Không ít chuyên gia thừa nhận Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nhưng kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng. Do vậy, vấn đề liên kết, hợp tác vùng và liên vùng có ý nghĩa sống còn đối với việc đẩy mạnh phát triển các hoạt động du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đa dạng loại hình du lịch
“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/Non xanh, nước biếc như tranh họa đồ” - người xưa đã khái quát tiềm năng du lịch xứ Nghệ bằng câu ca đầy màu sắc ví von và giàu sức gợi. Những tiềm năng du lịch được khái quát trong câu ca xưa, ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, cho dù trải qua bao biến cố, thăng trầm.
Sức hút Khu du lịch biển Cửa Lò. Ảnh tư liệu: Nguyễn Cảnh Hùng
Trước tiên, với bờ biển dài hơn 80 km, trải dài trên địa bàn 5 huyện, thị xã, có nhiều bãi biển đẹp với “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, Nghệ An thực sự có tiềm năng để phát triển loại hình du lịch biển - nghỉ dưỡng. Thực tế, Khu du lịch biển Cửa Lò, Bãi Lữ (Nghi Lộc) và Biển Quỳnh được quy hoạch, xây dựng và phát triển từ nhiều năm qua, đã và đang khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch miền Trung. Các sản phẩm và dịch vụ ngày càng đa dạng, du lịch biển đã mang về nguồn thu lớn cho các địa phương.
Nghệ An là vùng đất cổ với nhiều dấu tích ghi dấu quá trình hình thành và phát triển, cũng là vùng “địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh các bậc anh hùng, hào kiệt, có công lớn trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đến nay, khắp các làng quê đến phố thị đều có sự hiện diện của di tích lịch sử và công trình văn hóa tâm linh gắn với công đức của các bậc tiền nhân và truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của người dân xứ Nghệ.
Đền Chung Sơn thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: Lê Thắng
Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú chính là điều kiện để phát triển loại hình du lịch văn hóa - tâm linh. Các điểm đến như Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, chùa Đại Tuệ (Nam Đàn), đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên), đền Quả Sơn (Đô Lương), đền Cờn (thị xã Hoàng Mai) và đền thờ Hoàng đế Quang Trung (thành phố Vinh)… là những điểm thu hút lượng khách khá lớn, nhất là vào dịp lễ, tết.
Bức “tranh họa đồ” trong câu ca xưa ý nói phong cảnh xứ Nghệ đẹp như tranh vẽ, từ núi rừng, sông suối đến con đường, làng mạc đều nên thơ, nên họa, có sức lôi cuốn lữ khách phương xa. Giờ đây, nhiều điểm đã trở thành những khu du lịch sinh thái hấp dẫn như Mường Quạ (Con Cuông), Mường Lống (Kỳ Sơn), quần thể thác 7 tầng (Quế Phong) và các thung lũng, đồi hoa ở Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa…, được nhiều du khách gần, xa tìm về thưởng ngoạn.
Bên cạnh đó là những điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng khắp mọi miền đất nước như bản Nưa, bản Xiềng, Khe Rạn (Con Cuông), Hoa Tiến (Qùy Châu) và Cọ Muồng (Quế Phong) đã góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Nghệ An. Và hiện tại, nhiều điểm du lịch cộng đồng đang được quy hoạch, xây dựng để đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm đời sống văn hóa, phong tục địa phương của du khách.
Vẻ đẹp chùa Đại Tuệ (Nam Đàn). Ảnh: Lê Quang Dũng
Qua các chuyến khảo sát của các đoàn Famtrip, các chuyên gia du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều có chung đánh giá Nghệ An còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là các huyện miền Tây. Bên cạnh du lịch biển, du lịch văn hóa - tâm linh và du lịch sinh thái - cộng đồng còn có tiềm năng phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, dựa vào yếu tố địa hình ở vùng rẻo cao.
