Theo đánh giá của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Lào Cai là tỉnh đi đầu trong cả nước về phát triển du lịch cộng đồng với hơn 300 điểm lưu trú tại gia, chủ yếu ở các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát.
Kết quả thống kê cho thấy, năm 2010, các điểm du lịch cộng đồng
trên địa bàn tỉnh đón 184.740 lượt khách, năm 2017 tăng lên gần một triệu lượt.
Nhìn vào số liệu đó, nhiều người cho rằng du lịch cộng đồng đang phát triển khá
mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở một số địa phương trong tỉnh. Tuy
nhiên, trên thực tế, loại hình du lịch này đang phát sinh những bất cập, hạn chế,
nếu không sớm có định hướng đúng và giải pháp phát triển phù hợp thì trong
tương lai sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều du khách đến Tả Van (Sa Pa) cách đây vài năm có chung
cảm nhận đây là vùng đất đáng đến không chỉ bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vỹ,
không khí trong lành, mà còn vì những nét văn hóa của cộng đồng dân tộc Giáy,
Dao, Mông… nơi đây. Nhưng hiện nay, trung tâm xã Tả Van đã thay đổi khá nhiều,
không còn khung cảnh thôn, bản thơ mộng với những ngôi nhà gỗ yên bình ẩn mình
dưới tán cây xanh mướt, thay vào đó là những nhà hàng, nhà nghỉ được xây kiên cố,
dịch vụ ăn uống mở tràn lan. Thậm chí, không ít cơ sở homestay “bê” luôn mô
hình kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, nhà hàng ở thành phố vào vùng nông thôn này.
Là chủ một cơ sở homestay từ nhiều năm nay, bà Liềng Thị Chi
ở thôn Tả Van Giáy 1 trăn trở: Làm du lịch homestay theo đúng nghĩa không đơn
giản chỉ lo phòng nghỉ, việc ăn uống cho du khách ở nhà mình, mà còn nhiều yếu
tố khác như phải đảm bảo cảnh quan làng xã sạch đẹp và giữ được vẻ nguyên sơ
trong nếp nhà, trong nét sinh hoạt để tạo cho du khách cảm giác thoải mái, thấy
yêu thích cuộc sống và nét văn hóa đặc sắc của vùng đất nơi họ đến. Tuy nhiên,
hiện nay không phải cơ sở homestay nào cũng làm được điều này.
Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Tả Van, ông Phan
Mạnh Hoàng cho biết: Mấy năm nay, nhờ phát triển dịch vụ du lịch mà Tả Van đã
“thay da đổi thịt”, nhưng lại theo hướng đô thị hóa nhiều hơn. Từ khi trào lưu
làm du lịch cộng đồng len lỏi đến từng thôn, bản, nhiều hộ đua nhau dỡ nhà cũ
xây nhà mới để làm thêm phòng đón khách. Nhiều người ở các tỉnh miền xuôi cũng
lên đây thuê đất của dân địa phương để mở các quán ăn, cửa hàng dịch vụ phục vụ
khách... “Vấn đề địa phương lo ngại nhất hiện nay là do nhiều hộ dân “bung” ra
làm du lịch cộng đồng nên xảy ra tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp, thậm chí
chiếm cả diện tích của di tích ruộng bậc thang Sa Pa, để xây dựng nhà và hàng
quán đón khách, làm phá vỡ cảnh quan, sinh thái...” - Chủ tịch UBND xã cho biết
thêm.
