nhiên ở Việt Nam, du lịch outbound vẫn
chưa được quan tâm và đánh giá đúng với vai trò, vị trí trong quá trình
phát triển của ngành du lịch.
Điều đó có thể thấy rõ thông qua
các chỉ tiêu đánh giá phát triển du lịch, hiện chúng ta mới chỉ đề cập
số lượng khách quốc tế đến Việt Nam và lượng khách nội địa. Tổng thu từ
du lịch cũng được thống kê từ du lịch inbound và du lịch nội địa, còn
những đóng góp từ hoạt động đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài
chưa được đề cập đến.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Phó
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, để phát
triển du lịch, chúng ta cần phải đề cập đến cả du lịch inbound và
outbound, hay nói cách khác là du lịch bị động (đón khách đến) và du
lịch chủ động (đưa khách đi).
"Cho đến nay, trong Luật Du lịch
hay trong các chương trình hành động của ngành du lịch chỉ mới đề cập
đến đón khách đến. Bởi chúng ta thu hút càng đông khách, khách chi tiêu
càng nhiều, ở lại càng lâu thì kinh tế du lịch có hiệu quả cao hơn", Phó
Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nói.
Theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn
Siêu, đối với du lịch outbound, đây là nội dung quan trọng trong công
tác quản lý du lịch. Kinh nghiệm khi mở đường bay phải có đưa khách đi
ra nước ngoài. Cơ quan quản lý Nhà nước cần phải làm như thế nào để cho
người dân đi du lịch an toàn, văn minh, lành mạnh. Từ việc cung cấp
thông tin, quản lý du lịch outbound để khách người Việt Nam đi du lịch
được bảo đảm an toàn, bảo đảm về chất lượng dịch vụ du lịch… Đây là vấn
đề lớn chúng ta cần phải tập trung để giải quyết nhằm phục vụ nhu cầu
tinh thần của người dân.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt
Nam Hà Văn Siêu cho biết, Tổ chức Du lịch thế giới coi du lịch là nhu
cầu thường xuyên, là quyền của con người. Chúng ta vẫn thường nói du
lịch là ngành "công nghiệp hạnh phúc", mang lại niềm vui, hạnh phúc cho
con người trong mỗi chuyến đi, góp phần nâng cao hiểu biết, hữu nghị
giữa các quốc gia cũng như nâng cao đời sống tinh thần cho người dân;
mang lại sức khỏe về thể chất và tinh thần cho du khách...
Trao
đổi về vấn đề này với Báo Điện tử Chính phủ, PGS.TS Phạm Hồng
Long-Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân
văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cùng quan điểm, du lịch outbound chứng
minh nền kinh tế của một quốc gia ổn định từ gốc rễ, khi người dân đi
du lịch nhiều chứng tỏ nền kinh tế nước đó phát triển.
Lượng đi
du lịch outbound nhiều góp phần giúp kết nối mạnh mẽ hơn giữa các quốc
gia, từ đó mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, bởi nhiều người đi du
lịch outbound dưới hình thức đi du lịch thương vụ nên khi trở về nước
họ mang theo nhiều cơ hội đầu tư lớn hơn.
"Người dân đi du lịch
nhiều thì dân trí và nhận thức cũng tăng hơn, giúp cho xã hội phát triển
tốt hơn. Mặt khác, các doanh nghiệp lữ hành kinh doanh outbound sẽ củng
cố thêm vị thế, hình ảnh cho du lịch Việt Nam và họ sẽ thu hút được đầu
tư nước ngoài vào Việt Nam", PGS.TS Phạm Hồng Long cho biết.
Du lịch outbound cần được quan tâm và cần coi du lịch như một phần để
đánh giá chất lượng cuộc sống của con người - Ảnh: VGP/Diệp Anh
Cần đặt du lịch outbound như một chiến lược phát triển du lịch
Đối
với thị trường khách Việt Nam trong thời gian qua, sau khi dịch
COVID-19 được kiểm soát, Việt Nam mở cửa lại du lịch hoàn toàn thì lượng
khách mua tour du lịch outbound tăng trưởng trở lại. Trong đó, tour
Đông Nam Á, Đông Bắc Á được lựa chọn nhiều nhất. Cụ thể du khách chủ yếu
lựa chọn các thị trường du lịch như: Thái Lan, Singapore, Malaysia…
Bên
cạnh đó, các tour Đông Á, châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông cũng được du
khách lựa chọn là điểm đến, qua đó cho thấy, mức sống của người dân ngày
càng được nâng cao. Đồng thời góp phần không nhỏ vào việc phát triển
ngành du lịch Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa với việc du lịch
outbound cần được quan tâm và cần coi du lịch như một phần để đánh giá
chất lượng cuộc sống của con người.
