Trên cơ sở xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tiềm năng phát triển du lịch di sản văn hóa, phân vùng theo tiềm năng phát triển, chúng tôi tiến hành đánh giá, thu được kết quả, từ đó xác định các khu vực và trục đặc thù phát triển du lịch trong khu phố Pháp – Hải Phòng.
Xác định các khu vực đặc thù phát triển du lịch di sản văn hóa
Các khu vực và trục đặc thù phát triển du lịch trong khu phố Pháp Hải Phòng (Nguồn: Nguyễn Quốc Tuân)
Trên cơ sở xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tiềm năng phát triển du lịch di sản văn hóa, phân vùng theo tiềm năng phát triển, chúng tôi tiến hành đánh giá, thu được kết quả, từ đó xác định các khu vực và trục đặc thù phát triển du lịch trong khu phố Pháp – Hải Phòng, như sau:
1. Khu vực ngã ba sông Tam Bạc – sông Cấm, kéo dài từ cầu Lạc Long tới bến Bính, vòng sang mặt sông Cấm, tới chân cầu Hoàng Văn Thụ: Tham khảo mô hình khu Clark Quay của Singapore, nơi đã bảo tồn theo hình thức chuyển đổi chức năng một khu phố cổ của người Hoa thành không gian kinh tế đêm vô cùng sầm uất, tạo ra GDP đêm đáng kể cho ngành Du lịch Singapore. Theo mô hình này, nghiên cứu đề xuất tổ chức dải hoạt động kinh tế đêm, gồm các ngành dịch vụ ăn uống, nhà hàng, quán bar, với tuyến phố đi bộ ven sông Tam Bạc – bến Bính – ven sông Cấm – chân cầu Hoàng Văn Thụ. Trên sông Tam Bạc. Có thể tái hiện cảnh những thuyền buồm nâu, thuyền buôn tấp nập trong ký ức ngày trước của nhiều người, giờ trở thành tàu thuyền du lịch, tàu dịch vụ… (zone 1);
2. Khu vực cảng Hải Phòng: Theo quy hoạch chung thành phố (TP) Hải Phòng tới 2040, tầm nhìn đến 2050, cảng Hải Phòng sẽ dời ra các cảng Tân Vũ, Lạch Huyện, Đình Vũ. Khu cảng hiện tại sau khi di dời sẽ tạo ra quỹ đất lớn, là cơ hội để TP thực hiện các chương trình Đổi mới đô thị (có chiến lược và tầm nhìn vĩ đại hơn Chỉnh trang đô thị). Khu cảng Hải Phòng nên trở thành không gian công cộng, là nơi bố trí các công trình công cộng phục vụ đông đảo nhân dân và du khách, các công trình văn hóa, nghệ thuật, dịch vụ công ích đô thị với mật độ thấp, tầng cao thấp, xen giữa không gian cảnh quan của một công viên ven sông. Không gian này nên giữ lại những công trình tiêu biểu, có giá trị lịch sử – văn hóa cao (zone 2a):
Địa điểm bến Sáu kho có thể cải tạo thành một Trung tâm Sáng tạo nghệ thuật;
Các cần cẩu lớn của Cảng cũ có thể được giữ lại và trở thành biểu tượng (iconic) – những chứng nhân cho thăng trầm của một TP công nghiệp – cảng biển Hải Phòng;
Điểm kết thúc của dải vườn hoa trung tâm: Có thể mở một âu tầu nhỏ, kết hợp xây dựng kề bên là công trình Bảo tàng cảng Hải Phòng, một sự kết nối xứng đáng giữa TP với sông Cấm – yếu tố khởi đầu của việc hình thành đô thị Hải Phòng hiện đại hôm nay (zone 2b).
Cảng và các cơ sở công nghiệp hai bên sông Cấm có thể phối kết để tổ chức du lịch đường sông kết nối các di sản công nghiệp sau khi đã chuyển đổi thành các không gian văn hóa sáng tạo độc đáo, riêng có của Hải Phòng.