Liên kết, hợp tác là vấn đề cốt lõi
Cũng theo các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp du lịch, Nghệ An có tiềm năng du lịch lớn nhưng chưa có sự phát triển tương xứng, từ lượng khách đến nguồn doanh thu còn khiêm tốn. Nghĩa là du lịch Nghệ An chưa có được sức hút lớn với khách ngoại tỉnh, nhất là khách ở các thành phố lớn, các trung tâm du lịch như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng…
Nét hùng vĩ và thơ mộng của đảo chè (Thanh Chương). Ảnh: Lê Quang Dũng
Các chuyên gia đều có chung nhận định nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc xây dựng và duy trì các mối liên kết, hợp tác, nhất là liên kết vùng và liên vùng. Nghĩa là đến nay Nghệ An vẫn chưa có sự hợp tác sâu rộng với các trung tâm du lịch, việc xúc tiến, quảng bá còn hạn chế, sản phẩm du lịch cũng chưa thật sự phong phú. Vì lẽ đó, khách du lịch đến đây chưa nhiều, thời gian lưu trú của khách thường ngắn.
Thực tế, ngành Du lịch Nghệ An đã xây dựng mối quan hệ hợp tác với nhiều địa phương, trong đó có những trung tâm du lịch lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình và các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên… Nhưng do dịch Covid-19 kéo dài, hoạt động du lịch bị ngưng trệ, mối quan hệ hợp tác với các địa phương và tổng công ty du lịch bị ảnh hưởng.
Từ khi thực hiện chủ trương mở cửa, khôi phục các hoạt động, Nghệ An đã tích cực củng cố và mở rộng mối quan hệ hợp tác sẵn có, tăng cường việc thỏa thuận, ký kết để các mối quan hệ mang hiệu quả thiết thực, đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa. Có thể kể đến việc phối hợp với các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch với chủ đề “Ba địa phương, một điểm đến, nhiều trải nghiệm”.
Đồng thời, ký kết Thỏa thuận hợp tác du lịch với tỉnh Quảng Ninh; phối hợp với Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội và Sở Du lịch Hà Nội ký cam kết đưa khách du lịch về các tỉnh Bắc Trung Bộ theo Chương trình "Trở lại Bắc Trung Bộ". Ngoài ra, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội còn tham gia khảo sát tour caravan “Khám phá cung đường miền Tây Nghệ An”.
Bản Thái cổ Mường Đán, xã Hạnh Dịch (Quế Phong). Ảnh: Đình Tuyên
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch, ngành du lịch của tỉnh đang tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, doanh nghiệp lớn nhằm kết nối du lịch Nghệ An vào chương trình du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Đặc biệt, Nghệ An phối hợp tổ chức Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An và các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng năm 2022.
Diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch phục hồi và phát triển, trên cơ sở đẩy mạnh kết nối giữa du lịch vùng Bắc Trung Bộ với thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Diễn đàn là hoạt động liên kết giúp gia tăng giá trị và lợi ích cho các đơn vị tham gia để khôi phục và phát triển du lịch. Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được xem là trung tâm phân phối khách du lịch lớn của cả nước nên diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng sẽ tạo điều kiện cho các tỉnh giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, giá trị tài nguyên du lịch và các điểm đến, sản phẩm du lịch của mỗi địa phương. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch gặp gỡ, giao lưu, liên kết với nhau, mở rộng quan hệ hợp tác.
Tại diễn đàn, các đại biểu được nghe ý kiến các chuyên gia bàn về giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác, liên kết giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An và các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng giai đoạn 2022 - 2027. Trong đó, nổi bật là vấn đề liên kết vùng trong thu hút khách quốc tế đến Việt Nam; khảo sát nhu cầu thị trường nội địa, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ trong tình hình mới; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông vận tải để phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ; phát huy nội lực vùng và thu hút đầu tư để đưa du lịch trở thành động lực tăng trưởng kinh tế; xây dựng sản phẩm du lịch liên kết vùng…
Đây là dịp để quảng bá các điểm đến và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, mở rộng hợp tác, thu hút khách du lịch về Nghệ An.
Hy vọng với những hoạt động hợp tác, giao lưu, liên kết này, du lịch Nghệ An sẽ có nhiều cơ hội đổi mới để lan tỏa tiềm năng của vùng đất "địa linh nhân kiệt".
Theo Báo Nghệ An
Sưu tầm: Ngô Diệp