Tổ Quốc - Đẩy mạnh hoạt động kích cầu du lịch; Góp ý Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Xếp hạng Di tích cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử Hang đá Ba tầng là những điểm tin văn hóa, du lịch nổi bật tại Đắk Lắk.
Nỗ lực đẩy mạnh kích cầu du lịch
Báo Đắk Lắk
điện tử cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức
phức tạp, trên địa bàn Đắk Lắk đã có 21 doanh nghiệp (gồm: 08 khu, điểm
du lịch văn hóa, sinh thái và cộng đồng; 08 cơ sở lưu trú (được xếp hạng
từ 3 – 4 sao); 05 đơn vị lữ hành quốc tế và nội địa) tham gia kích cầu
du lịch.
Theo đó, ngay từ đầu tháng 3/2020, các doanh nghiệp tham
gia kích cầu đã đưa ra nhiều giải pháp giảm giá cho du khách khi đến với
Đắk Lắk. Cụ thể giá vé vào cổng giảm từ 5% – 100%; cơ sở lưu trú giảm
từ 5% – 20%, nhà hàng và dịch vụ ăn uống, mua sắm giảm 5% – 15%; vận
chuyển, lữ hành giảm 18% – 23%.
Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia
kích cầu du lịch Đắk Lắk sẽ thực hiện nghiêm các tiêu chí du lịch an
toàn cho du khách do Hiệp hội Du lịch Việt Nam ban hành.
Góp ý Đề án phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030
Cổng
thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngày 16/3, Phó Chủ tịch UBND
tỉnh Đắk Lắk H'Yim Kđoh đã chủ trì cuộc họp góp ý Đề cương Đề án phát
triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm
2030.
Đề cương Đề án do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk
Lắk chủ trì xây dựng với mục đích định hướng phát triển du lịch Đắk Lắk
ổn định và bền vững, khai thác hết giá trị, tiềm năng văn hóa của tỉnh,
tạo tiền đề để nâng cao vị thế du lịch Đắk Lắk trên thị trường điểm đến.
Đề cương Đề án gồm 03 nội dung chính: Sự cần thiết ban hành, căn cứ
pháp lý lập Đề án; Đánh giá thực trạng phát triển du lịch của tỉnh năm
2016 - 2020; Tổ chức thực hiện. Theo Đề án, một số nhiệm vụ chủ yếu được
đưa ra như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các
địa phương và nhân dân hiểu vị trí, vai trò của du lịch trong phát
triển kinh tế xã hội của địa phương; Xây dựng và hoàn thiện các quy
hoạch, chiến lược; Phát triển dịch vụ, sản phẩm và thị trường khách du
lịch; Phát triển nguồn nhân lực; Xúc tiến, quảng bá du lịch; Liên kết,
hợp tác phát huy vai trò là trung tâm vùng Tây Nguyên kết nối tuor,
tuyến du lịch; bảo vệ môi trường du lịch; công tác quản lý nhà nước.
Phát
biểu tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị, Sở VHTTDL tiếp
thu làm rõ một số nội dung còn thiếu, trao đổi với Tỉnh ủy để hoàn thiện
Đề án có tầm nhìn chiến lược, đưa du lịch trở thành lĩnh vực có đóng
góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Cùng
với đó, Sở VHTTDL cần làm rõ du lịch Đắk Lắk đang thuận lợi và khó khăn
gì; tham vấn các đơn vị tư vấn, chuyên gia du lịch đóng góp cho xây dựng
Đề án, hướng tới xây dựng giai đoạn ngắn đủ tiềm lực để thực hiện, kết
nối với chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông. Đồng thời, tham mưu thành
lập Hội đồng thẩm định Đề án, dự kiến tổ chức hội thảo chuyên ngành báo
cáo trình UBND tỉnh thông qua HĐND tỉnh, xin ý kiến Bí thư Tỉnh ủy ban
hành Nghị quyết.
Lối vào Hang đá Ba tầng. (Nguồn: tienphong.vn)
Xếp hạng Di tích cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử Hang đá Ba tầng
UBND
tỉnh đã ban hành Quyết định số 454/QĐ-UBND về việc xếp hạng Di tích
lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử Hang đá Ba tầng (buôn Trang
Yốk, xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk).
Theo đó, UBND tỉnh
giao Sở VHTTDL Đắk Lắk, UBND huyện Lắk thực hiện việc quản lý nhà nước
đối với Di tích lịch sử Hang đá Ba tầng theo quy định của pháp luật.
Hang
đá Ba Tầng nằm ở trong núi Yốk Sâm thuộc rừng phòng hộ tiểu khu 1430,
địa danh này được tìm thấy vào năm 1958 do đội du kích A1 H10 phát hiện,
do địa hình hiểm trở bao quanh là rừng núi, nơi đây đã trở thành căn cứ
cách mạng, nơi hoạt động cách mạng của nhiều cán bộ lão thành. Đây cũng
là điểm trú ẩn của nhân dân 7 buôn xung quanh hang đá khi Mỹ ném bom
đánh vào căn cứ H10.
Việc xếp hạng Di tích cấp tỉnh đối với Di
tích lịch sử Hang đá Ba tầng góp phần giáo dục cho các thế hệ trẻ về
truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông; đồng thời tạo
điều kiện để phát triển tuyến du lịch "về nguồn", thu hút người dân
trong và ngoài tỉnh đến tham quan./.
Anh Vũ (t/h)