3. Trục di sản văn hóa: Tổ chức các bảo tàng, nhà trưng bày, gallery nghệ thuật hai bên dải vườn hoa trung tâm kéo dài từ Nhà Triển lãm TP tới công viên Kim Đồng. Các thiết chế văn hóa – nghệ thuật này được hình thành trên cơ sở chuyển đổi chức năng (sau năm 2025) một số biệt thự hiện đang là công sở, công trình nhà tám mái…, cùng với Nhà hát Lớn, Nhà Triển lãm hình thành trục di sản văn hóa tầm cỡ của Hải Phòng, cộng hưởng cùng giá trị và quy mô của dải vườn hoa trung tâm, có cơ hội lớn trở thành trục văn hóa độc đáo bậc nhất Việt Nam (xem bảng 1-2) – (zone 3).
4. Khu phố Tam Bạc với nhiều hoạt động đặc sắc của người Việt và người Hoa trước đây, với 3 khu chợ, những món ẩm thực đặc sắc, với nhiều hoạt động sống thú vị được “phô bày” hàng ngày trên đường phố, có tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm, food tour. Xem xét tái hiện vào mỗi cuối tuần mô hình chợ Sông, nơi thuyền buôn tấp nập trao đổi hàng hóa trên sông Tam Bạc như những năm đầu thế kỷ 20. Có thể tổ chức chợ đêm ở dãy phố ven sông Tam Bạc. (zone 4).
5. Khu vực ga Hải Phòng và một số ô phố xung quanh: Có nhiều hoạt động đặc sắc của người Việt, với khu chợ Cố Đạo nổi tiếng về món nem cua, bánh đa cua, cùng các hiệu bánh có tiếng trên phố Cầu Đất gần đó, có thể tổ chức mô hình du lịch ẩm thực (zone 5).
6. Kiện toàn và củng cố trục thương mại Điện Biên Phủ – trục sầm uất nhất dưới thời Pháp thuộc, với những cửa hàng, khách sạn, hãng tàu, hãng buôn đặt trụ sở trước đây. Cần có cơ chế ưu đãi để tập trung được nhiều cơ sở thương mại về phố này, khuyến khích đầu tư trang trí cửa hàng theo phong cách phương Tây gợi nhớ hình ảnh tuyến phố trước đây. Trục Điện Biên Phủ nối với trục Lê Hồng Phong dẫn tới sân bay Cát Bi, tiếp tục nối dài vai trò là trục thương mại trung tâm của Hải Phòng từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21.
7. Kiện toàn trục Hoàng Văn Thụ thành trục văn hóa – sáng tạo với các công trình quan trọng trên trục, điểm đầu là nhà hát TP, điểm cuối là Sở Kế hoạch và Đầu tư gần đó (sau 2025 được đề xuất chuyển đổi chức năng thành Trung tâm hỗ trợ Sáng tạo nghệ thuật tầm cỡ). Trục này có tiềm năng tổ chức du lịch khám phá và thưởng thức nghệ thuật, dạy kỹ năng nghệ thuật… Trục Hoàng Văn Thụ có thể xem xét kết nối mở rộng sang bờ bắc sông Cấm (phía Bắc) và Cầu Đất (phía Nam).
8. Tổ chức cảnh quan “trên bến dưới thuyềnˮ và chợ đêm + khu phố dịch vụ đêm hai bên tuyến sông Tam Bạc (trục C).
9. Chuyển đổi chức năng một số cơ sở công nghiệp cũ, kho cảng,… có vị trí cận kề sông Cấm trở thành các tổ hợp / hub sáng tạo nghệ thuật cộng đồng, tổ chức tour du lịch đường sông kết nối các điểm này.
