Dự án đường đi bộ dài 380 m nằm dọc bờ Nam sông Hương (TP Huế) được kết cấu bằng bê tông, sàn lát gỗ.
Ngày 26/2, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết, địa phương bắt đầu xây dựng tuyến đường đi bộ ven bờ Nam sông Hương với chiều dài 380 m, rộng 4 m.
"Đây là tuyến đường bê tông hóa, phía trên lót sàn bằng gỗ lim, có hệ thống lan can bảo vệ", ông Thành nói.
Để thi công tuyến đường trên, những ngày gần đây đơn vị thi công đã đóng cọc xuống ven bờ sông và tiến hành đổ dầm bê tông; sà lan nhỏ và nhiều thiết bị được đưa đến công trường nằm kế bên cầu Trường Tiền.
Tuyến đường đi bộ ven sông Hương sẽ được lát sàn bằng gỗ lim. Ảnh: Võ Thạnh.
Theo lãnh đạo thành phố Huế, tuyến đường được dự kiến thi công từ tháng 7/2016 và sẽ hoàn thành trước Festival lần thứ 10 (tháng 4/2018). Tuy nhiên, do thời điểm khởi công lùi lại nên đến cuối năm 2018, tuyến đường mới đưa vào sử dụng.
"Con đường được lót bằng gỗ lim và chúng tôi hy vọng điều này sẽ tạo một điểm nhấn, diện mạo mới cho bờ sông Hương" ông Thành cho hay.
Cọc bê tông được đóng xuống ven bờ sông Hương. Ảnh: Võ Thạnh.
Trước đó, từ ngày 25/5 đến 30/6, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), đơn vị tài trợ 6 triệu USD cho dự án "Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương", đã trưng bày các bản vẽ về ý tưởng quy hoạch chi tiết để lấy ý kiến của người dân địa phương.
Theo dự án, hai bên bờ sông Hương sẽ được quy hoạch với chiều dài 15 km, từ làng cổ Bao Vinh đến đồi Vọng Cảnh, bao gồm cả cồn Hến và cồn Dã Viên. Tổng diện tích quy hoạch gần 840 ha, trong đó hai bên bờ sông hơn 313 ha, diện tích mặt nước 485 ha. Các công viên Lý Tự Trọng, Tứ Tượng nằm ở bờ Nam sông Hương sẽ được quy hoạch lại không gian, cây xanh.
Dọc bờ sông Hương có không gian mở với các công trình biểu diễn ngoài trời, công trình thương mại, công viên, quảng trường đi bộ và điểm ngắm cảnh. Tuyến đường đi bộ lát gỗ lim nằm trong dự án 6 triệu USD này.
Đây là dự án thí điểm trong quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thực hiện với kinh phí tài trợ 6 triệu USD, tổng chiều dài dự án 16 km. Dự án thí điểm này do KOICA đề xuất, được tư vấn bởi Công ty tư vấn kỹ thuật Dohwa và Viện Nghiên cứu đô thị Han – A (Hàn Quốc), kinh phí gần 64 tỷ đồng, trong đó chi phí đầu tư trên 53 tỉ đồng, 10,6 tỉ đồng dự phòng.
Mục tiêu của dự án là nhằm liên kết khu vực ven sông với cồn Hến và cồn Dã Viên ở bờ nam sông Hương (TP Huế); kết nối giao thông xuyên suốt từ đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đến công viên Lý Tự Trọng và tạo điểm nhấn tầm nhìn sang bờ bắc sông Hương.
Theo
phương án đề xuất của KOICA, dự án sẽ đóng cọc bê tông xuống sông Hương
đoạn ven bờ, sau đó đổ dầm bê tông, phía trên được lát sàn bằng gỗ lim
rộng 4 m, gắn lan can bằng vật liệu đồng thau, đồng thiếc hoặc thép mạ
đồng. Dự án sẽ tạo một con đường đi bộ trên sông Hương dài 380 m, kết
nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (hiện tại) lên đến khu vực công viên Lý
Tự Trọng trước Bệnh viện Trung ương Huế. Trong đó, chia làm 3 không gian
với nhiều tổ hợp như bến thuyền, vườn sen, quảng trường tổ chức sự
kiện…
Không gian đầu tiên là quảng trường bến thuyền xuất phát từ đầu đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (phía gần cầu Trường Tiền) với phương án mở rộng đến bờ kè, làm các đường dốc, bồn hoa, đặt bộ bàn ghế, ki-ốt và dựng sân khấu nhỏ phía trước quảng trường bậc thang.
Không gian thứ 2 là cầu đi bộ sẽ được cải tạo quán cà phê ven sông hiện có để tạo tính liên kết với cầu đi bộ, tạo liên kết đến cầu Phú Xuân và làm vườn sen ở khu vực ven bờ giữa cầu đi bộ với nhà hàng.
Không gian cuối cùng từ dưới cầu Phú Xuân kết nối với không gian sân khấu biểu diễn ngoài trời. Tại đây sẽ xây dựng băng ghế dài ở dưới chân cầu Phú Xuân để làm không gian nghỉ ngơi. Ở khu vực cuối cùng của sàn tàu nối với sân khấu biểu diễn ngoài trời có thể là bến thuyền quy mô nhỏ. Và có một sân khấu biểu diễn ngoài trời bố trí các băng ghế theo địa hình và xây dựng theo kiểu dáng tự nhiên nhưng sử dụng vật liệu phân biệt với sàn gỗ lim.
Nhằm tạo không gian lung linh về đêm, công trình này còn kết hợp thiết kế ánh sáng. Ngoài ra, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu cạnh bên được đề xuất lát đá. Những đường dốc, ki-ốt, bồn hoa, bó vỉa trên đường đi bộ này phải tạo kiến trúc nhẹ nhàng, thiết kế đơn giản bằng vật liệu gỗ để hòa nhập với con đường
Theo Q.Nhật (Người lao động)