Các địa phương miền Trung đều xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong ảnh: Động Phong Nha (Quảng Bình)
Cách đây 12 năm, lãnh đạo TP. Đà Nẵng từng từ chối rất nhiều dự án đầu
tư, với tổng vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng chỉ vì quan ngại tác động đến
môi trường và ảnh hưởng đến chiến lược phát triển Đà Nẵng trở thành
thành phố du lịch trong tương lai.
Câu chuyện đó đến nay vẫn còn giá trị trong việc quy hoạch định hướng
phát triển có tầm nhìn chiến lược, liên quan đến sự lựa chọn của các địa
phương Duyên hải miền Trung trước nhu cầu phát triển của mình.
Nhiều bài học về quy hoạch vẫn còn đó. Đơn cử như Đà Nẵng được nhiều
chuyên gia kinh tế đánh giá là thành phố được quy hoạch bài bản nhất cả
nước, nhưng từng giai đoạn phát triển có những tồn tại mà sau này là bài
học cho nhiều địa phương khác. Chẳng hạn như việc bố trí Khu công
nghiệp An Đồn (Sơn Trà) trước đây được đánh giá là bước đệm để kích hoạt
kinh tế bờ Đông sông Hàn, nhưng khi du lịch Đà Nẵng phát triển với tốc
độ chóng mặt, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế địa phương thì Khu
công nghiệp An Đồn lại là “quy hoạch lỗi” cho định hướng phát triển bền
vững của Thành phố.
Hay như hàng loạt dự án hạ tầng du lịch ven biển được bố trí sát biển
thời điểm trước đây là một sức hút đầy hấp dẫn đối với nhà đầu tư, nhưng
đến thời điểm hiện tại lại là vấn đề khiến Đà Nẵng phải đau đầu.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, mỗi thời điểm sẽ có bối cảnh khác
nhau. Nếu như ngày đó Đà Nẵng không mạnh dạn kêu gọi đầu tư với quyết
tâm biến bờ Đông sông Hàn trở thành trung tâm du lịch biển, thì ngày nay
làm sao Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn nhất đối với du khách trong
và ngoài nước.
Tại Hội nghị gần đây, TS. Trần Du Lịch từng khẳng định, miền Trung chỉ
có thể lấy du lịch làm tâm điểm để phát triển và chỉ có du lịch mới thay
đổi diện mạo của miền Trung.
Ý kiến của TS. Trần Du Lịch đã và đang được chứng minh bằng thực tiễn.
Dải đất miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận luôn lấy biển làm tâm điểm
để quy hoạch và du lịch chiếm phần lớn cơ cấu kinh tế các địa phương
vùng này.
Đơn cử như Quảng Bình, điểm nhấn từ Phong Nha - Kẻ Bàng đang đưa tỉnh
trở thành “vương quốc hang động”. Chính điểm nhấn này tạo hấp lực cho
nhiều lĩnh vực khác phát triển tương ứng như du lịch hay bất động sản.
Với Thừa Thiên Huế, ngoài giá trị văn hóa truyền thống của Cố đô Huế đã
tạo nên thương hiệu riêng, thì tất cả những hoạch định phát triển từ đô
thị đến Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đều lấy du lịch biển làm điểm
nhất, tạo lợi thế trong thu hút đầu tư.
Quảng Nam cũng vậy. Giá trị cốt lõi của du lịch Quảng Nam hình thành từ
Phố cố Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Cũng chính giá trị văn hóa này đã và
đang trở thành tâm điểm cho tầm nhìn quy hoạch phát triển kinh tế địa
phương này. Chẳng hạn như Khu kinh tế mở Chu Lai được định hình và quy
hoạch phát triển dọc tuyến Nam Hội An. Trong đó định hướng quy hoạch
phát triển hạ tầng du lịch trở thành kim chỉ nam trong tầm nhìn phát
triển của tuyến đường ven biển này. Trong tương lai gần, chuỗi đô thị du
lịch kéo dài từ Điện Dương qua Hội An đến Núi Thành sẽ là điểm nhấn
quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam.
Cùng lợi thế tương đồng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên hay Khánh Hòa,
Ninh Thuận đều không thể tách rời chiến lược phát triển kinh tế lấy du
lịch làm định hướng chung. Quảng Ngãi đang dần hiện thực hóa phát triển
đô thị ra hướng biển và biến đảo Lý Sơn thành “đảo ngọc” về du lịch ở
miền Trung.
Hay như Bình Định, trung tâm tỉnh lỵ là TP. Quy Nhơn cũng không đứng
ngoài xu thế trở thành thành phố du lịch. Ngay như Khu kinh tế Nhơn Hội
trước đây được định hướng là phát triển công nghiệp thì nay đã không
còn phù hợp và đang chuyển hướng phát triển đô thị kết hợp du lịch.
Chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn khiến Phú Yên và Khánh Hòa xây
dựng cho mình một chiến lược phát triển kinh tế đảm bảo hài hòa giữa du
lịch và công nghiệp. Phú Yên có hướng đi rõ nét hơn khi tập trung vào
phát triển du lịch đi đôi với ngành nông nghiệp công nghệ cao, song song
với đó là thu hút đầu tư những dự án năng lượng sạch. Một hướng đi có
thể nói là đảm bảo tính hài hòa và bền vững.
Trong khi đó, Khánh Hòa với Nha Trang được mệnh danh là thành phố du
lịch biển, điều đó đòi hỏi Khánh Hòa có tầm nhìn quy hoạch rộng hơn khi
muốn phát triển công nghiệp. Khu kinh tế Bắc Vân Phong là bước đi mang
tính bền vững của Khánh Hòa khi đưa công nghiệp ra xa TP. Nha Trang.
Có thể nói, du lịch đang là ngành kinh tế mũi nhọn đối với các tỉnh
Duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, một nền kinh tế phát triển phải hội đủ
nhiều ngành nghề khác nhau. Để đảm bảo phát triển hài hòa, các địa
phương đã có tầm nhìn mang tính chiến lược lâu dài. Điều này giúp Duyên
hải miền Trung phát triển toàn diện.