Bảng 1: Nghiên cứu đề xuất các loại hình du lịch khuyến khích phát triển theo khu vực
Đề xuất một số sản phẩm du lịch di sản văn hóa đặc trưng
Dựa vào thế mạnh là tài nguyên di sản văn hóa khu phố Pháp Hải Phòng, bên cạnh các sản phẩm du lịch trong không gian khu phố Pháp do Sở Du lịch Hải Phòng đang triển khai, quảng bá mà chúng tôi đã khảo sát (1/ Food tour Hải Phòng, 2/ Hải Phòng – Lòng vòng check in, 3/ Free walking tour với chủ đề “Hải Phòng một thoáng xưa”), chúng tôi đề xuất xây dựng ba sản phẩm du lịch khác biệt, mang đặc trưng văn hóa và kiến trúc – đô thị khu phố Pháp như sau:
1. Sản phẩm kết hợp du lịch lịch di sản đô thị, văn hóa và ẩm thực: Có thể kết hợp tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên thế mạnh di sản văn hóa khu phố Pháp của Hải Phòng là “Tour Kiến trúc và Nghệ thuật khu phố Pháp – Hải Phòng”. Đến với tour du lịch này, du khách không chỉ được thưởng thức các món được phục vụ theo phong cách Pháp tại những nhà hàng kiểu Pháp, tại các biệt thự Pháp, được tham quan các công trình kiến trúc Pháp nổi tiếng như Nhà hát TP, Bảo tàng Hải Phòng, Bưu điện,… Theo tuyến tour (ảnh 2), du khách có cơ hội khám phá những công trình kiến trúc thuộc địa Pháp đặc sắc với nhiều phong cách kiến trúc tiêu biểu:
A – Ngân hàng Vietinbank (công trình có phong cách Đông Dương / hoặc Pháp – Hoa);
B – Trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao (đề xuất sau 2025 sẽ chuyển đổi chức năng thành phần mở rộng của Bảo tàng Hải Phòng, công trình có phong cách Art Décor);
C – Bảo tàng Hải Phòng (công trình có phong cách Cổ điển / Tân Cổ điển);
D – Bưu điện TP (công trình có phong cách Tân Cổ điển);
E – Ban quản lý các khu Kinh tế Hải Phòng (đề xuất sau 2025 sẽ chuyển đổi chức năng thành Trung tâm Sáng tạo nghệ thuật, công trình có phong cách Cổ điển / Tân Cổ điển). Bên cạnh địa điểm này, du khách có thể tham quan tòa nhà Ngân hàng Nhà nước tại Hải Phòng (công trình có phong cách Art Décor);
G – Nhà thờ Chính tòa Hải Phòng (công trình có phong cách Gothic đặc trưng);
H – Nhà hát TP (công trình có phong cách Baroque giản lược);
Xung quanh các công trình / địa điểm này, du khách có thể khám phá các cửa hàng thời trang, nghệ thuật, đồ gốm và đồ thủ công truyền thống Pháp. Du khách được mời tham gia các lớp học kỹ năng nghệ thuật, đắm mình trong không gian văn hóa của khu phố Pháp. Điều này sẽ mang lại một trải nghiệm rất khác biệt cho du khách khi tới tham quan khu phố Pháp Hải Phòng.
Tour Kiến trúc và Nghệ thuật khu phố Pháp Hải Phòng
2. Sản phẩm du lịch “Tour Danh nhân Hải Phòng” dành cho những người yêu văn học, nghệ thuật, hội họa… Đặc điểm của tour là tìm hiểu những thành tựu nghệ thuật, văn hóa của các tên tuổi như Khái Hưng, Hoàng Ngọc Phách, Văn Cao, Nguyên Hồng, Đoàn Chuẩn, Trần Văn Cẩn,… Lộ trình tham quan (ảnh 3) của du khách thong dong dạo phố theo trục di sản văn hóa, thăm quan chuỗi các bảo tàng danh nhân, nhà trưng bày, gallery nghệ thuật dự kiến bố trí hai bên dải vườn hoa trung tâm kéo dài từ Nhà Triển lãm TP ra tới công viên Kim Đồng (xem bảng 1) – (zone 3).
Du khách tiếp tục hành trình tới trục Hoàng Văn Thụ với điểm đầu là Nhà hát TP, tham quan nhà hát và thưởng thức nghệ thuật (một vở diễn ngắn kể câu chuyện Đất và người Hải Phòng / một trích đoạn từ những tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn / nhạc sĩ / nhà biên kịch Hải Phòng…) Sản phẩm du lịch này được hình thành sau khi đã chuyển đổi chức năng một số biệt thự / công trình thành các bảo tàng danh nhân Hải Phòng.
