“Chúng tôi đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình du lịch nông nghiệp phù hợp với xu hướng khám phá, trải nghiệm của khách du lịch hiện nay. Nhờ vào đó, năm 2017, Quảng Nam đã đón được gần 6 triệu lượt khách, tăng 85.1% so với cùng kỳ năm 2007; thu nhập du lịch đạt 9.200 tỷ đồng” - ông Cường nói.
Còn theo tiến sĩ Ngô Kiều Oanh - chuyên gia du lịch nông nghiệp, cái quan trọng đầu tiên của việc phát triển du lịch nông thôn là phải giữ gìn và phát triển ngành nghề, làm ra sản vật cũng như phát triển thị trường đã có sẵn của các sản vật đó. Thứ hai là giữ gìn và phát triển lực lượng lao động lành nghề bao gồm cả các nghệ nhân với các bí quyết làm ra các sản vật đặc sản có giá trị kinh tế cao được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
“Du lịch nông nghiệp sẽ bảo tồn và phát triển được truyền thống văn hóa lịch sử, bộ mặt nông thôn. Từ đó lối sống lành mạnh văn minh tại các làng quê sẽ được hình thành và cải thiện nhanh chóng” - bà Oanh nhận định.
“Bơm” thêm vốn phát triển du lịch
Được biết, năm 2015, Quảng Nam đã xây dựng chiến lược về du lịch nông thôn của tỉnh, góp phần định hướng phát triển du lịch nông nghiệp đạt hiệu quả hơn. Tỉnh cũng đã ban hành Đề án “Phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2020.
Ông Hồ Tấn Cường cho biết: “Chúng tôi đang tham mưu UBND tỉnh và HĐND tỉnh phê duyệt “Đề án quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Nam đến năm 2025” nhằm hỗ trợ đầu tư cho các điểm du lịch cộng đồng để phát triển du lịch. Trong đó, nhấn mạnh hình thức du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu du khách, hướng đến phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới”.
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, những năm gần đây ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam luôn tăng trưởng mạnh, năm sau cao hơn so với năm trước từ 3,5 - 4%, giá trị sản xuất 12.000 - 13.000 tỷ đồng/năm. Năm 2010 chiếm tỷ trọng 11,6% tổng sản phẩm trên địa bàn.
Mặc dù đóng góp trực tiếp không nhiều vào thu ngân sách nhà nước, song 76% dân số sống ở khu vực nông thôn đã được ổn định kinh tế. Với địa thế lớn để phát triển, những năm qua ngành du lịch tỉnh đã đạt từ 8.500 - 9.500 tỷ đồng/năm.
“Du lịch Quảng Nam dù đã có những bước phát triển tốt nhưng vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chưa tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du lịch.
Chính vì vậy chúng tôi tin rằng sự kết hợp giữa du lịch với nông nghiệp chắc chắn sẽ cộng hưởng để tạo ra những sản phẩm độc đáo mới mà kết tinh trong đó là những giá trị về lịch sử - văn hóa - thiên nhiên đặc thù đa dạng của mỗi miền quê xứ Quảng làm thay đổi nhận thức và tăng thêm thu nhập cho người dân nông thôn, nhất là thu hút khách du lịch” - ông Thanh nhấn mạnh.a