Về việc xây dựng Kế hoạch nâng cấp cụm di tích đình, chùa, cây Dã Hương, xã Tiên Lục lên di tích cấp Quốc gia đặc biệt và mở rộng đền chí Mìu, đền bà Chúa Then, xã Hương Sơn thành điểm du lịch tâm linh(Giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo)
UBND huyện huyện xây dựng dự thảo Kế hoạch nâng cấp cụm di tích đình, chùa, cây Dã Hương, xã Tiên Lục lên di tích cấp Quốc gia đặc biệt và mở rộng đền chí Mìu, đền bà Chúa Then, xã Hương Sơn (Giai đoạn 2021- 2025 và những năm tiếp theo).
Cụm di tích đình, chùa, cây Dã Hương, xã Tiên Lục Cụm di tích xã Tiên Lục gồm đình Viễn Sơn, đình Thuận Hoà, đền Thánh Cả, chùa Quang Phúc và cây Dã Hương. Đình Viễn Sơn, có kiến trúc kiểu chữ Công, bao gồm: Toà tiền đường 5 gian, hai chái và hậu cung 3 gian; đình Thuận Hoà có lối kiến trúc hình chữ Đinh gồm 5 gian đại đình và 3 gian hậu cung. Cả 2 đình đều có điêu khắc lộng lẫy, như: "thiếu nữ cưỡi rồng ca múa", "Rồng ổ", ... và nhiều mảng điêu khắc thông, trúc, cúc, mai... mang tính dân gian đậm nét, thể hiện tài khéo léo của các nghệ nhân dân gian xưa; trong đình còn lưu giữ được nhiều đồ thờ thời Lê, thời Nguyễn và các sắc phong của vua.
Đền Thánh Cả, nằm cách chùa Quang Phúc khoảng 30m, thờ 2 vị thần Cao Sơn và Quý Minh. Chùa Quang Phúc toạ lạc trên đỉnh đồi thông, được xây dựng từ thế kỷ XVIII, quy mô 7.154 m2 , có kết cấu kiến trúc liên hoàn, gồm 35 gian, theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc. Hiện trong chùa còn lưu giữ được 90 pho tượng cổ.
Cây Dã Hương là cây duy nhất được Vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) sắc phong là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” (cây Dã Hương lớn nhất nước); được ghi tên, in ảnh trong cuốn Từ điển bách khoa Larouse của Pháp và giới thiệu ảnh tại Hội chợ Marseille năm 1932; được Trường Viễn Đông Bác Cổ xếp vào loại cây cổ thụ hiếm có ở xứ Bắc Kỳ.
Tại cuộc hội thảo về cây Dã Hương của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển đa dạng sinh học (tổ chức năm 2011), các nhà khoa học trong và ngoài nước khẳng định cây Dã Hương này đã tồn tại khoảng 1.000 năm. Cụm di tích và cây Dã Hương xã Tiên Lục đã được xếp hạng cấp Quốc gia ngày 21/01/1989, cùng với những độc đáo của cây Dã Hương và giá trị vốn có của cụm di tích xã Tiên Lục. Đây là điều kiện thuận lợi để đề nghị xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt đối với cụm di tích và cây Dã Hương xã Tiên Lục.
Đền Chí Mìu, đền bà Chúa Then, xã Hương Sơn Đền Cô Bé Chí Mìu nằm ở thôn Chí Mìu, xã Hương Sơn. Cô bé Chí Mìu chính là Cô Bé Thượng Ngàn (được coi là cô út trong Tứ Phủ Thánh Cô), do đền nằm ở thôn Chí Mìu nên mọi người gọi cô theo tên địa danh là cô Bé Chí Mìu. Ngôi đền được phối thờ các cung: Cung công đồng, cung Sơn Trang, cung Trần Triều và cung Cấm thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Là một ngôi Đền mang nhiều tính linh nên vào đêm 14 và 30 (Âm lịch) hàng tháng có hàng nghìn khách thập phương về đây để cầu lộc, cầu tài, câu may mắn...
Đền bà Chúa Then được coi là chốn tổ của chúa Then người Nùng trong Đạo Mẫu Việt Nam (do ông Bùi Quang Lưu (Cậu Lưu) thủ nhang). Đền được chủ nhang đầu tư kinh phí để trùng tu và xây dựng mới với những mảng trạm khắc tiêu biểu. Tục thờ cúng chúa Then là một loại hình nghệ thuật văn hóa tâm linh dân gian luôn có sức sống khá mãnh liệt trong đời sống cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng; là loại hình văn hóa phi vật thể vừa mang tính động, hàm chứa tính nhân văn cao, vừa mang âm hưởng của loại hình văn hóa tín ngưỡng dân gian gắn liền với bản sắc của dân tộc Tày, Nùng. Đây là loại hình nghệ thuật biểu diễn tổng hợp của nhiều hình thức diễn xướng khác nhau như tín ngưỡng xã hội và văn hóa nghệ thuật, nhập đồng, nhảy múa, hóa vàng, dâng lễ,…
Cùng với thành Cần Trạm, Đền Càn, Nghè Trận (những địa danh đã được xếp hạng di tích lịch sử), đình Sấu, đền Cổ Ngựa, đền Cô bé Chí Mìu và bà Chúa Then... hồ Hố Cao và nhất là những phong tục tập quán đậm nét văn hóa của xã Hương Sơn. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành khu du lịch văn hóa, tâm linh của huyện Lạng Giang.
Xem chi tiết kế hoạch tại đây./
Dương Hằng