Tour Danh nhân Hải Phòng (Nguồn: Nguyễn Quốc Tuân)
3. Sản phẩm du lịch gắn với sông nước: Hải Phòng là TP hình thành từ sông nước, có tài nguyên và cảnh quan sông nước rất dồi dào. Nghiên cứu đề xuất hai sản phẩm du lịch đặc thù:
Sản phẩm 3A: Lấy ý tưởng từ dòng sông Seine ở Pháp, xây dựng tour du lịch trên thuyền “Tour Sông trong Phố” (một cách tạo ấn tượng riêng, làm nổi rõ đặc điểm đô thị Hải Phòng là Sông trong Phố, khác với Hà Nội là Phố trong Sông). Tour có lộ trình (ảnh 4) theo trục C, bắt đầu từ bến sông Tam Bạc, nơi tái hiện cảnh những thuyền buồm nâu, thuyền buôn (zone 4, zone 1) xuôi dòng Tam Bạc với nhiều hoạt động đặc sắc của người Việt và người Hoa trước đây, trải nghiệm ẩm thực địa phương (Zone 4), ghé thăm bến Bính, đi dọc sông Cấm ngắm cầu Hoàng Văn Thụ, công viên – quảng trường tại khu vực Cảng Hải Phòng, tới điểm kết thúc hành trình là zone 2A và 2B với không gian văn hóa công cộng và bảo tàng cảng Hải Phòng dự kiến xây dựng trong tương lai. Tour này có thể khai thác ban ngày, ban đêm (tham quan chợ đêm Tam Bạc và khu phố phát triển dịch vụ kinh tế đêm).
Sản phẩm 3B: Tổ chức tuyến du lịch khai thác lợi thế sông nước, kết hợp tham quan các di sản công nghiệp, kho cảng – không gian văn hóa sáng tạo hai bên bờ sông Cấm, thưởng thức các sản phẩm nghệ thuật, trải nghiệm các mô hình văn hóa mới tại Hải Phòng. Các địa điểm trong tour gồm có: Tham quan Cảng Hải Phòng, bến Sáu kho => lên tàu du lịch từ bến Bính => Bảo tàng nhà máy Xi măng Hải Phòng => Nhà máy đóng tàu…
Sơ đồ tour Sông trong Phố – tuyến 3A (Nguồn: Nguyễn Quốc Tuân)
Định hướng xây dựng thương hiệu và quảng bá điểm đến khu phố Pháp Hải Phòng
Với các giá trị di sản kiến trúc đô thị tại khu phố Pháp Hải Phòng, có thể coi là các sản phẩm du lịch đặc thù mà không phải địa phương nào cũng có được. Cần có những giải pháp trong xây dựng và quảng bá khu phố Pháp để nơi đây thực sự trở thành một thương hiệu điểm đến của du lịch Hải Phòng. Nhắc đến Hải Phòng, du khách không chỉ nhớ tới biển, tới ẩm thực mà còn nhớ tới khu phố Pháp với không gian văn hóa, kiến trúc, đô thị phảng phất nét châu Âu một thời. Cụ thể:
1. Thay đổi nhận thức về giá trị di sản khu phố Pháp Hải Phòng trong phát triển du lịch. Xác định đây là sản phẩm du lịch đặc thù, tạo sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác. Từ đó, các cơ quan quản lý cần có các chính sách phù hợp, đẩy mạnh phát huy giá trị của khu phố Pháp Hải Phòng trong việc xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Hải Phòng;
2. Xây dựng hình ảnh thương hiệu cho khu phố Pháp thông qua biểu tượng (logo), khẩu hiệu (slogan). Việc xây dựng thương hiệu điểm đến thông qua logo và slogan đã mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc, có thể thấy rõ qua trường hợp của Singapore. Sở dĩ, Singapore trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á là có sự trợ giúp của việc xây dựng thương hiệu điểm đến với logo và slogan hấp dẫn, luôn được thay đổi liên