Dựa vào lợi thế của mình, những năm qua du lịch Quảng Bình
đã tập trung khai thác và phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch
khác nhau, như du lịch tham quan hang động; du lịch khám phá, mạo hiểm;
du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch tâm linh…
Trong đó phải kể đến các khu, tuyến, điểm du lịch nổi tiếng như: động Thiên Đường, động Phong Nha – Tiên Sơn, tuyến du lịch chinh phục Sơn Đoòng, sông Chày-hang Tối, Rào Thương – hang Én,
hệ thống hang động Tú Làn, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, điểm du lịch
suối nước Moọc, đền thờ các anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng và
hang Tám TNXP, điểm du lịch khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bãi tắm
biển Nhật Lệ – Quang Phú; đền Thánh mẫu Liễu Hạnh… Hiệu quả cho thấy
khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Quảng Bình ngày càng tăng
nhanh.
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khách du
lịch đến tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2012, lần đầu tiên du
lịch Quảng Bình đón vượt ngưỡng 1 triệu lượt khách; năm 2013 đón gần 1,4
triệu lượt khách.
Đặc biệt, sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ tại Vũng Chùa,
du khách thập phương về phúng viếng, tri ân Đại tướng ngày càng đông,
đồng nghĩa với việc thúc đẩy khách du lịch đến tỉnh ta ngày càng nhiều.
Điều này được minh chứng cụ thể trong năm 2014 đã đón gần 2,8 triệu lượt
khách và 6 tháng đầu năm 2015 đón gần 1,8 triệu lượt khách.
Khách du lịch tăng nhanh qua các năm đã góp phần thúc đẩy các dịch vụ
du lịch phát triển. Tỉnh hiện có 268 cơ sở lưu trú, trong đó có 60
khách sạn từ 1-5 sao; 25 công ty lữ hành (có 3 công ty lữ hành quốc tế).
Số lượng các nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch được đầu tư và
công nhận ngày càng nhiều; các hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ du
lịch, đào tạo nhân lực, xây dựng thương hiệu điểm đến an toàn, chất
lượng và mến khách đang được ngành chú trọng hàng đầu.
Tài nguyên du lịch của tỉnh rất lớn tuy nhiên việc đầu tư khai thác
các sản phẩm, loại hình du lịch phục vụ du khách còn khá khiêm tốn, chưa
xứng với tiềm năng, thế mạnh. Lâu nay, du lịch Quảng Bình chủ yếu dựa
vào tài nguyên sẳn có để phát triển dẫn đến tính thời vụ cao, khách chủ
yếu tập trung vào mùa hè.
Để khắc phục tính thời vụ và đẩy mạnh phát triển, du lịch tỉnh cần
chú trọng đầu tư cải tạo, nâng cấp các khu, tuyến, điểm du lịch đã có;
kêu gọi đầu tư phát triển các khu, tuyến, điểm du lịch mới. Trong đó chú
trọng kêu gọi đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng;
khai thác mới các hang động; các tuyến du lịch khám phá, mạo hiểm; các
tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm; các điểm du lịch trượt cát; các
bãi tắm biển; du lịch biển đảo; các sản phẩm du lịch văn hóa tộc người
(Rục, Arem, MaCong…); du lịch cộng đồng; khai thác phát huy các di tích
lịch sử, văn hóa, lễ hội, các làn điệu dân ca…
Đồng thời chú trọng đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí, trung
tâm thương mại, siêu thị, chợ đêm… để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch,
dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu và kéo dài thời gian lưu trú của khách.
Việc đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch và các dịch vụ hỗ trợ du
lịch cũng rất quan trọng. Hiện tỉnh đang thiếu số lượng lớn các cơ sở
lưu trú cao cấp, cả tỉnh mới chỉ có 1 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao
và 3 khách sạn 3 sao. Trong khi xu thế sử dụng các khách sạn từ 3 sao
trở lên của khách du lịch đến Quảng Bình tăng cao, nhu cầu tổ chức các sự kiện, hội nghị… ngày càng nhiều. Nếu có nhiều dự án đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cao cấp, du lịch Quảng Bình
một mặt sẽ đáp ứng nhu cầu của khách tốt hơn, mặt khác kích thích phát
triển loại hình du lịch MICE, góp phần rất lớn khắc phục tính thời vụ
của du lịch Quảng Bình.
Hệ thống nhà hàng đạt chuẩn tại Quảng Bình cũng đang thiếu. Vì vậy,
đầu tư phát triển các nhà hàng đạt chuẩn sẽ góp phần giải quyết nhu cầu
ăn uống của khách du lịch, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ.
Với tốc độ phát triển du lịch như hiện tại, tỉnh cần nhiều hơn nữa
các dự án đầu tư vào hạ tầng phục vụ du lịch như cải tạo nâng cấp các
bến cảng để phát triển du lịch biển đảo; đầu tư nâng cấp sân bay Đông
Hới thành sân bay quốc tế; đầu tư các trạm dừng nghỉ của du khách trên
các tuyến đường (quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường 12A…).
Với tốc độ phát triển du lịch như hiện tại, tỉnh cần nhiều hơn nữa
các dự án đầu tư vào hạ tầng phục vụ du lịch như cải tạo nâng cấp các
bến cảng để phát triển du lịch biển đảo; đầu tư nâng cấp sân bay Đông
Hới thành sân bay quốc tế; đầu tư các trạm dừng nghỉ của du khách trên
các tuyến đường (quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường 12A…).
Có thể khẳng định, Quảng Bình là một trong những tỉnh đang cần sự đầu
tư và nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là đầu
tư phát triển du lịch. Vì vậy, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ
trợ để thu hút các nhà đầu tư. Đối với tất cả các lĩnh vực đầu tư, UBND
tỉnh đã ban hành quyết định số 04/2014/QĐ-UBND ngày 3-4-2014 về việc ban
hành quy định một số chính sách ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư trên địa
bàn tỉnh, trong đó cam kết thực hiện quan điểm “Nhà đầu tư được hưởng
mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của pháp luật về thuế và đất
đai” cùng các chính sách về hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật
ngoài hàng rào, hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động…
Đối với các nhà đầu tư vào du lịch, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định
số 38/2014/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 về việc Quy định một số chính sách hỗ
trợ đầu tư đối với cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn
tỉnh.
Nguồn: Báo Quảng Bình