Nhiều năm qua, cụm từ “du lịch đường sông” luôn được nhắc đến nhiều tại Tp. Hồ Chí Minh. Nhưng trên thực tế đến nay, loại hình du lịch đường sông vẫn chưa được như kỳ vọng tạo thành điểm nhấn quan trọng của du lịch Tp. HCM.
Tuyến du lịch Nhiêu Lộc – Thị Nghè vì nhiều lý do khác nhau, đến nay tuyến này vẫn hoạt động… cầm chừng
Nhiều về số lượng
Thống kê từ Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh, trong 2 năm (2017 và 2018), số lượng khách đến Tp. HCM và sử dụng loại hình du lịch đường thủy ước đạt khoảng 450 nghìn lượt khách/năm, với doanh thu đạt 540 tỷ đồng/năm. Ngành du lịch Tp. HCM đang phấn đấu tăng trưởng dòng khách du lịch đường thủy với tốc độ khoảng 15%/năm trong những năm tiếp theo. Đối với dòng khách quốc tế, lượng khách đến và sử dụng du lịch đường thủy đạt khoảng 470 nghìn lượt/năm và có tốc độ tăng trưởng từ 12 đến 15%/năm. Trong những năm tiếp theo, doanh thu từ du lịch đường thủy (chủ yếu là tàu biển) phấn đấu đạt 1.220 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 12% trong những năm tiếp theo.
Để khai thác du lịch đường thuỷ, Tp. HCM đã có nhiều bến thủy nội địa phục vụ khách du lịch. Điển hình như Bến đường thủy Bình Đông tại chùa Long Hoa (quận 8), Bến Lò Gốm (quận 6), Bến chùa Hội Sơn (quận 9), Bến đò Phú Xuân, Bến Tắc Xuất, Bến Khu di tích Giồng Chùa (huyện Cần Giờ), Bến Khu dân cư Bình Hòa (quận Bình Thạnh)… Theo quy hoạch, Tp. HCM sẽ có nhiều tuyến du lịch đường thủy, như Tuyến công viên Bạch Đằng (quận 1) đi kênh Bến Nghé, kênh Tàu Hủ, kênh Lò Gốm đến chùa Long Hoa (quận 8); Tuyến công viên Bến Bạch Đằng đi trên sông Sài Gòn đến khu vực Thanh Đa, khu du lịch Bình Quới (quận Bình Thạnh); Tuyến Bạch Đằng đi trên sông Sài Gòn đến khu di tích Địa đạo Bến Dược (huyện Củ Chi); Tuyến công viên Bến Bạch Đằng đi trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đến chùa Hội Sơn (quận 9); Tuyến bến đò Phú Xuân (huyện Nhà Bè) đi trên sông Nhà Bè - Lòng Tàu, sông Dừa, sông Đồng Tranh, sông Gò Da, sông Đông Đình, sông Dinh Bà 2 đến khu sinh quyển Cần Giờ (huyện Cần Giờ).
Theo ước tính tại Tp. HCM hiện đang có hơn 100 tuyến sông, kênh, rạch, với tổng chiều dài khoảng 1.000km. Sở Du lịch Tp. HCM đã tham mưu cho UBND Tp. HCM ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch về phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2017 – 2020. Theo kế hoạch này sẽ tập trung vào hai nhóm giải pháp là: Cải thiện, nâng cao các sản phẩm du lịch hiện có và đầu tư xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đường thủy mới. Các tuyến mới gồm có Tuyến du lịch đi quận 7, Tuyến du lịch đi quận 5, 6, 8 và Tuyến du lịch đi Quận 9.
Cần có quy hoạch tổ chức không gian phù hợp
Trước đó, từ 2015 TP.HCM đã đưa vào khai thác hoạt động tuyến đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tuyến này xuất phát từ Bến Thuyền ở đường Hoàng Sa (phường Đa Kao, quận 1) đi dọc kênh về hướng quận Tân Bình và dừng lại ở điểm cuối là cầu Lê Văn Sỹ (phường 7, quận 3) và ngược lại. Tuyến du lịch này từng được kỳ vọng là hạt nhân trong phát triển du lịch đường thủy tại Tp. HCM. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, đến nay tuyến này vẫn hoạt động… cầm chừng, chưa thể thu hút khách như mong đợi. Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm môi trường lòng sông, dịch vụ còn nghèo nàn, hai bên bờ kênh không có gì đặc sắc, chưa có điểm dừng chân ấn tượng để thỏa mãn nhu cầu tham quan của khách du lịch.
Nhiều năm qua, cụm từ “du lịch đường sông” luôn được nhắc đến nhiều tại Tp. HCM
Đến tháng 9/2017, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) cũng đã cho ra mắt và giới thiệu chào bán cho khách du lịch 5 tuyến du lịch đường thủy kết nối từ trung tâm Tp. HCM đến quận 9, huyện Củ Chi, Cần Giờ và liên tuyến - kết nối với tỉnh Bình Dương. Cũng trong năm 2017, tại Tp. HCM đã đưa vào khai thác tuyến buýt đường sông đầu tiên Bến Bạch Đằng - Linh Đông (Thủ Đức). Năm 2018, Tp. HCM cũng là đưa vào khai thác tuyến tàu cao tốc từ trung tâm Tp. HCM đi huyện Cần Giờ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu… Nhưng cho đến thời điểm này, hầu hết những sản phẩm, tour, tuyến đã được đưa vào khai thác vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Một trong những vấn đề tồn tại, trở thành điểm nghẽn trong phát triển du lịch đường thuỷ tại Tp. HCM là cơ sở hạ tầng. Để phát triển mạnh du lịch đường thủy tại Tp. HCM hiện nay, ông Nguyễn Thanh Hà, đại diện một doanh nghiệp hoạt động du lịch đường thuỷ ở Tp. HCM nhấn mạnh, “cần đầu tư và hoàn chỉnh hạ tầng, đặc biệt là các bến đón trả khách tại hai bên bờ sông, kênh, rạch và các khu vực phục vụ, hậu cần. Mặt khác, phải có giải pháp cho các dịch vụ liên quan. Bởi nhiều doanh nghiệp hoạt động du lịch đường thủy đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm bãi đậu cho phương tiện đường bộ để trung chuyển khách đến các điểm, đặc biệt là tại khu vực trung tâm”.
Theo đánh giá của một số chuyên gia trong ngành, sở dĩ du lịch đường sông của Tp. HCM vẫn còn chưa được như kỳ vọng là do nguyên nhân đến từ việc thiếu quy hoạch, tổ chức không gian hai bên bờ sông, kênh, rạch. Ths. Nguyễn Chí Thanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, “mặc dù đã được chú trọng từ nhiều năm qua, tuy nhiên, đến nay các sản phẩm du lịch đường sông của Tp. HCM vẫn còn nghèo nàn và chưa thật sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Do đó, song song với việc xây dựng sản phẩm du lịch gắn với sông, kênh, rạch trên địa bàn Tp. HCM thì cần phải làm tốt công tác quản lý, quy hoạch, thiết kế đô thị ở hai bên bờ. Có không gian hai bên bờ thì chèo thuyền giữa dòng kênh mới có hồn, chứ không trơ trọi như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hiện nay”.
Thanh Tùng