tục. Năm 1984, Singapore đã tạo ra thương hiệu đầu tiên của du lịch bằng cách xây dựng nên hình ảnh Surprising Singapore. Sau đó, một loạt các thương hiệu du lịch Singapore ra đời dựa vào thời điểm chuyển mình của đất nước như: New Asia vào năm 1996, Uniquely Singapore – Độc đáo Singapore năm 2004, Your Singapore năm 2010 và Singapore – Passion Made Possible” (Singapore – nơi đam mê khơi dậy tiềm năng) năm 2017. Đằng sau mỗi thương hiệu du lịch trong từng thời kỳ của Singapore là những câu chuyện về đất nước, con người nơi đây, hấp dẫn khách du khách đến với Singapre để khám phá và trải nghiệm. Do đó, việc xây dựng một hình ảnh thương hiệu độc đáo cho khu phố Pháp với logo và slogan phù hợp, cùng với thương hiệu với food tour Hải Phòng sẽ tạo nên bản sắc riêng cho du lịch TP Hoa phượng đỏ, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước;
3. Xây dựng hệ thống thông tin về khu phố Pháp với các ấn phẩm xuất bản và số hóa dữ liệu trên trang web và nền tảng trực tuyến phục vụ cho hoạt động du lịch, cụ thể:
Xuất bản các ấn phẩm sách, tạp chí về khu phố Pháp Hải Phòng: Lịch sử, các hình ảnh của công trình kiến trúc Pháp trước đây, các câu chuyện thời kỳ đó… để du khách hiểu rõ hơn về giá trị di sản đằng sau các công trình kiến trúc mà Pháp để lại
Phát triển một trang web và nền tảng trực tuyến dành riêng cho khu phố Pháp, cung cấp thông tin chi tiết về lịch sử, kiến trúc, hoạt động du lịch, các sự kiện đặc biệt, các điểm tham quan, cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch khác. Điều này giúp cho du khách có thể tìm hiểu và lựa chọn trải nghiệm tại khu phố Pháp một cách thuận tiện và linh hoạt;
4. Phát huy thế mạnh về quảng bá mà du lịch Hải Phòng đã làm tốt trong thời gian vừa qua. Đó là sử dụng các kênh quảng bá và marketing đa dạng như: Truyền thông địa phương, mạng xã hội (facebook, Instagram, youtube), website du lịch để chia sẻ hình ảnh, video và câu chuyện về KPP, thu hút sự quan tâm và tương tác của khách hàng. Đồng thời, sử dụng công cụ SEO (Search Engine Optimization: tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) để đảm bảo các kênh quảng bá này xuất hiện cao trong kết quả tìm kiếm và thu hút số lượng lớn người tìm kiếm;
5. Xúc tiến đầu tư phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh: Hiện nay, du lịch Hải Phòng đang làm tốt công tác xúc tiến với du lịch nội địa, đặc biệt là giới trẻ qua các phương tiện thông tin truyền thông như: Website, facebook, tiktok. Tuy nhiên, còn một kênh truyền thông khá hữu hiệu nữa là qua điện ảnh. Những câu chuyện, bộ phim được xây dựng với bối cảnh khu phố Pháp sẽ tạo hiệu ứng tốt với du khách trong và ngoài nước. Điều này có thể thấy được rõ thông qua bộ phim hài lãng mạn mới của Netflix “A tourist’s guide to Love” được quay hoàn toàn tại Việt Nam. Với hành trình của nhân vật chính, nhiều hình ảnh đẹp ba miền Bắc – Trung – Nam đã được giới thiệu tới người xem, khơi dậy cảm hứng du lịch Việt Nam của du khách quốc tế.