Tuy nhiên, một số công ty du
lịch cho biết, việc đưa du khách ra nước ngoài cũng gặp một số vấn đề,
có những công ty núp bóng công ty du lịch để đưa lao động Việt Nam đi
rồi trốn ở lại làm việc trái phép ở nước ngoài theo hình thức du lịch
làm ảnh hưởng đến uy tín của các công ty du lịch Việt Nam; việc bán giá
tour cao không tương xứng với chất lượng của tour du lịch outbound;
nhiều khách du lịch có hành vi ứng xử chưa văn minh ở nơi công cộng…
Để
hoạt động du lịch outbound đạt hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, cần
có chế tài xử lý nghiêm tình trạng trục lợi du lịch để đưa người lao
động ra nước ngoài trái phép; tăng cường tuyên truyền để du khách ứng xử
văn minh, thanh lịch ở nơi công cộng, góp phần nâng cao hình ảnh của
người Việt Nam ở nước ngoài. Từ đó, góp phần quảng bá du lịch Việt Nam
ra thế giới.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn
Siêu, nhiều nước đặt du lịch outbound như một chiến lược phát triển du
lịch. Ví dụ như Nhật Bản, Đức, khách du lịch ra nước ngoài nhiều hơn
khách đến. Những lợi ích du lịch ra nước ngoài không phải chúng ta bỏ
chi tiêu ra mà sau khi đi du lịch về chúng ta thu được những gì. Đó là
những hiểu biết, trải nghiệm, kinh nghiệm nâng cao đời sống tinh thần,
kinh nghiệm sống, khởi nghiệp học hỏi thu lại lợi ích lớn, nâng cao ý
thức trách nhiệm trong khi đi du lịch.
"Hiện nay, chưa có chương
trình quản lý, chưa có bộ phận chuyên trách nào chăm lo du lịch
outbound. Chúng ta cần phải làm nhưng chưa làm được. Lợi ích của du lịch
outbound chưa được phân tích. Muốn trở thành cường quốc du lịch phải
quan tâm và chăm lo được cho du lịch outbound", ông Hà Văn Siêu nhấn
mạnh.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, hiện nay chúng
ta có 14 Sở chuyên trách du lịch. Nếu tư duy làm du lịch outbound là
chăm lo cho nhu cầu của người dân được đi du lịch ra nước ngoài, được
cung cấp thông tin, được khuyến nghị về các chương trình du lịch bảo đảm
an toàn thì du lịch outbound sẽ đạt hiệu quả.
Theo ông Hà Văn
Siêu, công tác quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương hay địa phương
đều cần quan tâm quản lý đến du lịch outbound. Muốn phát triển du lịch
bền vững, cần tiếp tục sửa luật để đưa nội dung du lịch outbound sâu
hơn, đậm hơn để thấy tính toàn diện của du lịch. Qua đó cho thấy du lịch
không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn mang tính xã hội, vừa phát
triển du lịch để góp phần tăng trưởng kinh tế du lịch vừa đồng thời nâng
cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam.
Ông Hà Văn Siêu
nhấn mạnh, chúng ta làm kinh tế suy cho cùng cũng để mang lại lợi ích
phục vụ cho người dân Việt Nam. Người dân được đi du lịch ít nhất 1-2
lần trong năm sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Rõ ràng du lịch
không chỉ mang lại kinh tế mà làm du lịch vừa phải bảo tồn văn hóa, bảo
vệ tài nguyên môi trường, làm giàu cho điểm đến, mang lại thu nhập cho
người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, phục vụ cho những chuyến đi
của người dân Việt Nam … được nâng cao cả về thể chất, trí tuệ, tinh
thần. Du lịch phải thực được sứ mệnh vừa mang lại kinh tế vừa nâng cao
chất lượng cuộc sống cho người dân.