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, không chỉ ở Tả Van
mà nhiều xã khác như Lao Chải, Hầu Thào, Tả Phìn, San Sả Hồ, Thanh Kim của huyện
Sa Pa; Bảo Nhai, Na Hối (Bắc Hà)… cũng đang nảy sinh những hạn chế trong phát
triển du lịch cộng đồng. Một minh chứng rõ nhất để thấy rằng ở đâu cảnh quan,
môi trường và bản sắc văn hóa bị phá vỡ, du khách sẽ không đến. Hẳn nhiều người
còn nhớ cách đây ít năm, thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai (Bắc Hà) là điểm đến thu
hút nhiều du khách trong nước và quốc tế, bởi ở đây có di tích đền thờ Gia Quốc
công Vũ Văn Mật; có làng cổ người Tày và có bến thuyền để du khách du ngoạn
trên sông Chảy… Trong làng lúc nào cũng có hàng chục hộ tham gia đón khách đến
lưu trú, nhưng hiện nay, khách đến Trung Đô thưa thớt, cả thôn chỉ còn 2 hộ làm
dịch vụ lưu trú. Bà Lâm Thị Nghiêm, chủ một cơ sở lưu trú homestay tại thôn
Trung Đô cho biết, nguyên nhân du khách ít đến thôn là do sông Chảy đã cạn kiệt
nước và trong thôn có hai điểm khai thác mỏ làm phá vỡ cảnh quan, gây ô nhiễm
môi trường. Một vấn đề đáng buồn nữa là một số hộ vay vốn đầu tư làm du lịch cộng
đồng, giờ du khách không đến khiến họ kinh doanh thua lỗ và phải gánh nợ ngân
hàng.
Là người tâm huyết với việc phát triển du lịch cộng đồng,
ông Sần Cháng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai chia sẻ:
“Loại hình du lịch cộng đồng đang bộc lộ những hạn chế cần khắc phục. Chỉ ví dụ
ở huyện Sa Pa, hiện có rất nhiều người từ các tỉnh miền xuôi lên thuê nhà, thuê
đất của người dân địa phương để mở các điểm du lịch homestay, nhưng thực chất họ
chỉ đơn thuần là xây nhà cho thuê phòng, kinh doanh dịch vụ ăn uống và các dịch
vụ khác. Chỉ tính thôn Tả Van Giáy 1 và Tả Van Giáy 2 thuộc xã Tả Van - nơi tôi
đang sống, hiện có 50 cơ sở homestay thì khoảng 50% là của người nơi khác đến
thuê, như vậy thì bản chất của du lịch cộng đồng sẽ dần mất đi”.
Có thể thấy, du lịch cộng đồng ở Lào Cai tuy đạt được những
kết quả khả quan, nhưng để phát triển bền vững, thiết nghĩ, tỉnh cần có những
giải pháp quản lý phù hợp. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Dũng, Phó
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Hiện Lào Cai đã xây dựng
quy hoạch phát triển các điểm du lịch cộng đồng tại các địa phương, đồng thời tổ
chức đào tạo nguồn nhân lực và có giải pháp bảo tồn phong cảnh và nét văn hoá đặc
sắc của các thôn, bản dân tộc thiểu số với phương châm “Biến di sản thành tài sản”
để phát triển kinh tế du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng phát huy mô
hình du lịch cộng đồng có sự liên kết chặt chẽ của “3 nhà”: Nhà nước định hướng
và xây dựng chính sách quản lý phát triển du lịch cộng đồng; nhân dân tham gia
làm du lịch và có nghĩa vụ bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; nhà doanh nghiệp tăng
cường quảng bá đưa du khách đến tham quan.
Thực tế, hơn 70% du khách trong nước và quốc tế đến Lào Cai
có nhu cầu đến các thôn, bản của đồng bào dân tộc thiểu số, chứng tỏ du lịch cộng
đồng ở Lào Cai luôn có sức hút lớn đối với du khách. Tuy nhiên, việc phát triển
du lịch cộng đồng không thể nóng vội, chạy theo phong trào, mà cần có chiến lược
bài bản, đảm bảo phát triển theo hướng bền vững. Để làm được điều này, cần có
giải pháp đúng đắn với sự quan tâm vào cuộc của chính quyền các cấp và ngành chức
năng cũng như sự đồng tình của người dân.
Phạm Vũ Sơn
Nguồn: baolaocai.vn