6. Tổ chức sự kiện văn hóa du lịch thường xuyên tại khu phố Pháp Hải Phòng như: Lễ hội ẩm thực Pháp, đại nhạc hội âm nhạc, chiếu phim, triển lãm nghệ thuật …. khiến cho du khách có cảm giác đang dạo chơi nước Pháp, tận hưởng không khí văn hóa Pháp ngay tại Hải Phòng. Sự thành công của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội trong những năm gần đây có thể là một gợi ý rất tốt cho Hải Phòng tổ chức những lễ hội văn hóa cộng đồng khai thác không gian di sản đô thị;
7. Thành lập trung tâm văn hóa Pháp tại Hải Phòng, có trụ sở là một biệt thự ở khu phố Pháp nhằm lưu giữ tranh ảnh hiện vật về các công trình kiến trúc Pháp ở Hải Phòng. Đồng thời, đây cũng là nơi giao lưu văn hóa với các hoạt động nghệ thuật, hội thảo, chiếu phim, …Điều này giúp du khách trải nghiệm và hiểu thêm về văn hóa Pháp ngay trong không gian khu phố Pháp tại Hải Phòng;
8. Có thể kết hợp tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên thế mạnh di sản văn hóa và đô thị của Hải Phòng là “Foodtour Hải Phòng trong lòng phố Pháp”. Đến với tour du lịch này, khách hàng không chỉ được thưởng thức các món ăn đường đường phố Hải Phòng được phục vụ theo phong cách Pháp tại những khu biệt thự Pháp mà còn được tham quan các công trình kiến trúc Pháp nổi tiếng, khám phá các cửa hàng thời trang, nghệ thuật, đồ gốm và đồ thủ công truyền thống Pháp. Điều này sẽ mang lại một trải nghiệm rất khác biệt cho du khách khi tới tham quan khu phố Pháp – Hải Phòng;
9. Quảng bá, giới thiệu về du lịch Hải Phòng trên những chuyến tàu từ Hà Nội, trên những chuyến bay từ phương xa có điểm đến Hải Phòng. Cần xác định việc quảng bá du lịch là công tác cần triển khai liên tục, trên nhiều kênh. Du khách sẽ được trải nghiệm một không khí Hải Phòng, ẩm thực Hải Phòng, các sản vật / ấn phẩm về Hải Phòng ngay khi vừa bước chân lên tàu / máy bay;
10. Đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch city tour Hải Phòng có kiến thức sâu rộng, am hiểu về văn hóa, kiến trúc Pháp. Chỉ khi có kiến thức, hướng dẫn viên mới truyền tải được các giá trị di sản tới du khách với những câu chuyện đặc biệt và những góc nhìn độc đáo về khu phố Pháp – Hải Phòng;
11. Các giải pháp hỗ trợ: Để xây dựng và quảng bá điểm đến khu phố Pháp – Hải Phòng, cần tăng cường liên kết, hợp tác mạnh mẽ với các địa phương để kết nối, mở rộng thị trường, cùng tạo nên các sản phẩm du lịch chung, sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, Sở Du lịch cần phối hợp chặt chẽ với Sở, ngành liên quan để đẩy mạnh phát triển thị trường và hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm trong nước, quốc tế; xây dựng phát triển sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn, lấy du lịch di sản văn hóa mà nền tảng là khu phố Pháp để tạo sự khác biệt.
Ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2045 Hải Phòng “Trở thành TP có trình độ phát triển cao trong nhóm các TP hàng đầu Châu Á và thế giới”. Trong nhiều mục tiêu phát triển, du lịch và công nghiệp văn hóa sáng tạo là một trong những trụ cột được TP quan tâm thúc đẩy bằng những giải pháp mạnh mẽ.
Là vùng đất lâu đời có truyền thống văn hoá, lịch sử, lễ hội, có tài nguyên du lịch phong phú gắn với biển đảo, sinh thái, nghỉ dưỡng…, du lịch Hải Phòng được định hướng phát triển bền vững, trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia, mang đậm bản sắc và vùng đất con người Hải Phòng.
Trong bối cảnh phát triển mới, du lịch văn hóa được khuyến khích phát triển song hành cùng các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái…, đem đến cho du khách những trải nghiệm du lịch thú vị hơn, sang trọng hơn, nhân văn hơn. Du lịch văn hóa đề cao các giá trị của điểm đến, nơi chốn của đô thị Hải Phòng. Phát triển du lịch văn hóa là phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm.
Các công trình di sản kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hải Phòng được coi là một nguồn tài sản vô giá của TP, phải được bảo tồn, phát huy giá trị và khai thác đúng hướng, sẽ đa dạng tài nguyên du lịch. Phân tích, đánh giá tiềm năng của di sản kiến trúc và đô thị thuộc địa Pháp tại khu phố Pháp Hải Phòng, nghiên cứu đã đề xuất chuyển đổi chức năng một số công trình thích ứng bối cảnh phát triển mới – khi các cơ quan chính quyền của TP dời sang Trung tâm hành chính mới ở bờ Bắc sông Cấm sau 2025.
Khi kết hợp cùng đặc trưng sông nước và đô thị, với tài nguyên văn hóa và danh nhân đất Cảng, các công trình di sản kiến trúc thuộc địa Pháp và không gian đô thị khu phố Pháp Hải Phòng có cơ hội trở thành các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có. Trên cơ sở phát huy thế mạnh và đặc trưng của Khu phố Pháp Hải Phòng, nghiên cứu đề xuất ba sản phẩm du lịch mới. Các sản phẩm được đề xuất có tính khả thi, đồng thời bổ trợ, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch hiện hữu TP Hải Phòng đang triển khai.
Phải khẳng định rằng, di sản đô thị – trong đó có các di sản kiến trúc thuộc địa Pháp – là tài nguyên hữu hình rất có giá trị trong đô thị, nếu được quản lý, khai thác, phát huy giá trị một cách hiệu quả; các di sản này sẽ được “sống” và trở thành những địa điểm quan trọng, thu hút khách du lịch giữ gìn bản sắc, giúp phát triển kinh tế đô thị hiệu quả và bền vững.
TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân
ThS Nguyễn Văn Thắng – TS Phạm Thị Hường
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2023)
Ghi chú:
(1) TS.KTS. Nguyễn Quốc Tuân: Chủ nhiệm đề tài NCKH cấp Bộ: Phát huy giá trị di sản đô thị khu phố Pháp ở Hải Phòng gắn với phát triển du lịch di sản văn hóa. Đề tài do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thực hiện.
(2) ThS. Nguyễn Văn Thắng, Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, thành viên đề tài.
(3) TS. Phạm Thị Hường, Trưởng ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và lữ hành, Trường đại học Phương Đông, thành viên đề tài.
Tài liệu tham khảo
1. Hoàng Đạo Kính (2012) – “Văn hóa Kiến trúc” – Nhà xuất bản Tri Thức;
2. Nguyễn Thị Hoải Phương (2022) – “Khu đô thị trung tâm TP Hải Phòng: Quá trình hình thành và những giá trị tiêu biểu” – Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị khu đô thị trung tâm TP Hải Phòng”, Hải Phòng;
3. Nguyễn Trí Thành (2012) – “Cảnh quan đô thị lịch sử – một giá trị di sản” – Tạp chí Kiến trúc;
4. Nguyễn Quốc Tuân (2014) – “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc đô thị khu phố Pháp tại TP Hải Phòng” – Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội;
5. Nguyễn Quốc Tuân (2014) – “Lưu giữ và phát huy hệ thống sông nước trong xây dựng và phát triển đô thị Hải Phòng” – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam;
6. Hội đồng lịch sử TP Hải Phòng (1990) – “Địa chí Hải Phòng” – Nhà xuất bản Hải Phòng;
7. Hội Kiến trúc sư Hải Phòng, UBND quận Hồng Bàng, Sở Xây dựng, Liên hiệp các hội KH&KT Hải Phòng (2022) – “Kỷ yếu hội thảo khoa học: Bảo tồn và phát huy giá trị khu đô thị trung tâm TP Hải Phòng”;
8. Sở Xây dựng Hải Phòng (2022) – “Đề án quản lý các công trình Kiến trúc có giá trị cần được gìn giữ, tôn tạo, bảo vệ tại TP Hải Phòng”;
9. Uỷ ban nhân dân TP Hải Phòng (2016) – “Quy chế Quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung TP Hải Phòng”;
10. Viện Quy hoạch Hải Phòng (2006) – “Định hướng quy hoạch không gian TP Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050”.